Những tấm gương bình dị

Nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc luôn là gương sáng để bà con noi theo.

Người giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái


Nhắc đến tên ông, bà con dân tộc Thái ở vùng Mường Lò (Nghĩa Lộ-Yên Bái) như nhớ lại những điệu pí, điệu khèn mà ông đã truyền dạy. Ông là Lò Văn Biến, 79 tuổi, bản Căng Nà, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái.


Ông Lò Văn Biến mở lớp dạy chữ Thái cổ.


Ở Mường Lò, người Thái chiếm từ 60 - 70% dân số trong vùng. Cùng với sự phát triển của đất nước, các dạng văn hóa ngoại đã xâm nhập làm mất đi một số nét của văn hóa dân tộc, các điệu khắp, điệu xòe và một số nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái dần mai một trong thế hệ trẻ hiện nay. Trước tình trạng này, ông Biến tự thấy mình cần phải làm gì đó để góp phần gìn giữ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.


Với tâm huyết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ông Biến đã truyền dạy 6 điệu xòe dân tộc Thái cổ cho các bản, các khu dân cư trong xã, phường và các xã lân cận như Trường dân tộc nội trú vùng cao Văn Chấn, Trường văn hóa nghệ thuật tỉnh Yên Bái và truyền dạy cho các cháu những lời ca, điệu pí, điệu khèn của dân tộc. Bên cạnh đó, ông còn mở lớp dạy khèn bè cho 8 học viên ở các xã, phường Nghĩa lợi, Nghĩa An, Tân An, Trung tâm của thị xã Nghĩa Lộ; phối hợp thành lập và duy trì các đội văn nghệ ở thôn bản, có sự tham gia của các nghệ nhân người cao tuổi, các cháu thiếu niên để biểu diễn đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương.


Để viết và đọc được sách Thái cổ mà ông cha để lại, ông Biến đã mở các lớp dạy chữ Thái cổ ở các xã, phường cho trên 146 học viên. Chính ông đã sưu tầm và dịch ra tiếng Việt nội dung các lễ hội như Xên Bản Xên Mường, Tám Khuôn Quai, Hạn Khuống, lễ hội hái hoa Ban, lễ hội cầu mùa được đông đảo dịch giả các tỉnh và đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc đón nhận. Đặc biệt cuốn tài liệu dạy tiếng và viết chữ Thái cổ cho cán bộ công chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số được Bộ Nội vụ thẩm định in thành tài liệu giảng dạy tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái như: Cuốn sử thi Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng; Cúng vía dân tộc Thái Đen Mường Lò; Cầu Mùa; Mo Hóng; Đưa hồn người quá cố…


Để làm phong phú thêm văn hóa dân tộc ông Biến đã sáng tác thêm các bài khắp, hát thơ để động viên nhân dân các dân tộc trong vùng hăng hái lao động sản xuất và hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.


“Ông dân vận”


Mọi người vẫn quen gọi ông Lầu Thanh Mai, bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) với cái tên thân mật: “Ông dân vận”.


Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nơi ông Mai sinh sống, cách trung tâm tỉnh Thanh Hóa 250 km. Nơi đây đồng bào dân tộc Mông chiếm 41,4% dân số toàn huyện, trong đó 2/3 là đồng bào Mông phía Bắc tới sinh sống. Những năm về trước, vùng đồng bào Mông ở bản Pù Toong gặp nhiều khó khăn do thiếu ruộng lúa nước, không đảm bảo lương thực, kết cấu hạ tầng còn thấp kém, kinh tế chậm phát triển; tỷ lệ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp và tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, giao thông đi lại cách trở.


Không thể đứng nhìn đồng bào gặp khó khăn, ông Mai đã góp ý với Chi bộ đổi mới nội dung sinh hoạt và cùng cấp ủy và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Từ đó bà con đã hiểu và triển khai tốt các chương trình như: Chương trình 134, 135, 30a, Chỉ thị 45-CT/TW, Kết luận số 64-KL/TW về “Một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông”, Nghị quyết số 22 và 24 của Bộ Chính trị về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo nhằm ổn định tình hình chính trị nâng cao đời sống mọi mặt của dân tộc Mông. Đặc biệt, ông Mai đã vận động đồng bào không ngừng thi đua sản xuất, tiết kiệm, làm hết diện tích canh tác được giao, tăng cường công tác trồng rừng, phát triển vườn rừng để cuộc sống ngày càng ổn định, gia đình hạnh phúc. Ông đã vận động người dân bài trừ, phê phán những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội không rườm rà, tốn kém… Ngoài vận động bà con trong bản tích cực tham gia sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Mai còn giúp bà con trong bản về giống cây trồng. “Tôi đã tìm mua giống lúa chịu hạn, những giống có năng suất cao về cho bà con trồng, hướng dẫn bà con làm phân xanh tại chỗ để bón cho cây trồng, cho lúa” - ông Lầu Thanh Mai cho biết.


Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong bản giảm còn 20%. Các hộ gia đình trong bản đã biết dùng sản phẩm vườn, rừng để nâng cao đời sống. Nhờ thực hiện tốt việc cưới, việc tang theo nếp sống mới, mà nay bản Pù Toong đã được công nhận bản văn hóa cấp huyện.


Người “chiến sĩ” an ninh


Hang Kia và Pà Cò, hai xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, có tới 98,83% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là địa bàn phức tạp bởi những năm trước đây, nơi này trồng cây thuốc phiện, đời sống người dân còn lạc hậu, dân trí thấp. Từ năm 1993, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, toàn dân xóa bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế cơ bản được ổn định. Tuy nhiên, gần đây địa bàn này đã và đang xảy ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, nhất là các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ… Trước tình hình đó, không thể cứ ngồi nhìn thôn bản mất an ninh trật tự, ông Vàng A Tình, dân tộc Mông, xóm Hang Kia, xã Hang Kia đã ra sức tuyên truyền giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.


Ông Tình thường xuyên tuyên truyền vận động, khuyên bảo con cháu, anh em dòng họ và đồng bào người Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò phải chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là không nghe, không tin lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu; không nghe, không theo tà đạo, chỉ thờ cúng tổ tiên. Nhờ có cách truyên truyền hợp tình hợp lý của ông, nhiều dòng họ trong xã cũng ủng hộ, từ đó tuyên truyên truyền vận động, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội nhất là vận động số đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú, người nghiện hút ma túy đi tập trung cai nghiện, con cháu xây dựng gia đình không tảo hôn.


Ông Vàng A Tình cho biết: người Mông ở Hang Kia, Pà Cò xưa nay mỗi nhà đều có ít nhất một khẩu súng để trong nhà, hầu hết là các loại súng tự chế. Đây được coi như tài sản quý giá, vừa để phòng thân trong lúc đi rừng, làm nương rẫy, vừa sử dụng trong các ngày lễ như đám ma theo phong tục truyền thống. Tuy nhiên, sau đó có chính sách của Đảng, Nhà nước vận động đồng bào giao nộp các loại vũ khí để đảm bảo an toàn, trật tự. “Nhưng việc vận động đồng bào giao nộp súng không hề dễ dàng. Để đồng bào tự nguyện thì phải làm gương, tôi đã giao nộp trước hai khẩu súng, từ đó vận động dòng họ và tiếp đến là vận động nhân dân làm theo”, ông cho biết thêm. Nhờ đó mà từ năm 2010 đến nay, đồng bào Mông đã tự nguyện giao nộp cho chính quyền hầu hết các loại súng có trên địa bàn với gần 300 khẩu súng các loại. Nhờ những nỗ lực của ông mà trật tự an ninh của hai xã Hang Kia và Pà Cò ngày một đi vào ổn định, từ đó góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây.


Còn rất nhiều những tấm gương sáng trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc chưa thể kể hết trong bài viết này. Nhưng với mỗi việc làm cụ thể của mình, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số lại góp thêm một bông hoa đẹp trong rừng hoa nghìn việc tốt giữa đại ngàn.

Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN