Nổi bật tuần qua: Tri ân người có công với Cách mạng; chuẩn bị an toàn cho hoạt động diễu binh diễu hành 

Tuần từ ngày 21 - 27/7, cả nước đã diễn ra nhiều sự kiện nổi bật như: Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ; Khắc phục hậu quả bão số 3 (Wipha) gây ra; Chuẩn bị an toàn hoạt động diễu binh, diễu hành phục vụ A80; Việt Nam lần đầu vào Top 10 toàn cầu về nhận thức và sẵn sàng ứng dụng AI; Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại tỉnh Hà Tĩnh; Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến đường dây ma túy.

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), ngày 27/7 tại tỉnh Điện Biên, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm thắp hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cùng tham dự Lễ dâng hương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Điện Biên.

Trong không khí trang nghiêm, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất; tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, quân và dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Để làm nên chiến thắng đó, hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình cho độc lập, tự do của đất nước, cho Chiến dịch đến ngày toàn thắng.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ nằm trên Di tích đồi F (tỉnh Điện Biên) thuộc quần thể Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Đền thờ là nơi giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam đối với các thế hệ hôm nay và mai sau và là điểm đến tâm linh đầy ý nghĩa cho nhân dân và du khách tham quan Điện Biên. 

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà gia đình ông Phạm Văn Ngân (sinh năm 1934), đang sinh sống tại phường Điện Biên Phủ, từng là Tiểu đội phó, chiến đấu Đồi A1, Điện Biên Phủ, là thương binh 41%.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm đến thăm và tặng quà gia đình thương binh Phạm Văn Ngân tại phường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, tình hình đời sống và bày tỏ sự trân trọng, lòng biết ơn đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các chiến sĩ Điện Biên, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử...

Tri ân người có công với Cách mạng, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng

Chú thích ảnh
Cộng đồng người Việt tại Lào tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: TTXVN

Trong tuần qua, cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động tri ân người có công với cách mạng nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ). Tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu, đón 250 Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, nhân chứng lịch sử đại diện cho các thế hệ người có công với Cách mạng qua các thời kỳ…

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bất diệt về ý chí kiên cường, bất khuất, về tinh thần yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ. Để đất nước có được hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày nay có sự đóng góp to lớn của trên 9,2 triệu người có công với Cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600.000 thương bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động Cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học... 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. 

Chú thích ảnh
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại buổi gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta tri ân gần 1,2 triệu liệt sĩ, những người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình. Nhiều người tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, đã gác lại bao ước mơ, hoài bão, những trang sách, giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương để lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. ‘Uống nước nhớ nguồn’, ‘Ăn quả nhớ người trồng cây’ là đạo lý, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam”. 

Tổng Bí thư yêu cầu các địa phương, các cấp, ngành tiếp tục rà soát, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng và thân nhân; hoàn thành các thủ tục hành chính công nhận người có công và chi trả trợ cấp ưu đãi đảm bảo thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tập trung đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám định gen ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin…

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị

Chú thích ảnh
hủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong chương trình công tác tại Quảng Trị, kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ tại phường Đồng Hới và dâng hương tại Di tích lịch sử Bến phà Long Đại, tỉnh Quảng Trị.

Tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ tại phường Đồng Hới, trong không khí trang nghiêm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quảng Trị là tỉnh có số lượng thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và người có công lớn với khoảng 270 nghìn đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; trong đó có hơn 32 nghìn liệt sĩ, gần 25 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh và bệnh binh; 4.197 Mẹ Việt Nam Anh hùng… Toàn tỉnh hiện có 288 công trình ghi công liệt sĩ với 157 nghĩa trang liệt sĩ, hơn 74 nghìn mộ liệt sĩ.

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người có công với cách nạng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị phát huy truyền thống cách mạng hào hùng thời kỳ kháng chiến, đẩy mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

*Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương Di tích lịch sử Bến phà Long Đại ở xã Trường Ninh, tỉnh Quảng Trị, tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phà và cầu phao Long Đại là cầu nối giao thông huyết mạch trên tuyến đường Trường Sơn. Đế quốc Mỹ đã tập trung dội xuống hàng nghìn tấn bom đạn, biến nơi đây thành "tọa độ lửa", "túi đựng bom" của không quân và pháo hạm Mỹ.

Dưới mưa bom bão đạn, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, du kích và nhân dân địa phương trong binh chủng hợp thành đã kiên cường bám trụ, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, với các khẩu hiệu "máu có thể đổ nhưng phà không thể tắc", "Sống bám cầu bám đường - chết kiên cường dũng cảm"...

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các cựu thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đến dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Bến phà Long Đại. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các anh chị đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, đã "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", đã ngã xuống để cho những chuyến phà thông, những đoàn xe nối đuôi nhau vào chiến trường, kịp thời phục vụ cho sự nghiệp đầu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Đại đội 16 Công binh, thuộc Binh trạm 16 Đoàn 500 - đơn vị được giao trực tiếp chiến đấu, đảm bảo bến phà hoạt động thông suốt, phục vụ yêu cầu chi viện chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước.

*Ngay sau khi dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử Bến phà Long Đại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương, thả hoa và kiểm tra việc nâng cấp, tôn tạo Di tích lịch sử bến phà II Long Đại - nơi hy sinh của 16 thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình (cũ) thuộc C130 Thanh niên xung phong, trong đó có 15 người hy sinh trong trận bom của Mỹ vào ngày 19/9/1972.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính thả hoa xuống dòng sông Long Đại, nơi 16 thanh niên xung phong hy sinh năm 1972. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra

Chú thích ảnh
Mưa lũ gây chia cắt nhiều bản làng các xã biên giới Nghệ An. Ảnh: Viết Tôn

Cơn bão số 3 (Wipha) và hoàn lưu sau bão trong tuần qua đã gây mưa to, lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều tỉnh: Hưng Yên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An… Riêng tại Nghệ An, địa phương thiệt hại nặng nề nhất, mưa lũ lớn chưa từng có khiến hệ thống giao thông hư hỏng nghiêm trọng, với 49 điểm sạt lở gây ùn tắc giao thông, 69 điểm bị ngập nước, tổng chiều dài các tuyến đường bị hư hỏng lên tới 1.700 m…

Chú thích ảnh
Bùn đất ngập đến gần nóc nhà.

Trước tình hình khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là thủy điện Bản Vẽ và huy động lực lượng sẵn sàng cứu hộ cứu nạn. Các bộ, ngành liên quan được giao phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến để chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại. 

Chú thích ảnh
Người dân thẫn thờ nhìn tài sản bị mưa lũ cuốn trôi.
Chú thích ảnh
Nhiều ngôi nhà của người dân sở tại bị lũ gây ngập lụt.

Bộ Quốc phòng đã tổ chức nhiều chuyến bay cứu trợ tới các xã Tương Dương, Kỳ Sơn, Mỹ Lý, Nhôn Mai, Con Cuông... của Nghệ An. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động 9.293 cán bộ, chiến sĩ cùng 91 ô tô và 66 tàu, xuồng các loại để hỗ trợ nhân dân khắc phục mưa lũ. Các lực lượng tại địa phương cũng đã tích cực hỗ trợ di dời dân, vận chuyển lương thực, thu hoạch mùa vụ, nấu ăn tập trung, chăm sóc sức khỏe cho người dân bị ảnh hưởng. Riêng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận 9,5 tỷ đồng ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tới người dân khắc phục hậu quả sau bão số 3...

Bảo đảm kỹ thuật cho các phương tiện tham gia nhiệm vụ A80

Chú thích ảnh
Các phương tiện thuộc đơn vị tác chiến điện tử tại buổi hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Cách mạng và Quốc khánh sáng 17/7/2025. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tuần qua tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội), Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng đã tổ chức gặp mặt các lực lượng thực hiện nhiệm vụ diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là A80).

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khích lệ, động viên các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành tiếp tục nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật tổ chức gặp mặt khối nữ sĩ quan Quân y gồm 244 đồng chí; các đồng chí lái xe, lực lượng bảo đảm kỹ thuật khối xe, pháo quân sự và 78 nữ quân nhân của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật tham gia diễu binh, diễu hành…

Thời gian qua, dù thời tiết diễn biến phức tạp, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, song lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành đã không quản ngại vất vả, “vượt nắng, thắng mưa”, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trong huấn luyện và hợp luyện. Nhiều quân nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, song vẫn xác định tốt tư tưởng, thái độ, trách nhiệm, chủ động sắp xếp công việc cá nhân, gia đình, tham gia huấn luyện, luyện tập theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Việt Nam lần đầu vào top 10 toàn cầu về nhận thức và sẵn sàng ứng dụng AI

Chú thích ảnh
Chỉ số chung của Việt Nam được tính dựa trên trung bình của 7 chỉ số thành phần liên quan đến AI.

Đáng chú ý tuần qua, lần đầu tiên, Việt Nam góp mặt trong top 10 quốc gia dẫn đầu về mức độ nhận thức và sẵn sàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), theo Bảng Chỉ số AI Thế giới 2025. Báo cáo khảo sát 40 quốc gia thuộc 5 châu lục, kết quả cho thấy Việt Nam xếp thứ 6 toàn cầu, đạt 59,2 điểm trên thang 100, vị trí ấn tượng vượt qua nhiều quốc gia phát triển. Chỉ số này là kết quả trung bình của 7 chỉ số thành phần liên quan đến mức độ nhận thức, sử dụng, chấp nhận, tin tưởng và lo ngại về AI.

Chú thích ảnh
Việt Nam có tiềm năng để phát triển công nghệ AI mạnh mẽ. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về mức độ tin tưởng vào AI (65,6 điểm) và thứ 5 về mức độ chấp nhận AI (71,6 điểm). Các chỉ số khác như mức độ quan tâm, cảm giác thoải mái khi sử dụng và nhận thức về lợi ích của AI cũng đều vượt mức trung bình toàn cầu. Người dùng AI ở Việt Nam chủ yếu là nhóm tuổi từ 18 - 34, tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, những trung tâm phát triển công nghệ hàng đầu cả nước. 

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại tỉnh Hà Tĩnh

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: TTXVN

Trong tuần, ngày 25/7 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên Quốc lộ 1 đoạn qua phường Sông Trí, tỉnh Hà Tĩnh do xe ô tô chở khách biển kiểm soát số 43F-007.76 bị mất lái, làm lật xe, hậu quả làm chết 10 người, bị thương 14 người. 

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Duy Lâm và đoàn công tác đến thăm hỏi các nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh. Ảnh: TTXVN

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ tai nạn, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo gửi lời thăm hỏi ân cần, chu đáo tới người bị thương và chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong; đồng thời, chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và lực lượng Công an, y tế… tới hiện trường để khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến đường dây ma túy

Chú thích ảnh
Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp

Cũng trong tuần, ngày 23/7, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá một đường dây mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có sự tham gia của nhà thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí (sinh năm 1978).

Trước đó, qua điều tra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp cùng Công an phường Tân Hòa phát hiện Trí cùng Trần Phú Long (sinh năm 1989) có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại nhà riêng ở phường Tân Hưng vào tối 23/6. Tại nơi ở của Trí và Long, lực lượng chức năng thu giữ nhiều vật dụng nghi để sử dụng ma túy như đĩa sứ, thẻ nhựa, tờ tiền cuộn tròn... Cả hai đã thừa nhận hành vi… Công an TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.

Phương-Đoàn/Báo Tin tức và Dân tộc (tồng hợp)
Cộng đồng người Việt tại Lào tri ân các anh hùng, liệt sĩ
Cộng đồng người Việt tại Lào tri ân các anh hùng, liệt sĩ

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), sáng 27/7 tại ba miền Bắc, Trung, Nam Lào đã diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ Việt Nam - Lào, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và góp phần vun đắp tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN