Việc đầu tư hơn nữa cho xe buýt cần phải được quan tâm, một phần để “hút” người dân tham gia, phần khác tạo thói quen cho người dân sử dụng các phương tiện công cộng thay thế dần phương tiện cá nhân.
Người dân đã có thiện cảm
Với mục tiêu thu hút lượng khách đi xe buýt càng nhiều càng tốt, hạn chế dần việc sử dụng phương tiện cá nhân và giảm ách tắc giao thông đô thị, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu khôi phục và phát triển đội ngũ xe buýt từ năm 2002. Nếu như lúc mới bắt đầu, TP Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 580 xe buýt loại từ 17 đến trên 39 ghế và đa phần đều hết niên hạn sử dụng, thì sau hàng loạt chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện, hỗ trợ lãi suất vay khi mua xe mới, hỗ trợ giá vé... đến nay, số lượng xe buýt đã tăng lên khoảng 3.400 đầu xe. Hiện lượng xe buýt này đã có thể phủ khắp địa bàn thành phố.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện thiện cảm của người dân TP Hồ Chí Minh với xe buýt đã tăng lên. Dễ dàng nhận thấy khi vào giờ cao điểm sáng và chiều, các trạm xe buýt đều đông nghịt khách.
Xe buýt đã được đông đảo người dân lựa chọn làm phương tiện di chuyển trong nội đô. |
Dọc các tuyến cửa ngõ như xa lộ Hà Nội (cửa ngõ phía Đông), Trường Chinh (cửa ngõ Tây Bắc), quốc lộ 13 (cửa ngõ Đông Bắc), quốc lộ 1A - An Dương Vương (cửa ngõ phía Tây)... những chuyến xe buýt luôn đầy ắp hành khách. Ông Nguyễn Đức Khôi, nhà ở quận 12 cho biết, từ vài năm nay, ông đã bỏ hẳn xe máy và chuyển sang sử dụng xe buýt để đi vào nội thành hoặc bất kì đâu. “Chỉ cần ra đầu đường là có thể đón xe rồi. Có rất nhiều trạm, tuyến đi và các chuyến thì liên tục, tha hồ chọn nên không sợ phải đợi lâu hay đi bộ xa đón xe. Đi xe buýt có rất nhiều cái lợi. Chẳng hạn như giảm chi phí vì đi suốt tuyến chỉ mất 5.000 đồng, an toàn hơn, không phải hít khói, bụi ảnh hưởng đến sức khỏe và đặc biệt là không phải tốn tiền mua xe máy, tiền sửa chữa, thay nhớt máy và nhất là khỏi sợ... mất xe” - ông Khôi cho biết. Theo nhận xét của ông, xe buýt hiện nay đã có tiến bộ nhiều: xe có điều hòa, êm hơn, đi đúng giờ hơn và an toàn hơn. “Thoải mái nhất là lên xe, ta có thể tranh thủ ngồi nghỉ ngơi hoặc đọc sách, báo... chỉ cần dặn nhân viên phục vụ xe khi đến trạm mình cần đến thì gọi mình là được”.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh, khối lượng xe buýt có trợ giá vận chuyển hành khách năm 2012 đạt khoảng 369 triệu lượt khách, tăng 16% so năm 2011. Theo đó, mức trợ giá năm 2012 cũng tăng lên 1.400 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, số tiền ngân sách trợ giá vé cho hành khách đi xe buýt năm sau luôn cao hơn năm trước: Nếu như năm 2010 là 800 tỷ đồng, thì năm 2011 đã tăng lên 1.269 tỷ đồng. Năm 2013, thành phố giao vốn trợ giá xe buýt khoảng 1.470 tỷ đồng, tuy nhiên Sở GTVT TP Hồ Chí Minh dự kiến số tiền trợ giá năm 2013 có thể đến 1.550 tỷ đồng. Theo Sở GTVT, số tiền trợ giá hàng năm tăng thường do tác động chính từ hai yếu tố là tiền lương và biến động tăng giá nhiêu liệu. Chẳng hạn, chỉ tính riêng phần chênh lệch chi phí tiền lương năm 2013 sẽ làm tăng thêm khoảng 210 tỷ đồng so năm 2012, đó chưa kể những biến động giá nhiên liệu trong thời gian vừa qua. |
Mặc dù lượng hành khách lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại đã không ngừng tăng lên, nhưng hiện nay đối tượng đi xe buýt chủ yếu vẫn là những người lớn tuổi, học sinh sinh viên và công nhân. Trong khi đó, đội ngũ công nhân viên chức hoặc nhân viên văn phòng vẫn chưa ưa chuộng loại hình vận tải này vì “không thuận tiện bằng xe gắn máy”. Theo anh Hoàng Ngọc Trí - nhân viên một công ty tại quận 1, mặc dù nhà anh ở Hóc Môn, mỗi sáng mất khoảng 50 phút để đi từ nhà đến công ty, nhưng anh vẫn không thể bỏ xe máy để đi xe buýt vì “đến công ty đâu phải ngồi một chỗ mà còn phải di chuyển chỗ này chỗ khác, nếu đi xe buýt thì rất bất tiện.
Cần chăm chút hơn
Dù đã có nhiều cải tiến, song xe buýt vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đầu tiên, là có nhiều xe đã có biểu hiện xuống cấp. Những chiếc xe buýt với thân xe gỉ sét, sơn bong tróc thành từng mảng hay bên trong xe thì ghế nệm rách nát, sàn xe bị mục, kính vỡ, máy lạnh ngưng hoạt động hay vừa chạy vừa phun khói đen kịt phía sau... là hậu quả của quá trình dài không được đầu tư sửa chữa, thay mới. Theo những người trong ngành, tình trạng xe buýt ở TP Hồ Chí Minh hư hỏng đã bắt đầu từ cuối năm 2009, nhưng do không có tiền tu sửa nên xe ngày càng xuống cấp nhanh hơn, nhất là xe trên các tuyến như: Bến xe Miền Đông - Miền Tây, Chợ Lớn - Miền Đông, Sài Gòn - Thới An, Sài Gòn - Nhà Bè, Bình Khánh - Cần Giờ… và có vẻ tàn tạ nhất là hàng loạt xe ở quận 8.
Theo ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh, tình trạng xe buýt xuống cấp như hiện nay là do phần lớn doanh nghiệp không có tiền trung tu, đại tu định kỳ. “Để vận hành an toàn và lâu bền, đáng lẽ xe chạy khoảng 3 - 4 năm (tương đương 240.000 km) là phải đại tu một lần, tốn khoảng 380 triệu đến 500 triệu đồng/xe, trong đó không chỉ nâng cấp khung, thùng xe và nội thất mà còn sửa chữa toàn bộ động cơ, thay thế các thiết bị an toàn của xe. Tuy nhiên, đa số xe buýt hiện nay đều hoạt động liên tục cho đến khi hư hỏng mới đưa đi sửa chữa tạm để chạy tiếp”- ông Phong cho biết. Bên cạnh hàng trăm xe buýt đã xuống cấp trầm trọng cần sửa chữa lớn, theo ước tính của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện nay, thành phố có khoảng 1.700 - 1.800 xe buýt cần đầu tư thay mới. Tuy nhiên với tình hình kinh tế khó khăn, nguồn vốn ngân sách có hạn nên khó có thể thay thế hàng loạt được.
Ông Dương Hồng Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh: Ưu tiên xe buýt dùng nhiên liệu sạch Đến năm 2025, xe buýt vẫn giữ vai trò chủ đạo. Vì đến thời điểm đó, dù thành phố đã có các tuyến metro, nhưng do các tuyến metro vẫn còn đơn lẻ trên một số tuyến chính nên xe buýt cần tiếp tục đóng vai trò vận chuyển hành khách ở những tuyến gom, kết nối các tuyến metro. Do vậy, thành phố cũng đã xác định chủ trương tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống xe buýt, trong đó ưu tiên phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, bởi nếu chỉ dừng lại ở 28 xe buýt CNG như hiện nay thì chẳng thấm vào đâu trong mục tiêu phát triển vận tải công cộng của thành phố. Ông Phùng Đăng Hải - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP Hồ Chí Minh: Cần chính sách khuyến khích kinh doanh xe buýt Hàng trăm xe buýt của các xã viên trong khối liên hiệp được đầu tư trong giai đoạn 2002 - 2004 đều đang xuống cấp nghiêm trọng. Những phương tiện này nằm trong chương trình hỗ trợ cho vay lãi suất trong 10 năm của UBND TP Hồ Chí Minh. Xác định loại hình vận tải hành khách công cộng phải đóng vai trò lớn cho việc đi lại của người dân thành thị, UBND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xe buýt. Tuy nhiên, kinh doanh xe buýt hiện nay không có lãi, thậm chí có xã viên phải bỏ nghề vì thua lỗ. Tài xế Huỳnh Thanh Sơn chạy tuyến Chợ Lớn-Tân Vạn: Mong hành khách phối hợp với lái xe Thực tế, nghề tài xế xe buýt là nghề nhọc nhằn, nhiều sức ép từ phía xã hội. Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên, trong khi đó hành khách buộc xe buýt phải chạy đúng giờ… khiến tài xế nhiều khi vô cùng căng thẳng. Vì thế, đôi khi không thể tránh được một số va chạm với hành khách đi xe. Trong khi đó, nhiều người lại không hiểu hết được những “cái khó” này của chúng tôi. Chỉ sơ sẩy một chút, có vấn đề gì thì dư luận bức xúc ngay. Điều giới tài xế cũng như nhân viên mong muốn là phục vụ hành khách một cách tốt nhất, chứ không ai muốn vạ lây vào mình. Để hình ảnh xe buýt ngày càng tốt hơn, không chỉ có sự cố gắng của nhân viên xe buýt mà còn từ hành khách đi xe nữa. Ai cũng cố gắng một chút thì mọi thứ mới tốt lên được. |
Bên cạnh việc xuống cấp, tình trạng thiếu bến bãi dành riêng cho xe buýt hiện cũng là một vấn đề nan giải. Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có trên 3.434 xe chạy 270 tuyến, nhưng mới chỉ có vẻn vẹn 3 bến xe buýt. Chính vì thế, phần lớn các bãi đỗ xe buýt hiện nay đều nằm tạm ven đường hoặc đậu nhờ ở các khu công nghiệp. Trong khi đó từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 101/QĐ-TTg, trong đó quy định rõ về diện tích đất dành cho 30 bến bãi vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 1.146 ha. Tuy nhiên, đến nay các sở, ngành chỉ mới sắp xếp được 28 ha, bởi các quận, huyện đã lấy đất dự kiến làm bãi đậu xe sử dụng vào việc khác. Trong khi đó, từ năm 2002, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị quy hoạch 22 bến bãi dành cho xe buýt, nhưng đất dự kiến làm bãi đậu xe đã sử dụng vào việc khác hoặc có dự án nhưng vẫn “án binh bất động”, chẳng hạn như bến Văn Thánh (quận Bình Thạnh) gần 4.000 m2 đang bị giải tỏa để xây trung tâm thương mại; bến Tân Thuận (quận 7) rộng 5.000 m2 đến nay cũng chưa thể xây dựng và nhiều nơi khác thì đang... nằm trên giấy.
Ngoài ra, việc chấn chỉnh và nâng cao hình ảnh của đội ngũ lái xe, phục vụ xe buýt hiện nay cũng cần được quan tâm hơn. Mặc dù thời gian qua, đội ngũ phục vụ trên xe đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn còn tình trạng nhân viên đối xử bất nhã với hành khách hoặc lái xe hành hung hành khách hay tiếp viên không xé vé; xe không mở máy lạnh để tiết kiệm nhiên liệu, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định, phóng nhanh vượt ẩu… vẫn diễn ra. Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng “văn hóa xe buýt” hiện nay là rất cần thiết, đồng thời điểm yếu cần khắc phục với lái, phụ xe hiện nay chính là kỹ năng giao tiếp và làm hài lòng khách hàng. Tuy nhiên, để xây dựng được “văn hóa xe buýt”, không chỉ có tài xế, phục vụ xe mà rất cần sự chung tay của người dân, của hành khách... để xe buýt trở nên gần gũi, thân thiện và văn minh hơn.
Ưu tiên xe buýt sạch
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch - khí nén thiên nhiên (CNG), đến nay số xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khoảng 28 xe. Theo đó, từ giữa năm 2010, Liên hiệp HTX vận tải TP Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động thử nghiệm 6 xe buýt CNG và mới đây Công ty Saigon Bus cũng đã đưa vào vận hành 22 xe buýt CNG hoạt động trên tuyến Sài Gòn - Bình Tây. Theo công ty Saigon Bus, sau một thời gian đưa vào hoạt động, xe buýt CNG thể hiện sự hiệu quả hơn xe buýt sử dụng dầu diesel. Cụ thể: sử dụng xe buýt CNG tiết kiệm được khoảng 30 - 40% chi phí nhiên liệu so với xe buýt chạy dầu, giảm độ ồn và cũng giảm đáng kể các lượng khí thải độc hại thải ra môi trường như: Khí hydro carbon, nitrogen oxide, carbon monoxide...
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP Hồ Chí Minh, cho rằng tuy chi phí nhiên liệu của xe buýt CNG chỉ bằng khoảng 60-70% chi phí của xe buýt chạy dầu, song thực tế do thành phố chỉ mới có 2 trạm cung cấp khí CNG (tại quận Tân Bình và Bình Thạnh) vì thế việc nạp nhiên liệu còn gặp khó khăn. Mặt khác, hiện thành phố cũng chưa có những chính sách khuyến khích cụ thể và rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư như lãi suất ưu đãi cho vay, các chính sách giảm thuế đầu tư xe mới, chi phí chênh lệch giữa xe buýt CNG và xe buýt chạy dầu...
Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề nghị thành phố cho các nhà đầu tư xe buýt CNG được hưởng tiền chênh lệch khi giảm 30-40% chi phí nhiên liệu - tức vẫn tính trợ giá cho xe buýt CNG bằng mức tiền xe buýt chạy dầu, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư và để họ có một khoản dư dùng tái đầu tư lại phương tiện. Tuy nhiên, đề xuất của Sở vẫn chưa được Sở Tài chính đồng ý. Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, khẳng định: Nếu đơn vị nào đầu tư xe chạy dạng này sẽ bảo đảm ổn định luồng tuyến lâu dài. Ngoài ra, Sở GTVT cũng tiếp tục kiến nghị thành phố hỗ trợ các chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà xe từng bước đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Hơn nữa, trong năm 2012, UBND TP cũng đã giao công ty Samco triển khai nghiên cứu dự án đóng mới 300 xe buýt CNG trong nước để thay thế cho những xe buýt chạy dầu.
Theo các nhà chuyên môn, nếu TP Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển hệ thống xe buýt theo công nghệ mới này, ngoài việc góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sẽ hướng người dân có cái nhìn thân thiện hơn với xe buýt. Và về lâu dài, nếu thành phố chăm chút hơn cho đội ngũ xe buýt, khắc phục những hạn chế tồn tại thì xe buýt sẽ được người dân ưa chuộng hơn khi lựa chọn phương thức đi lại trong nội thành.
M.Thuyết