Môi trường, sức chống chịu của vùng bờ Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Các vùng có khả năng chống chịu môi trường thấp chiếm khoảng 1/5 vùng bờ. Các vùng này chịu sự tác động mạnh từ hoạt động của con người và bão, nước biển dâng, xói lở bờ biển; phân bố ở hầu hết khu vực ven biển thuộc vùng bờ của Quảng Ninh, từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đến Quảng Ngãi, từ Bình Định đến Kiên Giang.
Các đánh giá ban đầu cho thấy, vùng có khả năng chống chịu hệ sinh thái cao chiếm khoảng 1/2 diện tích vùng bờ; vùng có khả năng chống chịu hệ sinh thái thấp chiếm khoảng 1/4 diện tích vùng bờ. Các tỉnh có diện tích chống chịu hệ sinh thái thấp nhiều nhất lần lượt là Tiền Giang (55,1%), Sóc Trăng (42,3%), Bạc Liêu (41,2%), Bà Rịa - Vũng Tàu (40,9%).
Tại vùng bờ, các hệ sinh thái quan trọng có xu thế suy thoái, kéo theo suy giảm nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học; còn tồn tại chất thải chưa được xử lý, xử lý chưa đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường. Thêm vào đó rác thải nhựa trở thành mối bức xúc, ô nhiễm cục bộ xảy ra tại nhiều vùng nước biển ven bờ; sự cố môi trường, đặc biệt là sự cố tràn dầu, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn... Biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khai thác, sử dụng tài nguyên, hệ sinh thái, môi trường vùng bờ.
Thống kê của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho thấy đến năm 2023, cả nước có hiện 2.229 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 2.837 km; trong đó các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có 439 điểm (394 km), các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận 815 điểm (1.200 km), các tỉnh Tây Nguyên 388 điểm (394 km), các tỉnh Đông Nam Bộ 117 điểm (160 km) và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 470 điểm (689 km).
Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 quy định vùng bờ gồm vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm khoảng 6 hải lý và vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn có biển.
Ngày 7/10/2024, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh, đây là bước tiến mới trong công tác quản lý, phát triển và bảo vệ tài nguyên biển trong tương lai.
Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch đa ngành, khó và phức tạp, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam theo cách tiếp cận không gian, tổng hợp. Để khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên vùng bờ trong khả năng chống chịu, phục hồi của hệ sinh thái và chịu tải của môi trường; thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng xanh, tuần hoàn, hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, các vùng đất ven biển và các hải đảo được sắp xếp, phân bổ theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia theo 4 vùng kinh tế - xã hội. Đó là vùng phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; vùng Đông Nam Bộ, gồm có Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh; vùng Tây Nam Bộ từ Tiền Giang đến Kiên Giang.
Để quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 phát huy hiệu quả, là công cụ pháp lý đủ mạnh giải quyết vấn đề phát triển kinh tế vùng ven biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch; định kỳ tổ chức đánh giá, rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn theo quy định; công bố Quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Đồng thời, xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu thực hiện Quy hoạch; cung cấp thông tin về Quy hoạch vùng bờ vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp cần thiết để triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả Quy hoạch; rà soát, đề xuất ban hành các chính sách về quản lý tổng hợp biển, phát triển bền vững kinh tế biển…