Hiện hệ thống thoát nước của khu vực là hệ thống thoát nước chung khi toàn bộ nước mưa và nước thải thoát chung trong một hệ thống cống thoát nước. Tại vị trí các cửa xả của hệ thống thoát nước này được xây dựng các giếng tách dòng và tuyến cống bao, để thu gom nước thải đưa về trạm xử lý nước thải Sơn Trà. Tuy nhiên, hệ thống cống bao, giếng tách hiện nay bị quá tải nên nước thải thường xuyên tràn ra biển vào các giờ cao điểm; đặc biệt khi trời mưa, gần như toàn bộ nước mưa (hòa lẫn nước thải) thoát ra biển qua 6 cửa xả, gây ô nhiễm và mất mỹ quan cho các khu vực bãi tắm.
Ngoài ra, các cửa xả hiện nay đang bị ảnh hưởng của sóng biển, mang theo nước biển và cát chảy ngược vào hệ thống cống bao, giếng tách, gây tắc hệ thống cống bao, đồng thời bơm cả nước biển về trạm xử lý nước thải Sơn Trà.
Trước thực trạng trên, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết Dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà. Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống cống bao để thu gom toàn bộ nước thải đưa về trạm Sơn Trà xử lý và chuyển hướng thoát nước mưa cho toàn bộ khu vực ứng với trận mưa tính toán đưa về Âu Thuyền Thọ Quang, nhằm bảo vệ môi trường biển phía Đông và để đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải của khu vực đến năm 2030.
Dự án nằm trên diện tích được nghiên cứu là 498 ha, thuộc địa giới hành chính của các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ và An Hải Bắc (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.450 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí về tính cấp thiết đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Bùi Văn Tiếng, Đà Nẵng xác định du lịch là mũi nhọn, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc đảm bảo sự trong sạch của môi trường tại các bờ biển là yêu cầu chính đáng. Theo đó, đơn vị tư vấn cần rà soát kỹ lượng nước mưa, nước thải của khu vực này, lấy chu kỳ của hàng chục năm để đo đếm, từ đó cho ra kết quả phù hợp. Ngoài ra, Đà Nẵng đã xác định xây dựng thành thành phố môi trường, do đó cần tính toán dài hơi trong việc lựa chọn công nghệ, tổng mức đầu tư… để dự án được áp dụng trong thời gian dài.
Còn theo Tiến sĩ Lê Hùng (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng), trong hồ sơ thiết kế của dự án nên bổ sung cơ sở dữ liệu đầu vào đầy đủ và xem xét phân tích thêm các phương án thiết kế hệ thống thoát nước mưa và nước thải sao cho tối ưu nhất, nhằm tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả.
Về cơ bản, các đại biểu đề nghị đơn vị tư vấn cũng như chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng thu thập số liệu đầy đủ hơn nữa, từ đó tính toán và đưa ra phương pháp xử lý tối ưu, nhằm hạn chế chi phí đầu tư.