'Ốc đảo' giữa lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh

Theo kế hoạch, đến ngày 31/8 tới là dự án thủy điện Đăk Đrinh trên địa bàn huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) sẽ được ngăn dòng tích nước sản xuất điện. Trước khi ngăn dòng, phương án di dời hơn 250 hộ dân với 800 khẩu ở 3 xã Sơn Lâm, Sơn Liên, Sơn Dung của huyện Sơn Tây ra khỏi lòng hồ đã được triển khai.

Tuy nhiên đến thời điểm này, công tác di dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện này vẫn còn rất chậm, nhiều điểm tái định cư chỉ mới bàn giao mặt bằng xây dựng. Đặc biệt, tại lòng hồ thủy điện này sẽ tồn tại 19 hộ dân không thuộc diện tái định cư, chung sống với "4 không" (không đường, không điện, không nước, con cái không đi học được).

Một góc thủy điện Đăk Đrinh. Ảnh: quangngai.gov.vn


* Dân chờ tái định cư


Năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia quyết định đầu tư xây dựng công trình nhà máy thủy điện Đăk Đrinh tại huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Toàn bộ diện tích của dự án khoảng 2000 ha, trong đó diện tích ngập lòng hồ trên 900 ha thuộc 4 xã Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Tân, huyện Sơn Tây và một phần diện tích của huyện KongPlong (tỉnh Kon Tum) đều nằm trong vùng lòng hồ. Theo thỏa thuận thì phần xây lắp công trình nhà máy thủy điện do Công ty thủy điện Đăk Đrinh thuộc Tập đoàn Dầu khí thực hiện. Phần giải phóng mặt bằng, di dân tái địh cư do UBND huyện Sơn Tây phụ trách.

Để tránh ngập nước trong lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh, 35 hộ dân ở thôn nước Lang, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây đã dời nhà lên vùng cao hơn. Gia đình anh Đinh Văn Tiến cùng bà con trong thôn Nước Lang tranh thủ làm tường rào ở khu dân cư tạm để có điều kiện chăn nuôi, sản xuất. Nhưng điều mà các hộ dân này trông chờ là nhà nước sớm hoàn thành khu tái định cư để ổn định cuộc sống. “Biết tin sắp ngăn dòng tích nước cho thủy điện, bà con mình phải di dời tạm lên vùng cao này. Mong cơ quan chức năng sớm hoàn thành các khu tái định cư để bà con vào ở, chứ ở đây khó khăn lắm, con cái không đi học được ”- anh Tiến cho biết.

Đến thời điểm này, 4 khu tái định cư trên địa bàn huyện Sơn Tây chỉ có khu dân cư Nước Vương là cơ bản hoàn thành nhà ở cho 25 hộ dân, các khu dân cư như Nước Lang xã Sơn Dung, khu tái định cư Anh Nhoi 1, Anh Nhoi 2 xã Sơn Long chỉ mới bàn giao mặt bằng và triển khai cho các hộ dân đăng ký xây dựng.

Nguyên nhân dân đến các khu tái định cư chậm là do giai đoạn đầu một số hộ dân không đồng ý vào tái định cư, quá trình giải phóng và chọn mặt bằng gặp vướng mắc về bồi thường, Ban quản lý dự án tái định cư của huyện thiếu sự đôn đốc, kiểm tra tiến độ các đơn vị thi công.

Trước thực trạng trên, ông Trần Minh Tuấn, Phó ban quản lý Di dân và Đầu tư xây dựng huyện Sơn Tây cho biết "Thời gian đến chúng tôi sẽ tập trung đôn đốc các đơn vị thi công, phối hợp với các hộ dân, chính quyền địa phương để tháo gỡ những khó khăn, với mục tiêu đến tháng 10/2013 các điểm tái định cư sẽ hoàn thành".

Còn ông Lê Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết "Nếu không kịp tiến độ di dân, chúng tôi sẽ triển khai phương án huy động lực lượng dân quân xuống hỗ trợ làm nhà tạm cho dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và ổn định cuộc sống cho bà con".

* "Ốc đảo" giữa lòng hồ thủy điện

Tuy nhiên, ngoài các hộ dân đã di chuyển đến khu tái định cư cũng như nơi ở tạm thì đến thời điểm này vẫn còn 19 hộ dân không thuộc diện tái định cư của 2 xã Sơn Dung và Sơn Long đang sống giữa lòng hồ. Nguyên nhân là những hộ dân này không thuộc diện tái định cư vì khi quy hoạch vùng lòng hồ, chủ đầu tư chỉ tính đến vùng ngập nước của hồ thủy điện để di dời tái định cư, còn những hộ ở trên vùng ngập nước nhưng ở giữa lòng hồ đã không được tính đến. Chính vì vậy, 19 hộ gia đình đã “bị bỏ quên” không được đưa vào diện di dời đến khu tái định. Điều này đã khiến cho người dân lo lắng.

Anh Đinh Văn Điếc, thôn Nước Lang, xã Sơn Dung tâm sự "Thấy những hộ khác được tái định cư hết, nhưng 7 hộ của xóm tôi và một số hộ xã bên cạnh không có danh sách nên vẫn phải sống ở đây như sống trên ốc đảo giữa lòng hồ thủy điện. Chúng tôi cũng muốn được tái định cư, vì ở đây cuộc sống rất khó khăn, không có đường đi, không điện, không nước, con cái không đi học được".

Chia sẻ với những khó khăn của người dân, ông Lê Tâm Anh, cán bộ địa chính xã Sơn Dung cho biết: Khi lòng hồ tích nước dù ở cao hơn mặt nước nhưng những hộ dân này sẽ phải sống chơi vơi giữa lòng hồ như ốc đảo. Việc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. Mong rằng chính quyền sớm tạo điều kiện để bà con được chuyển đến nơi ở mới, có cuộc sống tốt hơn.

Theo UBND huyện Sơn Tây, sở dĩ còn nhiều hộ dân nằm trong lòng hồ không được di dời là do Ban quản lý dự án thủy điện Đăk Đrinh trong quá trình khảo sát lập dự án di dân chỉ tính đến việc di dời những hộ nằm dưới cao trình ngập nước của khu vực lòng hồ. Còn các xóm dân cư nằm trên diện ngập nước nhưng lại thuộc khu vực giữa lòng hồ hoặc những hộ ven lòng hồ đã không được tính đến. Tổng số hộ theo diện trên là 19 hộ với gần 100 khẩu.

Ông Lê Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho rằng: Trước đây khi khảo sát và đánh giá tác động của môi trường, của điều kiện xã hội chỉ tính đến những hộ dân thuộc diện bị ngập khi hồ tích nước. Đến giờ mới thấy được có những hộ không bị ngập nhưng vẫn chịu ảnh hưởng vì khi nước ngập lên thì họ không còn đường để đi lại. Để di dời được 19 hộ dân này ra khỏi lòng hồ thì cần một dự án tái định cư khác với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Điều này nằm ngoài khả năng của huyện.

Thời điểm ngăn dòng thủy điện đã cận kề, nhưng việc xây dựng khu tái định cư ở thủy điện Đăk Đrinh vẫn còn chậm. UBND huyện Sơn Tây cần phối hợp chặt chẽ với công ty thủy điện Đăk Đrinh tìm ra phương án khả thi để sớm ổn định cuộc sống cho những hộ dân tái định cư cũng như phương án di dời 19 hộ dân “bị bỏ quên” giữa lòng hồ thủy điện ra khỏi khu vực lòng hồ, tạo điều kiện để những hộ dân này có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.


Đinh Thị Hương
Dân vùng thủy điện Đăk Đrinh dời làng tránh lũ
Dân vùng thủy điện Đăk Đrinh dời làng tránh lũ

217 hộ dân với gần 1.000 người ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là vùng ngập thuỷ điện Đăk Đrinh đã bắt đầu được di dời về vùng tái định cư mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN