Bộ Tài Nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 với cảnh báo là cùng với sự phát triển kinh tế, nước ta đang chịu nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu và nạn ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, các lưu vực sông trên cả nước và nhiều vấn đề môi trường bức xúc khác. Các vấn đề ô nhiễm nêu trên đã trở thành những chủ đề nóng và luôn là mối quan tâm của toàn xã hội.
Báo động về ô nhiễm môi trường
Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, trong 5 năm qua hàng loạt vấn đề bức xúc liên quan đến ô nhiễm môi trường đã được đề cập. Ảnh hưởng của ô nhiễm này rất lớn và liên quan trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng.
Số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường cho biết, môi trường nước mặt ở hầu hết các đô thị và ở nhiều lưu vực sông của nước ta đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ và tình trạng này không ngừng gia tăng. Tại hầu hết các sông, hồ, kênh, rạch trong nội thành, nội thị, hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ đều vượt giới hạn tối đa cho phép từ 2 đến 6 lần. Điển hình là ô nhiễm tại 3 lưu vực sông gồm sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy và sông Đồng Nai đã tới mức báo động. Nghiêm trọng nhất là lưu vực sông Đồng Nai, nguồn nước thuộc đoạn sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm nặng, chất lượng nước mặt dùng cho sinh hoạt không đảm bảo. Tác nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm này chính là do có trên 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm phân tán, xen kẽ trong khu dân cư trên lưu vực sông Đồng Nai. Bình quân mỗi ngày, lưu vực sông phải tiếp nhận khoảng 48.000m3 nước thải từ các cơ sở sản xuất này.
Cả một khúc sông Thị Vải thuộc lưu vực sông Đồng Nai bị ô nhiễm, nổi bọt trắng xóa. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN |
Cùng với vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường ở các đô thị đang ngày càng gia tăng mức độ ô nhiễm như bụi tràn lan, úng ngập ngày càng trầm trọng, chất thải rắn chưa được thu gom và xử lý triệt để. Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, hiện nay toàn quốc hầu như chưa có đô thị nào được công nhận là đô thị xanh, sạch. Đặc biệt là ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ô nhiễm bụi trong môi trường không khí được liệt vào loại nhất nhì trên thế giới. Một nghiên cứu về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cảnh sát giao thông làm việc tại một số nút giao lộ ở TP.HCM cho thấy, nhiều người mắc đồng thời nhiều bệnh, thậm chí hơn 3 bệnh. Nổi bật trong cơ cấu bệnh của cảnh sát giao thông là bệnh về tai mũi họng.
Vấn nạn ô nhiễm môi trường các cụm, khu công nghiệp cũng được kể đến với những cảnh báo đáng lo ngại. Thống kê cho biết, không kể trên 1.000 khu/cụm công nghiệp do UBND các tỉnh, thành phố quyết định thành lập, tính đến hết năm 2009, toàn quốc đã có tới 249 khu công nghiệp được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chỉ có khoảng 50% các khu công nghiệp đang hoạt động là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện nay có khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các khu công nghiệp xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận không qua xử lý. Những khu vực chịu tác động nhiều nhất là các lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và Đồng Nai. Tình trạng ô nhiễm môi trường của nhiều làng nghề diễn biến ngày càng trầm trọng hơn do chế biến lương thực, chăn nuôi, giết mổ gia súc cộng với nước thải ở các làng nghề tái chế, chế tác kim loại, dệt nhuộm còn chứa nhiều hóa chất độc hại, axít và kim loại nặng…
Nguyên nhân chính
Ông Lê Văn Kiều, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm do các sản phẩm thải bỏ nói riêng đang là vấn đề được các nhà quản lý quan tâm và tìm cách xử lý. Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trong năm 2010 có khoảng 40.000 tấn ắc quy chì được thải bỏ trong nước và dự báo đến năm 2015, con số này sẽ là gần 70.000 tấn. Các nước trong khu vực đều đã triển khai quy định về trách nhiệm doanh nghiệp trong thu hồi sản phẩm thải bỏ. Việt Nam cũng cần bắt kịp với xu hướng này, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, việc quản lý không chỉ với doanh nghiệp sản xuất trong nước, mà còn liên quan đến các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam. Trong cấu thành giá sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm của các tập đoàn lớn đã có tính đến 10% chi phí cho thực hiện trách nhiệm môi trường. Vì vậy, triển khai quy định về sản phẩm thải bỏ là rất cần thiết, nên áp dụng và có sửa đổi dần dựa theo nhu cầu thực tế.
TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường
Cả nước có hơn 3.500 làng có nghề sản xuất, trong đó có hơn 1.200 làng nghề đã được công nhận. Thực tiễn cho thấy, các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn, một mặt đã mang lại những giá trị to lớn về kinh tế và xã hội, nhưng mặt khác đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, người dân địa phương hiện đang phải sống ngập chìm trong bụi từ các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, trong mùi hôi nồng nặc do phân hủy chất hữu cơ từ chất thải, hay ù tai vì hàng trăm máy dệt đồng loạt hoạt động cả đêm lẫn ngày… Các tác nhân ô nhiễm không những đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, đến dân cư sống tại các làng nghề, đặc biệt là nhóm đối tượng nhạy cảm là trẻ em và người già; mà còn lan truyền tới các khu vực lân cận. Do vậy, Nhà nước cần đề ra các chính sách quản lý phù hợp và tìm ra các giải pháp kiểm soát đồng bộ, kịp thời cũng như ngăn chặn, xử lý kịp thời, khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. |
Theo các chuyên gia về môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên có nhiều nguyên nhân, song tập trung vào một số các nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Trước tiên là những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.
Tiếp theo là quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh, dẫn đến hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với những hành vi xâm hại môi trường.
Cùng với nó là việc các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính hình thức, hiện tượng “phạt để tồn tại” còn phổ biến. Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập và chưa được coi trọng đúng mức, thậm chí chỉ được tiến hành một cách hình thức, qua loa đại khái cho đủ thủ tục, dẫn đến chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao.
Giải pháp mang tính lâu dài
Đề cập tới vấn đề giải pháp tạo cho môi trường Việt Nam trong sạch ổn định và bền vững, PGS. TS Trương Mạnh Tiến, nguyên Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi nhân lực chính là cái cốt lõi trong việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, hệ thống quan trắc của Việt Nam quá kém và cần phải được hiện đại hóa trong tương lai. Bởi khi hệ thống quan trắc được hoàn thiện, sẽ có những số liệu trung thực nhất, nâng cao chất lượng nhân lực, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường, tăng cường sự tham gia của cộng đồng...
Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Nhà nước cần bổ sung một số quy định cụ thể như: Ban hành, sửa đổi, bố sung các luật liên quan về môi trường, trước mắt là Luật Bảo vệ môi trường; tăng mức chi sự nghiệp môi trường lên trên mức 2% tổng chi ngân sách hàng năm nhằm đáp ứng các yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới; tăng cường giám sát việc thi hành các luật liên quan trong công tác bảo vệ môi trường; ưu tiên giám sát các dự án lớn của quốc gia…; tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc nhằm ngăn chặn việc gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh môi trường, coi đây là nhiệm vụ bảo vệ môi trường trọng tâm trong 5 năm tới; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là ở các cấp xã, phường, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; các bộ, ngành địa phương cần tập trung nhân lực, vật lực và tài lực để xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương.
Thành Hiển - Văn Hào