Phân làn phương tiện trên các tuyến phố: Phải liên tục, thường xuyên, quyết liệt

Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, trong đó có việc thực hiện thí điểm lần thứ tư phân làn phương tiện trên 5 tuyến phố là Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng, Kim Mã. Sau hơn 6 tháng triển khai, mặc dù kết quả bước đầu chưa được như mong đợi, nhưng có thể nhận thấy các chủ phương tiện đã dần ý thức được việc tuân thủ các quy định phân làn mỗi khi tham gia giao thông trên các tuyến phố này. Thực tế này cho thấy, mỗi giải pháp thực hiện, thành phố cần phải duy trì, kiên quyết, thường xuyên, làm đến nơi đến chốn, mới thu được kết quả.

Nhìn lại...

Cuối tháng 9/2011, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội tiếp tục thí điểm phân làn phương tiện tại các ngã tư của 5 tuyến phố trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ 3 lần phân làn phương tiện thất bại vào các năm 2003, 2006, 2009, lựa chọn những tuyến phố có đủ điều kiện để phân làn, nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông đang trở nên quá trầm trọng hiện nay. Điều đáng nói là việc phân làn lần này, ngành GTVT Hà Nội cho cắm cọc sắt giữa đường để tách làn phương tiện giữa ô tô và xe gắn máy, xe đạp. Thời gian đầu mới triển khai, khi có lực lượng chuyên ngành chốt trực phân làn vào ban ngày, mọi phương tiện đều chấp hành nghiêm chỉnh, giao thông thông thoáng...

Ngã tư Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Phố Huế - Bạch Mai, khó mà phân biệt làn đường dành cho phương tiện nào, khi tất cả các phương tiện đều đan xen vào nhau trên đường. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, đến thời điểm này, mặc dù các phương tiện lưu thông trên các tuyến phố vẫn chấp hành phân làn từ xa, nhưng chỉ cần đi qua các dải phân cách cứng phân làn là các dòng phương tiện lại trộn dòng, giao thông lộn xộn, nhất là vào giờ cao điểm, khi có quá nhiều phương tiện đổ dồn về các tuyến phố, gây ùn tắc cục bộ. Việc vắng bóng lực lượng chuyên ngành chốt trực phân làn từ xa đã khiến nhiều chủ phương tiện lại “vô tư” vi phạm, nhất là làn xe gắn máy, nhiều chủ phương tiện khi đi hết đoạn phân cách cứng là lại lấn sang làn đường dành cho xe ô tô...

Hiện nay, bất cứ ai tham gia giao thông trên những tuyến phố thực hiện phân làn như Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân đều đã hơn một lần bức xúc, nhất là vào giờ cao điểm khi bị tới 5 làn xe ô tô lấn chiếm mặt đường. Đầu đường thì phân làn bằng dải phân cách cứng, phương tiện tuân thủ, nhưng cuối đường gặp đèn xanh, đèn đỏ là ô tô lấn đường xe gắn máy ngay lập tức. Đáng lưu ý, trên các tuyến phố phân làn, theo quy định người đi xe gắn máy phải đi làn trong, muốn rẽ trái phải di chuyển từ từ để rẽ. Nhưng hiện nay, nếu di chuyển như vậy thì lại vi phạm luật, đi sai làn đường. Khổ nhất là những xe gắn máy muốn rẽ trái sau khi dừng đèn đỏ, nhiều chủ phương tiện phải mất đến vài lần tín hiệu đèn mới rẽ được vì phải nhường đường cho ô tô...

Trong khi đó, trao đổi với các chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT) chốt trực làm nhiệm vụ tại các tuyến phố này, nhiều chiến sỹ cho biết: Không thể phân bổ lực lượng CSGT chia nhỏ để hỗ trợ phân làn phương tiện. Do đó, kể từ khi lực lượng Thanh tra giao thông không thực hiện việc cắm chốt phân làn là gần như người tham gia giao thông lại điều khiển phương tiện theo kiểu "mạnh ai nấy đi”. Rõ ràng, khi lực lượng chức năng rút đi, tình trạng phương tiện trộn dòng, vi phạm lại diễn ra, lực lượng CSGT có căng sức cũng không xuể.

