Những phận đời nương tựa nơi cửa Phật

Hơn 20 năm qua, tại một nơi phồn hoa đô hội như TP Hồ Chí Minh vẫn đang có một ngôi chùa tên chùa Lâm Quang ở quận 8 được xem là ngôi nhà chung của gần 150 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa từ khắp nơi đổ về.


Chùa là nhà


Những tưởng ở cái tuổi xế chiều, các cụ già từ 60-90 tuổi ở ngôi chùa trên sẽ được sống sung sướng, hạnh phúc quây quần bên con cháu, tuy nhiên những cụ già này lại hàng ngày sống lủi thủi, hiu quạnh, bấu víu, nương tựa vào cửa Phật. Để rồi ngày nào họ cũng hướng mắt về phía cửa chùa để mong nhìn thấy dáng người quen đến thăm họ dù chỉ một lần.


Giữa tiết trời Sài Gòn oi ả nóng bức, chúng tôi ghé thăm chùa Lâm Quang vào đúng giờ cơm trưa. Hình ảnh, các cụ bước đi chậm rãi, tay cầm chiếc bát to đi tới nồi cơm “khổng lồ” được nhà chùa chuẩn bị sẵn xới vội bát cơm, gắp vài miếng thịt rồi lại lật đật trở về chiếc giường nhỏ của mình ăn trưa cứ mãi in dấu trong đầu chúng tôi.


Thấy khách lạ tới thăm, nhiều cụ già dừng bát đũa, ngước lên hỏi: “Các cô đến thăm hay tìm ai?”. Khi chúng tôi nói tới thăm tất cả các cụ thì khuôn mặt các cụ tươi hẳn lên. Một cụ già còn nói: “Lâu lắm rồi mới có người đến thăm, giá mà ngày nào cũng có người ghé thăm thì vui biết chừng nào.


Các cụ già neo đơn tại chùa Lâm Quang đang được các sư cô chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ.


Mỗi một cụ già đến “nương tựa” nơi cửa Phật tại chùa Lâm Quang đều có những hoàn cảnh khiến người nghe cảm thấy xót xa, đau lòng cho thân phận các cụ. Có cụ thì không có nhà, không có chồng không con, có những người lâm vào bước đường cùng, sa cơ lỡ vận và cũng có người bị chính người thân của mình hắt hủi…


Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, cụ bà Nguyễn Kim Liên, bồi hồi khi kể cho chúng tôi nghe về hành trình đi tìm người chị ruột tại đất Sài Gòn. Quê cụ Liên ở tận Rạch Giá – Kiên Giang xa xôi, cụ cũng mồ côi mẹ từ năm lên 10, người chị gái lên Sài Gòn mưu sinh và biền biệt không về. Mẹ mất, chị đi biệt xứ, một mình cụ chỉ biết bấu víu vào những người họ hàng nơi thôn quê.


Đến 15 tuổi, cụ quyết định rời quê lên Sài Gòn vừa để kiếm việc làm vừa để tìm người chị ruột của mình. Từ cụ lăn lộn khắp ngõ ngách Sài Gòn với đủ loại công việc. Cuộc sống cứ thế trôi qua rồi cụ cũng chẳng còn thời gian nghĩ đến chuyện lập gia đình.

Cụ Liên được nhà chùa cưu mang chăm sóc hàng ngày đã giúp cụ vơi bớt những nỗi buồn của tuổi già khi không có người thân.


Cụ Liên tâm sự: “Vào một buổi chiều năm 2007, nhờ “duyên trời run rủi” nên tôi tình cờ gặp lại được người chị gái của mình chính trong ngôi chùa Lâm Quang này. Từ đó, hai chị em mới được sống cạnh nhau dù đã tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên, cuộc hội ngộ chẳng kéo dài lâu, bởi hai chị em ở với nhau chỉ được sông cùng nhau 5 năm thì chị gái tôi mất. Giờ còn mình tôi ở lại chống chọi với căn bệnh đau lưng quái ác."


