Cách trung tâm xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chưa đầy 8 km, nhưng xóm dân cư của Đội Lâm trường thuộc Công ty Lâm nghiệp Tam Đảo vẫn sống trong cảnh “nhiều không” đó là: Không trường học, không điện, không nước sinh hoạt, không đường, không trạm y tế.
Những năm 60, theo nhiệm vụ Đội Lâm trường của Công ty Lâm nghiệp Tam Đảo được giao khai thác gỗ phục vụ làm đường tàu hoả. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, đầy đủ hơn, Đội Lâm trường đã tình nguyện ở lại vùng núi hẻo lánh để sinh cơ lập nghiệp.
Sau 50 năm, Đội Lâm nghiệp đã phát triển với trên 50 hộ, khoảng 300 nhân khẩu, sinh sống dưới chân núi Tam Đảo-khu du lịch nghỉ mát thơ mộng lý tưởng của miền Bắc. Cũng hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến giờ nhiều hộ dân của Đội Lâm trường vẫn sống trong cảnh âm u, leo lét dưới ánh sáng yếu ớt của máy phát điện bằng nước. Về mùa khô, nước cạn, máy phát điện không thể hoạt động, người dân lại quay lại với chiếc đèn dầu. Không có điện, nhiều hộ dân không được sử dụng các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu như quạt điện, đài, ti vi... và gần như họ biệt lập với thế giới bên ngoài. Ông Trần Xuân Trường cho biết: Không có điện, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn, nắng nóng đã đành, sản xuất không thể phát triển được. Để duy trì cuộc sống, ông phải đầu tư chăn nuôi lợn, trâu bò và gần 300 con gà. Hàng ngày ông phải gánh nước từ dưới suối đề cọ rửa chuồng trại và phục vụ sinh hoạt của cả gia đình.
Từ nhiều năm nay, việc kiểm tra thăm khám sức khỏe với người dân nơi đây là điều xa xỉ. Cuộc sống nghèo túng cứ thế dần trôi, mỗi lần đau ốm thì theo những “đơn thuốc” tự chế của người trong xóm. Nếu có người ốm nặng thì đưa về trạm y tế xã cách xóm chục cây số. Một trong những điều kiện tối thiểu nhất là nước sinh hoạt cũng không có, hiện người dân trong xóm phải thường dùng nước mưa, nước suối để ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Nhiều khi nước suối bị bẩn, có màu vàng, nổi váng người dân vẫn phải sử dụng.
Con đường chính dẫn vào xóm của Đội Lâm nghiệp ngoằn ngoèo, đầy sỏi đá. Nó là con đường mòn do người dân đi lại nhiều mà thành. Đường đi lại hết sức khó khăn do chưa một lần được đầu tư xây dựng, vào mùa mưa thụt lầy, thường xuyên bị ngăn cách. Không đường nên việc trao đổi, mua bán, giao lưu hàng hoá ở đây cũng ít. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, tự cung tự cấp là chính, đời sống hết sức khó khăn. Nhiều thanh niên không bám trụ được quê hương đã rời đi làm thuê vùng khác để kiếm sống.
Một điểm dễ nhận thấy nhất là cả xóm gần như không tiếng trẻ, do họ phải gửi con cách xa nhà để được học chữ. Trong xóm có khoảng 20 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo nhưng nhiều trẻ không có điều kiện đến trường do ở đây chưa có lớp mẫu giáo, phải gửi xa. Các em học tiểu học phải đi cả chục cây số mới đến được trường, nhiều em thuê nhà trọ để theo học do đi lại khó khăn.
Ông Lưu Xuân Thuỷ, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết đã nhiều lần xã kiến nghị lên huyện, tỉnh để giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân nơi đây nhưng cho đến bây giờ những kiến nghị đó vẫn là....chờ xem xét.
Lâm Đào An