Bên cạnh đó, đối với người tham gia giao thông, nếu không được tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông hoặc có bảng biển rõ ràng thông báo ở trước tuyến đường phân làn, xuất hiện nhiều tình huống bất ngờ và trở nên nguy hiểm khi vận hành phương tiện bắt đầu vào tuyến đường phân làn. Thêm nữa, ý thức không tự giác chấp hành đúng quy định pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông cũng góp phần khiến việc phân làn phương tiện gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia giao thông Hà Nội cho rằng, lực lượng chuyên ngành như thanh tra giao thông, CSGT mỏng, không bố trí trực thường xuyên, cộng với mức xử phạt lỗi đi sai làn đường hiện nay nhẹ, nên không có sức răn đe. Đây là một trong những khó khăn cho việc thực hiện phân làn tại thủ đô.

Kiên quyết và trách nhiệm

Theo các chuyên gia giao thông, có hai lý do chính gây khó cho việc phân làn phương tiện hiện nay của Hà Nội là do hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện (thách thức lớn với các nhà hoạch định chính sách giao thông) và ý thức của người dân tham gia giao thông hạn chế (yếu tố có vai trò quyết định đối với kết quả phân làn). Trong đó, việc tạo thói quen, ý thức chấp hành giao thông cho người dân cần phải thực hiện kiên quyết, thường xuyên, nghiêm minh. Nếu không làm đến nơi đến chốn, sẽ khó thu được hiệu quả.

Còn theo ý kiến phản ánh của nhiều người dân tại các tuyến phố phân làn, việc phân làn phương tiện trên các tuyến phố này mặc dù chưa thực sự hiệu quả, nhưng đã tác động tích cực đến ý thức người đi đường, đặc biệt là "hiệu ứng" ủng hộ của toàn xã hội, quan trọng là sự kiên quyết thực hiện của các cơ quan chức năng. Điều đó cho thấy, dư luận rất hoan nghênh, thực sự mong muốn lập lại kỷ cương trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, nếu không có sự điều chỉnh, thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục có thể những nỗ lực, kết quả đạt được sẽ lại như "dã tràng xe cát".

Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức người tham gia giao thông là việc luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng không phải lúc nào cũng thu được kết quả mong muốn. Vì vậy mới cần tới các chế tài pháp luật và lực lượng chức năng xử phạt nghiêm minh. Thẳng thắn nhìn nhận, khi có bóng dáng lực lượng chức năng đứng hướng dẫn, người tham gia giao thông chấp hành tách làn tốt hơn. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng giảm đi, thái độ, ý thức của không ít người tham gia giao thông dường như đang quay lại với thói quen cũ. Đã đến lúc phải nhìn lại cách tiếp cận vấn đề. Tuyên truyền thì phải sâu rộng, giáo dục thì cần nhẹ nhàng, cưỡng chế thì phải quyết liệt. Thành phố đã chỉ đạo tổ chức tách làn trên tất cả các tuyến phố, nhưng nếu chưa có sự rõ ràng giữa tuyên truyền, giáo dục hay cưỡng chế thi hành sẽ rất khó thực hiện thông suốt, thậm chí có thể phát sinh hệ lụy.

Tại cuộc họp bàn giải pháp chống ùn tắc cho thủ đô và tổng hợp ý kiến các sở, ngành về công tác thực hiện phân làn phương tiện mới đây, lãnh đạo thành phố cũng đã tỏ rõ sự chưa hài lòng với các sở, ngành liên quan do chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các cơ quan liên quan sớm xây dựng phương án đồng bộ, đặc biệt là về kỹ thuật để khắc phục hạn chế…; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị để kịp thời chấn chỉnh. Thành phố mới tổ chức tách làn trên 5 tuyến phố, thời gian tới sẽ mở rộng thêm, hướng tới tách làn trên tất cả các tuyến phố, như vậy, các cơ quan chức năng phải vào cuộc tích cực, kiên quyết hơn.

Tuyên truyền, giáo dục, cưỡng chế là cần thiết và cần làm bài bản; đặc biệt cần kiên quyết xử lý vi phạm, nhất là vi phạm ngang nhiên. Nếu chưa đủ lực lượng, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, không nhất thiết phải thực hiện đồng loạt ngay trên nhiều phố, thay vào đó là làm thật tốt trên những tuyến đang triển khai để từng bước nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người dân.

 Tiến Hiếu

'Phá sản' kế hoạch phân làn ở Hà Nội
'Phá sản' kế hoạch phân làn ở Hà Nội

Sau gần 6 tháng Hà Nội thực hiện phân làn đường, người tham gia giao thông vẫn chưa đi đúng làn quy định, kể cả lúc đường đông hay vắng, ban ngày hay ban đêm…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN