Từng dòng người thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Những “địa chỉ đỏ” tri ân quá khứ, bồi đắp lý tưởng sống
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (phường Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) là nơi yên nghỉ của trên 10.800 Anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh anh dũng trên mặt trận Đường 9 và đất bạn Lào trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Mỗi dịp tháng 7, hàng vạn cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và du khách lại tìm đến đây, dâng hương, dâng hoa trong sự xúc động nghẹn ngào. Những nén hương thơm, bó hoa tươi, ánh mắt hoe đỏ và giọt nước mắt lặng lẽ như lời tri ân sâu sắc gửi tới những người con đã nằm lại nơi đất mẹ.
Khập khiễng bước đi cùng cây nạng giữa những hàng mộ thẳng tắp, cựu chiến binh Nguyễn Hà (76 tuổi, thành phố Hải Phòng) lặng lẽ lau nước mắt khi nhớ về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1968, ông cùng đồng đội thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 vào Quảng Trị tham gia Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Ba năm chiến đấu tại đây (1968-1971), ông chứng kiến nhiều đồng đội anh dũng hy sinh.
Trở lại chiến trường xưa, ông nghẹn ngào: “Tôi còn sống trở về, nhưng nhiều đồng đội thì mãi mãi nằm lại ở đây. Có người đến giờ vẫn chưa xác định được tên tuổi. Vào thắp hương cho anh em, nước mắt cứ tự dưng chảy ra. Chỉ mong thế hệ sau luôn nhớ đến sự hy sinh của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào cho nền độc lập hôm nay và cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước”.
Cựu chiến binh Nguyễn Hà (76 tuổi, thành phố Hải Phòng) thắp hương cho đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Mỗi dịp tháng 7, gia đình chị Nguyễn Thị Liên, ở thành phố Hà Nội lại vào Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 để viếng và thắp nén hương thơm tưởng nhớ ông ngoại - liệt sĩ Phùng Minh Chung và các đồng đội. Liệt sĩ Phùng Minh Chung từng tham gia chiến đấu và anh dũng hy sinh trên chiến trường Quảng Trị vào năm 1972. Sau thời gian dài yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, khoảng 10 năm trước, liệt sĩ Phùng Minh Chung được gia đình đón về an táng tại quê nhà. Dù vậy, năm nào gia đình chị cũng dành thời gian vào đây dâng hương, tưởng niệm.
“Mỗi lần đến đây, tôi và các thành viên trong gia đình đều không khỏi xúc động, cảm thấy biết ơn ông, biết ơn tất cả những người đồng đội đã hy sinh để cho chúng ta có cuộc sống như ngày hôm nay. Ở nghĩa trang hiện còn nhiều phần mộ chưa xác định được danh tính, nhiều gia đình chưa tìm thấy phần mộ của người thân đã hy sinh. Hy vọng rằng, một ngày không xa, các liệt sĩ sẽ được tìm thấy và đưa về an nghỉ tại quê cha đất tổ”, chị Liên chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Liên (Hà Nội) viếng và thắp hương tưởng nhớ ông ngoại là liệt sĩ Phùng Minh Chung tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Trong hơn 10.800 Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, có hơn 6.000 phần mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Ban quản lý nghĩa trang thường xuyên xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương, thân nhân để hỗ trợ tìm kiếm, xác định thông tin, đảm bảo tốt công tác chăm sóc, vệ sinh, hương khói phần mộ các Anh hùng liệt sĩ.
Ông Nguyễn Thế Lâm, cán bộ Ban quản lý cho biết, mỗi nhân viên phụ trách chăm sóc khoảng 1.000 ngôi mộ. Dịp 27/7 năm nay, toàn bộ cán bộ, nhân viên đều được huy động, làm việc từ 5 giờ sáng đến đêm muộn để đón tiếp các đoàn viếng. “Đây không chỉ là công việc mà là nhiệm vụ thiêng liêng,” ông nói.
Những ngày này, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - nơi yên nghỉ của hơn 10.200 anh hùng liệt sĩ trên tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh đón từng dòng người đến thắp nén tâm nhang. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, nơi đây vẫn không lúc nào vắng bóng người thăm viếng. Dưới tán rừng xanh thẳm, những hàng bia mộ trắng cứ lặng lẽ kể câu chuyện hào hùng về một thời hoa lửa, ý chí kiên cường và tinh đoàn kết dân tộc. Mỗi tấm bia là một cuộc đời, một linh hồn bất tử đã hòa mình vào đất mẹ để đổi lấy hòa bình cho đất nước.
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 288 công trình ghi công liệt sĩ; trong đó, có 157 nghĩa trang liệt sĩ, với hơn 74.000 mộ liệt sĩ; đặc biệt có 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia. Hàng năm, chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm, chăm sóc, tôn tạo các nghĩa trang, đảm bảo cảnh quan khang trang, sạch đẹp. Những ngôi mộ được quét dọn, sơn sửa bia đá, trang trí hoa và hương khói, như một cách để sưởi ấm linh hồn cho những người lính năm xưa.
Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có hàng trăm di tích lịch sử cách mạng như: Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; Đường 9-Khe Sanh; Nhà tù Lao Bảo, Sân bay Tà Cơn; Căn cứ Dốc Miếu… Những địa danh ghi đậm dấu ấn trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc năm xưa giờ đã trở thành những “địa chỉ đỏ” trong hành trình tri ân. Đây cũng là nơi các thế hệ trẻ tìm về để tri ân quá khứ, bồi đắp lý tưởng sống.
Nối dài hành trình nghĩa tình sâu nặng
Người dân thắp hương tại nghĩa trang tri ân các Anh hùng liệt sĩ.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị luôn phát huy truyền thống và đạo lý thiêng liêng của dân tộc: “Ơn Liệt sĩ ngàn năm ghi tạc/Nghĩa anh hùng muôn thuở lưu danh”. Không chỉ chú trọng chăm sóc, chỉnh trang và vệ sinh các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm và nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, Quảng Trị luôn nỗ lực hỗ trợ, đón tiếp chu đáo thân nhân liệt sĩ và Nhân dân cả nước về thăm viếng, tri ân các Anh hùng liệt sĩ.
Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Quản lý nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Vũ Quang cho biết: Đơn vị đã huy động lực lượng, tổ chức tốt mọi công tác để đón tiếp, hỗ trợ tốt nhất cho các đoàn thân nhân liệt sĩ và nhân dân trong cả nước. Không chỉ đảm bảo nơi ăn nghỉ chu đáo, đơn vị còn hướng dẫn các thủ tục liên quan đến đính chính thông tin bia mộ, tìm kiếm mộ, chế độ thăm viếng, di dời hài cốt liệt sĩ và tổ chức lễ viếng tại các nghĩa trang... Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp đón, phục vụ và bố trí nơi ăn ở miễn phí cho 828 đoàn với 3.353 lượt thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng, tìm kiếm và di dời hài cốt. Riêng trong tháng 7, có 295 đoàn với 1.189 người.
Quảng Trị hiện có 270.000 người có công với cách mạng, trong đó có 32.204 liệt sĩ, 24.905 thương binh, 4.197 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện còn 21 mẹ còn sống), 1.654 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa... Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, thể hiện qua nhiều hoạt động tri ân thiết thực như chăm lo và thực hiện tốt các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần đối với người có công với cách mạng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; tổ chức nhiều lễ hội, hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Người dân thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), tỉnh tập trung dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho người có công với cách mạng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa hàng chục ngôi nhà tình nghĩa. Tỉnh cũng tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt người có công và thân nhân; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay đóng góp Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”; đẩy nhanh công tác giám định ADN, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ…
Những ngày này, tuổi trẻ Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân hướng về cội nguồn, trong đó có tổ chức Ngày Chủ nhật xanh” với hơn 10.000 đoàn viên thanh niên tham gia vệ sinh, chỉnh trang 157 nghĩa trang liệt sĩ, 66 nhà bia ghi danh, 5 đài tưởng niệm liệt sĩ; thăm hỏi và trao tặng hơn 6.000 suất quà, trị giá khoảng 4 tỷ đồng cho mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, có công với cách mạng, thương bệnh binh...
Những hoạt động tri ân thiết thực trên vùng “đất thiêng” Quảng Trị không chỉ thể hiện trọn vẹn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, mà còn nối dài hành trình tri ân của thế hệ hôm nay và mai sau đến những Anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống cho Tổ quốc trường tồn.