Bác sĩ tại Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn thăm khám cho bệnh nhân. |
Qua quá trình 40 năm phát triển, lúc đầu Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn thuộc Trung tâm Nuôi trồng - Nghiên cứu - Chế biến dược liệu Quân khu 9 ban đầu chỉ được gọi là tổ cấp cứu; đến năm 1998, với đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn trình độ cao và trang thiết bị hiện đại, tổ cấp cứu phát triển thành Khoa cấp cứu rắn độc cắn.
Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn hiện có trên 20 giường bệnh và đội ngũ 7 y, bác sĩ luôn tận tâm tận lực chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân không may bị rắn độc cắn.
Với chức năng chính là cấp cứu và điều trị những nạn nhân là quân nhân, nhân dân trong vùng nhưng "tiếng lành đồn xa", nhiều năm nay người dân ở các tỉnh khác như Long An, Đồng Tháp, Bến Tre... khi bị rắn độc cắn cũng đến đây để được sự chữa trị, chăm sóc của những "bác sĩ mang quân hàm xanh".
Do đặc thù là vùng sông nước có nhiều loại rắn sinh sống, nên bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường hay bị rắn độc cắn, đặc biệt mỗi khi bước vào mùa mưa hay những tháng mùa lũ.
Thượng tá, bác sĩ Phan Văn Phát, Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng - Nghiên cứu - Chế biến dược liệu Quân khu 9 cho biết: Trung bình mỗi năm, Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc tiếp nhận và điều trị cho trên 1.500 trường hợp bị rắn cắn, với tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối (nếu bệnh nhân chuyển đến khoa khi còn sống). Bệnh nhân bị rắn cắn nhiều nhất là vào thời điểm đầu mùa mưa, nhất là các hộ dân nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trước đây, bệnh nhân bị rắn cắn chuyển đến đây chủ yếu được chữa trị bằng phương pháp đông y, nhưng quá trình điều trị rất lâu. Từ năm 2004, Trung tâm bắt đầu áp dụng phương pháp điều trị rắn độc cắn bằng kháng huyết thanh (kháng nọc rắn để điều trị).
Việc điều trị rắn độc cắn bằng kháng huyết thanh kết hợp với phương pháp điều trị bằng đông y mang lại hiệu quả cao trong điều trị rắn cắn. Điều đáng nói là tất cả bệnh nhân bị rắn cắn đến đây chữa trị đều được miễn phí hoàn toàn mọi chi phí khám bệnh, giường nằm.
Bác sĩ Phát cho biết thêm, điều kiện tiên quyết nhất để điều trị thành công là từ khâu chẩn đoán, chẩn đoán chính xác bệnh nhân bị loại rắn nào cắn thì sẽ có phác đồ dùng kháng huyết thanh đó chữa trị.
Ví dụ như có dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt, mắt lờ đờ... thì có thể xác định là do các loài rắn Hổ cắn vì loài này khi tiêm nọc độc vào cơ thể người sẽ gây hư tổn đến hệ thần kinh dẫn đến trào đờm, tắc đường thở; nếu có dấu hiệu đau nhức, sưng nề, chảy máu không ngừng ở vết cắn thì có thể do rắn Lục đuôi đỏ cắn vì loài này tấn công trực tiếp đến đường máu gây nhiễm độc máu.
Nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn khi chuyển đến Khoa trong tình trạng "thập tử nhất sinh", nhưng bằng sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề cộng với trình độ chuyên môn cao, các y, bác sĩ của Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn đã dành lại sự sống quý giá cho nhiều người.
Ông Nguyễn Kim Long, xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) đang điều trị tại Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn thuộc Trung tâm Nuôi trồng - Nghiên cứu - Chế biến dược liệu Quân khu 9 cho biết: Hôm đó tôi bắt được con rắn Hổ đất nhưng bị nó cắn, may mà được người nhà đưa đến đây kịp thời. Các bác sĩ ở đây tận tình cứu giúp, chăm sóc nên sức khỏe tôi hồi phục đáng kể rồi, giờ nằm điều trị theo dõi, mấy hôm tới là tôi được về nhà.
Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, "Trại rắn Đồng Tâm" nơi có Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc đã là cái tên gắn bó thân thuộc với nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và bà con tỉnh Tiền Giang nói riêng. Đây không chỉ là nơi bảo tồn các loài rắn quý hiếm duy nhất của Việt Nam mà còn là địa chỉ tin cậy trong việc điều trị rắn độc cắn, bởi các "bác sĩ mang quân hàm xanh" của Trung tâm luôn tận tâm với người bệnh.