Những tấm gương vượt khó

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tin Tức Cuối Tuần xin giới thiệu một số tấm gương vượt khó vươn lên của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Các em đã là những tấm gương sáng để các bạn học tập và noi theo.

Những em nhỏ “tàn” nhưng không “phế”


Ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống, trẻ em câm, điếc bị coi là những người tàn phế, nhưng khi được đưa vào môi trường rèn luyện đặc thù ở Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng, tại đây các em đã chứng tỏ được mình có thể hòa nhập với cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.

Trong căn phòng nhỏ khoảng 20m2 của Trường Khiếm thính, những bàn tay nhỏ vẫn miệt mài bên khung thêu. Điều đặc biệt, những “nghệ nhân” này lại chính là các em học sinh không thể nghe được người khác nói. Cô Đỗ Thị Thoa, giáo viên đã có kinh nghiệm 25 năm dạy nghề thêu cho học sinh khuyết tật ở đây cho biết: Đối với người học thêu tranh đòi hỏi phải tỉ mỉ và khéo tay, riêng các em khiếm thính học nghề này lại càng khó khăn hơn so với người bình thường, vì các em không thể hiểu được lời cô giáo nói mà phải thông qua ngôn ngữ ký hiệu bằng tay. Tuy vậy, các em vẫn vượt qua khó khăn ấy, hàng ngày chăm chỉ đến lớp học thêu tranh, với quyết tâm học được nghề và tự nuôi sống mình. Chỉ cho chúng tôi xem những bức tranh đã hoàn thành được treo kín tại xưởng, cô Thoa cho biết, đó là những sản phẩm do chính tay các em thêu, chúng đẹp và sắc sảo từng đường kim mũi chỉ, màu sắc sống động và phong phú, nếu chỉ nhìn thì không thể biết được tác giả của những bức tranh ấy là những em bị khiếm thính.

Dừng chân bên khung thêu của em Nguyễn Hà Đan Trang học sinh lớp 6A. Ngước cặp mắt sáng long lanh và nụ cười rạng rỡ, Đan Trang không giấu được niềm vui khi giới thiệu những bức thêu của mình. Bằng “ngôn ngữ tay” Đan Trang cho tôi biết, em mong muốn sau khi tốt nghiệp tại Trường Khiếm thính, sẽ tự kiếm sống bằng nghề thêu của mình. Nhìn những bức tranh do Trang thêu, tôi tin mong ước của Trang sẽ trở thành hiện thực.

Em K’ Trâm học sinh lớp 5B cũng là một điển hình của sự nỗ lực phấn đấu ấy. Từ lúc chào đời, Trâm đã bị câm và điếc bẩm sinh. Gia đình gửi em vào Trường Khiếm thính Lâm Đồng với mong muốn em vừa học tập văn hóa, vừa được học nghề để giúp em hòa nhập với cộng đồng. Từ ngày đầu vào học tại trường, từng đường kim mũi chỉ Trâm phải miệt mài tập hàng tuần liền mới thành thạo, sau 4 năm theo học bây giờ ước mơ trở thành thợ thêu của Trâm đã trở thành hiện thực.

Những bức tranh thêu do các em tạo nên, có sức sống và gần gũi đến kỳ lạ. Rất nhiều người đến thăm trường đã mua về làm kỷ niệm, làm quà tặng người thân... Đây là những tín hiệu vui cho chính các em – những nghệ nhân khuyết tật nhưng không tàn phế. Ông Nguyễn Hữu Hoa, Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng cho biết, tuy số lượng tranh thêu làm ra chưa nhiều, nhưng điều quan trọng là các em đã bước đầu làm quen với nghề, có khả năng tự mình kiếm tiền, bớt một phần gánh nặng cho gia đình khi các em hoàn thành khóa học. Đến nay đã có gần 20 em sau khi ra trường đã có công việc ổn định tại các cơ sở tranh thêu ở thành phố Đà Lạt, như Công ty Hữu Hạnh, cơ sở Nắng Mai… Rất nhiều em khác sau khi kết thúc khóa học ở Trường Khiếm thính không đi làm tại các cơ sở thêu mà đã biết tự nhận tranh về nhà thêu để bán.

Nhìn sự say mê, nỗ lực của các em Trường Khiếm thính Lâm Đồng mọi người đều cảm nhận rằng, nếu được định hướng đúng, được học tại môi trường phù hợp thì mọi người khuyết tật, nhất là trẻ em sẽ đủ tự tin khẳng định mình trong cuộc sống.

Nghị lực của cậu học trò mồ côi

Giữa cái nắng oi nồng của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi tìm về thăm em Phạm Đông - thôn 7, xã Ia Blang, huyện Chư Sê (Gia Lai) - một gương sáng về nghị lực vượt khó học giỏi.

Em Phạm Đông đang chăm sóc mẹ.

Ngôi nhà nhỏ của em nằm trong một con hẻm và treo đầy giấy khen. Nơi đây, vài năm trước cũng đã từng có những bữa cơm hạnh phúc và đầy ắp tiếng cười. Cha mẹ em đều là những người nông dân cần cù, chịu thương chịu khó nên kinh tế gia đình cũng tương đối ổn định. Nhưng hạnh phúc gia đình em bắt đầu rạn nứt khi cha em lao vào con đường cờ bạc, rượu chè, từ đó cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn, cùng cực. Ba em bỏ nhà đi sinh sống nơi khác.

Là con đầu trong gia đình đông anh em nên tất cả mọi việc trong nhà đều trút lên đôi vai của Đông và người mẹ. Trước hoàn cảnh vất vả như thế, những tưởng Đông sẽ buông xuôi tất cả. Nhưng ngược lại, bằng sự đam mê trong học tập, sự cố gắng hết mình, trong nhiều năm học em luôn đạt học sinh giỏi; đặc biệt, năm học lớp 9 em đã đoạt giải Nhì môn Vật lý cấp tỉnh.

Lên lớp 10 niên học 2010 - 2011, cuộc sống của em càng trở nên khó khăn hơn khi mẹ em đau ốm, nằm liệt giường, không còn lao động được nữa. Ngoài những giờ học ở lớp, Đông phải chăm sóc mẹ và bươn chải mưu sinh để kiếm tiền thuốc thang cho mẹ, cũng như lo cái ăn cho 4 người. Vất vả kiếm sống nhưng Đông vẫn không lơ là việc học, tổng kết năm em vẫn đạt học sinh tiên tiến.

Rồi mẹ của Đông qua đời vì bạo bệnh, 3 anh em Đông trở thành những đứa trẻ không có người chăm sóc, phải tự lo cuộc sống. Là anh cả trong gia đình nên ngoài giờ học, Đông phải tranh thủ đi làm thuê, nhận quét lớp để có thêm tiền chi tiêu cho mấy anh em. Khi rảnh rỗi em tự mình làm mô hình nhà bằng tăm tre để bán kiếm thêm thu nhập.

Em Trần Thị Hợi – bạn học cùng lớp với Đông tự hào kể về người bạn của mình: “Đông rất khéo tay, chỉ cần những chiếc tăm, một lọ keo và một chiếc kìm bấm là bạn ấy đã có thể cho ra đời một sản phẩm khá đẹp và sắc nét, được rất nhiều người thích và mua về trang trí. Bạn ấy là tấm gương sáng cho chúng em học tập và noi theo”.

Cô Phạm Thị Thùy Trang – cô giáo chủ nhiệm của Đông cho biết: "Đông là một học sinh chịu thương, chịu khó, ngoan ngoãn, học lực tốt. Dù hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, bản thân em ngoài nhiệm vụ học tập còn phải lo cho hai đứa em nhỏ, nhưng em vẫn đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Đông còn là một lớp trưởng gương mẫu, sẵn sàng giúp đỡ các bạn khác trong lớp có hoàn cảnh giống như mình vượt lên khó khăn để tiếp tục đến trường”.

Chia sẻ với chúng tôi, Đông cho biết: "Dù khó khăn đến đâu em cũng sẽ cố gắng học tập thật tốt, thực hiện được lời hứa với mẹ ngày nào là vào đại học và nuôi các em khôn lớn nên người”.

Đặng Tuấn - Quang Thái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN