Nhớ mùa thu lịch sử trên quê hương cách mạng Tân Trào

Cuối tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về tới làng Kim Long (thôn Tân Lập ngày nay), thuộc xã Kim Long (nay là xã Tân Trào), huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), để chỉ đạo cách mạng. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước vào tháng 8/1945…

Những ngày Tháng Tám lịch sử, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, lại đón hàng nghìn lượt du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, ôn lại ký ức và truyền thống hào hùng của dân tộc. Mỗi du khách đến với Thủ đô kháng chiến lại có một cảm xúc rất riêng, rất đặc biệt với con người và mảnh đất quê hương cách mạng.

Tháng Tám và những chuyến đi ý nghĩa

Chú thích ảnh
Quang cảnh Lễ báo công. Ảnh: TTXVN

77 năm trôi qua kể từ những ngày sôi sục không khí tổng khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Tân Trào nay đã đổi khác rất nhiều. Đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, dọc hai bên đường, những đóa hoa rực rỡ khoe sắc, những nếp nhà sàn đơn sơ, nằm tĩnh lặng giữa Thủ đô kháng chiến luôn sẵn sàng đón du khách từ khắp mọi miền đến thăm.

Đến Tân Trào những ngày này, không khí chào mừng ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 len lỏi trong từng thôn làng, ngõ xóm. Du khách thập phương tìm về Tân Trào, tìm về cội nguồn lịch sử cũng nhiều hơn.

Cùng gia đình thăm lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ đã sống những ngày gian khổ để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa, chị Nguyễn Thu Hương, du khách đến từ quận Tây Hồ (Hà Nội) vô cùng xúc động. Căn lán nhỏ đơn sơ khiến chị mường tượng được cuộc sống vất vả, khó khăn của Bác Hồ trong những ngày khởi nghĩa. Chị Nguyễn Thu Hương chia sẻ, với mong muốn cho các con có một chuyến đi vui vẻ và ý nghĩa trước khi chuẩn bị vào năm học mới, gia đình chị đã tổ chức một chuyến về Tuyên Quang. Sau khi đi ngắm cảnh đẹp hồ Na Hang, trải nghiệm dịch vụ du lịch cộng đồng, thưởng thức ẩm thực độc đáo của đồng bào… gia đình chị lựa chọn điểm đến ý nghĩa là Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đến đây, các thành viên trong gia đình chị vừa được ngắm cảnh đẹp trong khu di tích, tận hưởng không khí trong lành của núi rừng, được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử di tích, nghe những câu chuyện kể về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghe chuyện đồng bào che chở, nuôi giấu bộ đội trong những chuẩn bị tổng khởi nghĩa năm 1945… các thành viên trong gia đình chị đều rất ấn tượng và xúc động.

“Đây là chuyến đi rất ý nghĩa đối với gia đình chúng tôi, nhất là khi chúng tôi đến đây đúng dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám. Qua những câu chuyện được nghe, chúng tôi biết thêm nhiều câu chuyện về những ngày khởi nghĩa giành chính quyền và càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc…”, chị Thu Hương vui vẻ cho biết.

Nhiều cơ quan, đoàn thể cũng tổ chức những chuyến du lịch về Thủ đô kháng chiến trong dịp này, để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho lớp trẻ. Đầu tháng 8/2022, sau thành công của Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thông tấn xã Việt Nam khóa XXVII, nhiệm kỳ 2022-2027, Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức Lễ báo công mừng thành công của Đại hội tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Chú thích ảnh
Đoàn dâng hương tại đình Tân Trào. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ cảm xúc của mình trong chuyến đi về nguồn vào những ngày Tháng Tám, chị Phạm Thị Hồng Điệp, phóng viên cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Gia Lai chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị được đến thăm Tuyên Quang, thăm Thủ đô kháng chiến, thăm các di tích lịch sử tại Tân Trào, nghe hướng dẫn viên khu di tích kể về sự gian lao của thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, chị vô cùng xúc động và tự dặn lòng, phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác để xứng đáng hơn với những hy sinh của các thế hệ đi trước.

Cũng là lần đầu tiên đến thăm Thủ đô kháng chiến, thăm mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, thăm lán Nà Nưa, anh Huỳnh Phúc Hậu, cán bộ cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Bến Tre bày tỏ, anh vô cùng xúc động và tự hào khi được đặt chân đến vùng đất giàu truyền thống cách mạng, được thăm nơi Bác Hồ và các cán bộ cách mạng đã từng sống và làm việc, được gặp gỡ, giao lưu, hiểu hơn về mảnh đất, con người của vùng quê cách mạng này.

Dù đến Tân Trào nhiều lần nhưng chị Mạnh Minh, phóng viên cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Dương cho biết, mỗi lần về Tân Trào, chị lại có những cảm xúc khác nhau. “Trong những ngày Tháng Tám lịch sử, khi đến thăm những địa danh gắn liền với lịch sử Thủ đô kháng chiến như mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa… chúng tôi như được sống lại không khí hào hùng, sục sôi của những ngày cách mạng cách đây 77 năm. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, để chúng ta có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay”, chị Mạnh Minh chia sẻ.

Tự hào là quê hương cách mạng

Chú thích ảnh
Đoàn thăm Khu di tích Việt Nam Thông tấn xã tại thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN

77 năm trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng với người dân ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), những câu chuyện, sự kiện lịch sử diễn khi ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức và được người dân nơi đây lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chúng tôi đến ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Tiến Sự tại thôn Tân Lập (xã Tân Trào), nơi Bác Hồ đã ở và làm việc trong những ngày đầu Bác từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (từ ngày 21 đến cuối tháng 5/1945), anh Nguyễn Văn Bế, cháu nội của ông Nguyễn Tiến Sự kể: Ngày bé, nhà anh thường đón rất nhiều khách đến chơi. Khi ấy, anh thường ngồi trong lòng ông nội, nghe ông kể chuyện với khách, dần dần những câu chuyện về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc, được anh thuộc lòng và ghi nhớ đến tận bây giờ.

Anh Nguyễn Văn Bế cho biết, ông nội anh - ông Nguyễn Tiến Sự, nguyên là Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long (nay là thôn Tân Lập) có kể lại rằng: Tầm chiều tối 21/5/1945, có hai người một già, một trẻ vào nhà ông. Ông cụ lớn tuổi chống gậy đi trước, phía sau là một người trẻ tuổi. Lúc đầu, ông chỉ biết nhà có khách quý, sau khi trò chuyện mới biết, ông cụ chống gậy là Bác Hồ, còn người trẻ đi cùng Bác khi ấy là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sau đó, Bác Hồ ở lại sống và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự. Còn đồng chí Võ Nguyên Giáp thì ở tại nhà ông Hoàng Trung Dân, cách đó một đoạn. “Ông tôi kể, Bác Hồ thường dậy từ 5 giờ sáng, tập thể dục rồi làm việc. Giờ nghỉ, Bác Hồ thường đi vòng quanh thăm ruộng đồng, thăm hỏi mọi người trong nhà, trong làng…”, anh Nguyễn Văn Bế nhớ lại.

Ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự khoảng một tuần, để bảo đảm bí mật và thuận tiện cho công việc, cuối tháng 5/1945, Bác Hồ chuyển ra ở căn lán nhỏ trong khu rừng Nà Nưa, thuộc dãy núi Hồng. Lán Nà Nưa nằm kín đáo dưới các tán cây rậm rạp, cách làng Tân Lập hơn 500 mét về hướng Đông, cách lán chừng 80 mét là con đường mòn qua đèo De, sang Phú Đình- Định Hóa (Thái Nguyên). Phía trước lán, dưới chân rừng Nà Nưa là dòng suối Khuôn Pén.

“Sau khi Bác Hồ lên lán sống, ông nội tôi vẫn thường lên tiếp tế lương thực, thuốc men, thỉnh thoảng ông còn ngồi nói chuyện với Bác. Bố tôi khi ấy tuy còn nhỏ, nhưng nhiều khi cũng được ông nội tôi giao nhiệm vụ sáng dậy sớm đưa cơm lên lán cho Bác Hồ”, anh Nguyễn Văn Bế kể lại.  

Hiện nay, ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Tiến Sự - nơi Bác từng sống và làm việc đã trở thành một điểm tham quan yêu thích của du khách gần xa. Mọi người đến đây đều muốn được đến thăm nơi Bác đã từng sống và làm việc trong những ngày chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách đây 77 năm về trước.

Chú thích ảnh
Đoàn tìm hiểu về lịch sử của vị các tiền bối cách mạng. Ảnh: TTXVN

Cách nơi Bác Hồ ở không xa, là ngôi nhà sàn của ông Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở từ tháng 5 đến tháng 8/1945. Căn nhà cũng là nơi đánh máy bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc (Lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước) vào tháng 8/1945. Bên trong ngôi nhà, những hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được các thế hệ trong gia đình đặt ở nơi trang trọng nhất.

Anh Hoàng Văn Nhiên, cháu nội của ông Hoàng Trung Dân chia sẻ, từ khi còn bé, anh thường được nghe ông nội và mọi người trong nhà kể chuyện ngày xưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống và làm việc ở gia đình. Anh thấy tự hào vì cha ông mình đã tham gia cách mạng, góp một phần công sức nhỏ bé vào sự thành công của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của đất nước.   

Không chỉ gia đình ông Nguyễn Tiến Sự, ông Hoàng Trung Dân, mà nhiều hộ dân ở thôn Tân Lập cũng rất tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương mình. Theo lời kể của những người dân trong làng, khi ấy, hầu hết các hộ dân trong làng Kim Long đều nuôi cán bộ.

Bà Nguyễn Thị Ngò, 72 tuổi, ở thôn Tân Lập cho biết, khi về làm dâu ở đây, bà thường được nghe bố mẹ chồng (là ông Hoàng Quang Ấm và bà Mạc Thị Pháp) kể chuyện khi xưa ông bà được giao nhiệm vụ đưa gạo lên lán cho Bác Hồ. “Mẹ chồng tôi kể lại rằng, ngày đó hầu hết các hộ dân trong thôn đều có cán bộ về ở. Gia đình tôi cũng có nhiều cán bộ ở lắm. Cán bộ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân. Còn người dân ở trong làng đều thực hiện 3 không (không biết, không nói, không thấy) để đảm bảo an toàn cho Bác Hồ và cán bộ… Tôi rất tự hào vì truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương ”, bà Nguyễn Thị Ngò chia sẻ.

Tân Trào bây giờ đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống anh hùng dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Người dân Tân Trào ai cũng rất tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Từ lâu, mỗi người dân Tân Trào đều ý thức việc phát huy truyền thống các mạng của cha ông để gìn giữ, tôn tạo, bảo vệ các điểm di tích lịch sử, góp phần phát triển du lịch, làm giàu cho người dân trên quê hương cách mạng.

Phương Lan - Nam Sương (TTXVN)
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đón vị khách thứ 30.000 đến tham quan
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đón vị khách thứ 30.000 đến tham quan

Ngày 12/2, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, tổ chức chương trình chào mừng đoàn khách thứ 200 (đoàn khách đến từ tỉnh Kiên Giang) và vị khách thứ 30.000 đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đây là hoạt động kích cầu du lịch nội địa sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN