Họ là những "cánh tay nối dài", "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Đã 12 năm quen với việc “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng", chị Nguyễn Thị Bình, cộng tác viên dân số thôn Phú Lộc, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm thấu hiểu nỗi vất vả của cộng tác viên dân số ở khu vực nông thôn. Những diễn biến liên quan đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ như: Số trẻ sinh trong tháng, số phụ nữ đang mang thai, những cặp vợ chồng cần thực hiện các biện pháp tránh thai, những cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con thứ ba... chị đều nắm kỹ.
Lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Nam cung cấp, trao đổi kiến thức với cộng tác viên dân số. Ảnh: hanam.gov.vn |
Nhằm giúp chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chị Bình đã không quản ngày đêm bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động, thuyết phục chị em với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Ngoài ra, chị còn thường xuyên tâm sự, trao đổi, giúp chị em tháo gỡ những vướng mắc gia đình. Chị Bình cho biết, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngoài trách nhiệm với công việc thì cộng tác viên dân số cần có lòng yêu nghề, sự nhiệt tình, kiên trì và phải làm việc bằng cái tâm, cái tình của mình. Chị luôn tâm niệm rằng, giúp được một đối tượng thực hiện kế hoạch hóa gia đình là giúp được một gia đình phát triển bền vững.
Nhờ sự nhiệt tình và kỹ năng truyền thông, tư vấn mềm mỏng, không ngại khó, chị đã giúp các cặp vợ chồng và cả người thân của họ hiểu được lợi ích của việc kế hoạch hóa gia đình. Nhận thức của người dân trong thôn về kế hoạch hóa gia đình đã được thay đổi, đặc biệt tư tưởng trọng nam, kinh nữ từng bước được đẩy lùi. Vì vậy, 11 năm qua thôn Phú Lộc không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đời sống của bà con được nâng lên, nhân dân trong thôn sống vui vẻ, đoàn kết.
Cùng với chị Nguyễn Thị Bình, những bước chân của hơn 1.600 cộng tác viên dân số trong tỉnh Hà Nam vẫn hằng ngày, hằng giờ in dấu trên các ngõ ngách, xóm làng để đưa chủ trương, chính sách về dân số đến với người dân. Họ còn là người trực tiếp truyền thông đến tận đối tượng; thu thập, cập nhật thông tin, nắm bắt địa bàn, theo dõi, quản lý các biến động về dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Theo bà Tạ Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Nam, đội ngũ cộng tác viên dân số đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của ngành dân số Hà Nam. Nhận thức của cán bộ và nhân dân trong tỉnh về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình được nâng lên rõ rệt, các cặp vợ chồng trẻ đã tự nguyện thực hiện mô hình gia đình có 1 hoặc 2 con; các thôn, xóm, tổ dân phố nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 ngày càng nhiều, quy mô dân số tăng chậm lại. Hà Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2005 và giữ vững cho đến nay; tuổi thọ trung bình của người dân trong tỉnh tăng từ 66 tuổi năm 1997, khi tỉnh Hà Nam được tái lập lên 74,4 tuổi năm 2016; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi năm 1997 là 39%, năm 2016 đã giảm còn 12,2%...
Cũng theo bà Tạ Thị Hoa, thời gian tới, nhiệm vụ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Hà Nam còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của đội ngũ những người làm công tác dân số. Trong đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ ở cơ sở, các cộng tác viên dân số cần chủ động, linh hoạt hơn nữa trong công tác phối hợp, lồng ghép tổ chức các hoạt động truyền thông sao cho phù hợp, thiết thực và mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, ngành dân số cần làm tốt vai trò tham mưu, đồng thời tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.