Thèm người tới thăm


Năm 1995, khi sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến, hiện đang là Trụ trì chùa Lâm Quang, nhận tiếp quản ngôi chùa này đã thấy có 4 cụ bà hành khất ban ngày đi kiếm sống, ban đêm về đây xin tá túc. Xúc động trước những cảnh đời bất hạnh, sư cô đã đem các cụ vào chùa chăm sóc. Từ ngày đó càng có thêm nhiều cụ xin đến với cửa chùa. Sư cô Huệ Tuyến bày tỏ: Âu đó cũng là cái duyên, nên những số phận mới tìm đến nhau nên nhà chùa đã thu nhận tất cả những cụ bà có cảnh đời không còn người thân phụng dưỡng.


24 năm trôi qua, kể từ khi đến trụ trì chùa, sư cô Huệ Tuyến đã cưu mang không biết bao nhiêu mảnh đời khốn khổ. Những người già đến nương tựa chùa ngày một nhiều, nhưng những người mất đi cũng không ít.


Sư cô Huệ Tuyến cho biết: “Chỗ ở cũ chưa nguội hơi người thì đã có người mới lấp vào. Hiện tại chùa đang chăm sóc gần 150 cụ thì có 150 tính cách với 150 hoàn cảnh khác nhau, ai cũng rất bất hạnh. Tuy nhiên, điểm giống nhau của các cụ là đều đã già yếu, chân tay run rẩy, thậm chí có những cụ đã phải nằm liệt giường liệt chiếu, có cụ bị bệnh mất trí nhớ, tâm thần… Với các cụ còn khỏe mạnh có tinh thần tự giác rất cao bởi các cụ không chịu để các sư cô và phật tử cho ăn uống hay tắm rửa, vệ sinh. Chỉ có các các cụ phải nằm liệt giường, mắc bệnh hiểm nghèo chúng tôi mới phải chăm lo vệ sinh cá nhân cho các cụ.”


Do sống gần chùa, lại già yếu cho nên các cụ thường tìm đến kinh Phật để giúp khuây khỏa tuổi già. Cụ Điệp năm nay 84 tuổi nói: “Hồi trước còn lang thang kiếm sống ngoài đời không có thời gian đi chùa. Nhưng từ ngày vào chùa ở, ngày nào tôi cũng xuống đánh chuông và tụng kinh niệm Phật. Đấy là tất cả đời sống tinh thần, niềm vui duy nhất của những người già như chúng tôi”.


“ Tôi sống một mình không có người thân, nhưng từ ngày đến đây lại có bạn già để nói chuyện. Tuy nhiên, vì già cả nên nhiều lúc tính tình cũng khó chịu như trẻ con, nhưng luôn được nhà chùa, phật tử, các nhà từ thiện thường xuyên quan tâm, động viên, thật sự rất là cảm động. Tôi không nghĩ cuối đời mình lại được sống trong sự yêu thương che chở như thế này dù nhiều lúc cũng thèm có người thân nào đó tới thăm mình.” Một cụ già không có người thân tại chùa tâm sự.


“Hàng ngày, để lo cho các cụ già ăn uống no đủ, những ngày đầu các sư cô của chùa phải làm thêm nhiều việc từ làm nhang, bán xôi, hủ tiếu chay đến nhận nấu thức ăn chay cho các gia đình phật tử khi có ma chay, đám giỗ… Dù vất vả, xong chứng kiến những người già neo đơn, cô độc có được niềm vui tại chùa lại khiến các sư cô có thêm động lực để chăm sóc các cụ. Hiện tại chùa có gần 20 sư cô chăm sóc cho các cụ bà với những công việc như: cho ăn uống, thuốc thang, tắm giặt…” Sư cô Huệ Tuyến chia sẻ.


Chúng tôi rời chùa Lâm Quang khi trời bắt đầu chiều tối, nhưng nhìn những con mắt dõi theo của các cụ già mà các cụ lại còn với theo dặn dò: “Lần sau lại tới thăm chúng tôi nha các cô”. Câu nói này, càng khiến chúng tôi nặng lòng hơn, bởi những người già ở đây, họ rất cần sự quan tâm, chia sẻ, thăm hỏi của mọi người và xã hội để có thêm động lực sống tiếp quãng đời xế chiều của mình.


Bài, ảnh: H. Tuyết


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN