Đó là 2 thôn Đông Phú và Ba Hương (thuộc xã miền núi Trà Đông, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) còn lắm nghèo khó. Quanh năm suốt tháng, gần 500 người dân hầu như bị cô lập với cuộc sống bên ngoài. Phụ nữ đi đẻ, trẻ đi học và người già đi viện phải lội, phải bơi qua sông. Cuộc sống của họ càng trở nên mong manh hơn khi mỗi năm mùa lũ lại về. Họ chỉ có thể mơ chứ không dám nghĩ đên một ngày thôn sẽ có cầu vượt sông Trạm.
Giữa cái nắng chói chang của miền Trung, chúng tôi có dịp trở về vùng đất xã Trà Đông (huyện Bắc Trà My), tận mắt chứng kiến cảnh người dân ở 2 thôn Đông Phú và Ba Hương... bơi qua sông để đi làm, đi học, đi viện.
Mặc áo phao cho trẻ bơi qua sông. |
Theo lời ông Nguyễn Tiễn, trưởng thôn Đông Phú thì cả hai thôn hiện nay có 96 hộ dân với gần 500 nhân khẩu, trong đó thôn Ba Hương là 58 hộ, thôn Đông Phú là 38 hộ. Bốn mùa, họ đều phải lội sông nếu muốn tiếp xúc với “thế giới” bên ngoài. Mùa nắng, lúc không mưa, không bão, chỗ cạn nhất nước cũng lên đến đầu gối người lớn. Mùa mưa, khi nước sông dâng cao thì ngôi nhà gần nhất cách bờ sông ngót 500 mét cũng ngập đến cao hơn cửa sổ. Cuộc sống thường nhật vì thế rất khó khăn. Hiện cả hai thôn chưa có trạm y tế nên nếu có ai đau nặng thì hoặc là nằm chờ chết, hoặc là tìm cách liều mình đưa người bệnh qua sông. Chuyện đẻ con cũng phải suy tính làm sao sinh ra đúng vào mùa nước cạn. Cũng vì thế mà ở đây, rất ít gia đình sinh con thứ 2, thứ 3. Còn Tết thì khỏi phải nói, muốn đi chơi phải chuẩn bị hai bộ quần áo, một bộ để mặc bơi qua sông, một bộ để thay đi chơi khi qua bờ bên kia. Thành ra cái Tết ở đây, bà con chỉ quây quần bên nhau... vì có muốn về quê nội quê ngoại thắp mấy nén hương cho ông bà cũng khó.
Cha mẹ cõng con qua sông đi học. |
Người lớn đã vậy, trẻ em còn khổ hơn. Ở 2 thôn này, chỉ có một trường mẫu giáo và một phân hiệu của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn dạy từ lớp 1 đến lớp 3 mà thôi. Nghĩa là, trẻ lên lớp 4 phải lội, bơi hoặc ba mẹ phải cõng qua sông để đi học. Thường thì ba mẹ các em phải bỏ công ăn việc làm để thay phiên nhau cõng con qua sông rồi chờ cõng con trở về nhà. Hôm chúng tôi đến vào đúng lúc các cháu chuẩn bị đi học. Người lớn và trẻ em tập trung hết tại một quãng sông. Áo phao sẵn sàng cho những em bơi qua được. Còn lại là được cõng. Qua xong 2 nhánh sông, các em lại phải kiếm chỗ thay quần áo để vào trường.
Chưa hết, mỗi mùa lũ lên, con sông Trạm lại trở nên hung dữ hơn. Trung bình mỗi mùa lũ qua đi, hai thôn ít nhất có một người bị lũ nhấn chìm. Ông Lê Thanh Quyền (50 tuổi, một người dân địa phương) cho biết, con sông đã cướp đi nhiều sinh mạng của người dân nơi đây, nhất là trẻ em. Ông hồi tưởng, cách đây 5 năm, một người đàn bà tên Lẻ lùa bò qua sông đã bị nước cuốn trôi. Rồi 3 năm trước, một em học sinh mẫu giáo cũng bất hạnh tử nạn khi người nhà không để ý. Gần hơn, một thanh niên tên Hùng đi ăn đám cưới ở bên kia sông về, lội qua sông, bị dòng nước cuốn mất xác cách đây 2 năm. Và rất nhiều trường hợp khác nữa... Càng kể, giọng ông Quyền như trầm xuống vì không khỏi xót xa khi nhắc lại chuyện này.
Niềm vui khi bơi được qua sông. |
Ông Lê Quang Dự, trưởng thôn Ba Hương cho biết thêm, đã rất nhiều lần người dân hai thôn đã kiến nghị xin xây một cây cầu treo giúp người dân đi lại. Nhiều năm qua đi, mặc dù chính quyền từ cấp xã đến huyện đã hứa là sẽ xây nhưng chờ mãi vẫn không thấy.
Về vấn đề này, ông Đỗ Tấn Phước, cán bộ phòng thống kê của xã Trà Đông lý giải: Chính quyền xã cũng đã nắm bắt được tình hình khó khăn của bà con. Việc xây cầu treo cho dân, lãnh đạo xã cũng rất lo, đã có kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa được cấp kinh phí xây dựng. Nhìn bà con mình khổ, lãnh đạo xã cũng đau lòng. Nhưng với khả năng của xã thì quả thực lực bất tòng tâm.
Lúc tiễn chúng tôi ra về, hai trưởng thôn và bà con hai thôn Đông Phú và Ba Hương đều khắc khoải cầu mong một cây cầu trong mỗi lời nói. Nỗi niềm ấy càng nhân lên khi hai nhánh sông Trạm đang càng ngày lở rộng ra, ăn sâu vào thôn, dòng chảy càng mạnh và xiết hơn. Cuộc sống và tính mạng của người dân nơi đây sẽ ra sao nếu như xã núi không có cầu?
Dương Văn Út