Những năm qua, công tác đặt tên, đổi tên đường phố của Hà Nội luôn thực hiện theo một quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo tính khoa học, nghiêm túc. Tuy nhiên, việc đặt tên, đổi tên đường phố vẫn còn nhiều khó khăn do các văn bản hướng dẫn chưa theo kịp thực tiễn.
Nhiều quy định
Việc đặt tên, đổi tên đường phố luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, các nhà khoa học và quần chúng nhân dân Thủ đô, bởi tên đường phố không đơn thuần giải quyết yếu tố quản lý đô thị mà nó còn hàm chứa cả ý nghĩa lịch sử, văn hóa và góp phần nâng cao tình yêu quê hương, đất nước cho người dân. Do đó, dù đã có Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, Thông tư của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thi hành; nhưng thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định về quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn phù hợp với thực tiễn của Thủ đô.
Việc đặt tên đường phố luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. |
Theo quy định, quy trình đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của Hà Nội phải tuân thủ tới 8 bước: Lập danh mục đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên, đổi tên, tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các đường phố, công trình công cộng... trình UBND thành phố ra quyết định trình HĐND để ra nghị quyết, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Hội đồng tư vấn phải họp tối thiểu 8 phiên nhằm xem xét, đánh giá từng tên đường và đảm bảo đạt trên 70% số phiếu đồng thuận mới thực hiện các bước tiếp theo.
Trong năm 2013, với trên 100 tuyến đường được khảo sát, xây dựng hồ sơ để đặt tên; sau nhiều bước đánh giá, bỏ phiếu, lấy ý kiến, đến nay chỉ còn 34 tuyến đường dự định đặt tên và đó chưa phải con số cuối cùng. Hiện, việc đặt tên đường phố đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương, những nơi dự định đặt tên đường.
Việc lựa chọn tên đặt cho các tuyến đường, phố, công trình công cộng dựa trên 6 dạng tên, riêng tên danh nhân được UBND thành phố Hà Nội giao cho nhóm chuyên gia xây dựng một ngân hàng dữ liệu đặt tên danh nhân đến năm 2020. Ngân hàng này xây dựng từ năm 2006 với 313 danh nhân; tuy nhiên, qua nhiều đợt xét lại, Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường phố, công trình công cộng cho rằng một số danh nhân chưa tiêu biểu trong giai đoạn này và còn thiếu một số danh nhân trong ngân hàng. Hiện tại, dữ liệu trong ngân hàng này đã được khai thác tới một nửa để đặt tên đường, phố; ngoài ra, một số danh nhân khác cũng được các địa phương, đơn vị, gia đình đề nghị đưa vào ngân hàng.
“Với những trường hợp bổ sung, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội phải giải trình cụ thể tới Hội đồng tư vấn, các cơ quan của thành phố với nhiều quy trình, thủ tục”, Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, cho biết.
Vẫn khó triển khai
Mặc dù Thành phố Hà Nội đã rất cẩn trọng trong công tác đặt tên, đổi tên đường phố nhưng trong thực tế khi triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn do các văn bản hướng dẫn chưa theo kịp thực tiễn.
Trước hết, các khu đô thị tại Hà Nội mọc lên nhiều, các tuyến đường theo đó cũng được hình thành, đủ điều kiện hạ tầng cơ sở để đặt tên. Nếu đặt tên địa danh thì mỗi thôn, xã, phường khu vực đó chỉ có một vài địa danh cổ nhưng trong đô thị lại có tới vài chục đường nên không phù hợp để đặt tên các địa danh. Nếu những tuyến đường này đặt tên danh nhân thì cũng không phù hợp bởi trong đô thị lại quá nhiều đường mang tên danh nhân. Việc đặt tên địa danh trong khu đô thị theo số thứ tự là phù hợp nhưng Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng chưa đề cập đến việc đặt tên địa danh theo diện này.
Thời gian qua, nhiều xã vùng ven nội thành được chuyển lên phường, đường làng chuyển thành đường phố nhưng lại nảy sinh vấn đề: Đường làng có bố cục ngoằn nghèo, nhỏ, không có vỉa hè nên rất khó cho việc đặt tên. Điển hình như xã Vạn Phúc chuyển thành phường Vạn Phúc, đặt tên đường làng là phố Lụa nhưng thực chất đường không được nâng cấp, vỉa hè không có và người dân vẫn có khái niệm là đường làng. Tuy nhiên, vấn đề này cũng chưa được tính đến trong các văn bản của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, một số loại ngõ khi mở rộng thành tuyến đường lớn, như ngõ Thái Thịnh 2 trở thành một tuyến phố lớn, với hai làn đường nhưng việc đặt tên đường mới cũng chưa có trong quy định.
“Sắp tới, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ tham mưu, trình Thành phố sửa đổi, bổ sung vào Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn nhằm phù hợp với tình hình phát triển của Thủ đô”, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, khẳng định.
Ông Đỗ Trung Hai, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội: Việc đặt tên, đổi tên đường, phố được thực hiện đúng quy trình Việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng mang ý nghĩa xã hội cao, biểu hiện tính văn minh của một xã hội đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chung. Nếu đặt tên đường phố cho địa danh nào đó còn là sự tôn vinh, biểu dương địa danh đó. Chính vì tầm quan trọng như vậy nên Chính phủ có nghị định; thành phố Hà Nội cũng có quyết định về quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng. Việc đặt tên, đổi tên đường phố được thực hiện một cách nghiêm ngặt, nhiều quy trình. Nếu trước kia, HĐND thành phố là cơ quan thẩm định cuối cùng thì ba năm trở lại đây, việc đặt tên, đổi tên đường phố phải thông qua Thành ủy Hà Nội để đảm bảo tính chặt chẽ. GS.TSKH Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển: Không tính toán kỹ lưỡng, sẽ tạo ý kiến trái chiều Việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng đòi hỏi tính nghiêm túc và khoa học rất cao vì có vai trò quan trọng trong việc phục vụ yêu cầu cuộc sống, phục vụ quản lý đô thị, phục vụ quản lý con người. Khi đặt tên danh nhân cho đường phố cũng cần phải nghiên cứu chặt chẽ, khoa học vì nếu không tính toán kỹ lưỡng, khách quan sẽ tạo nhiều ý kiến trái chiều. Thành phố Hà Nội cũng tính toán đặt đường mang tên Võ Nguyên Giáp nhưng đây là việc không thể nóng vội, cần phải tính toán kỹ lưỡng, hài hòa mọi điều kiện để chọn cho được một tuyến đường xứng tầm với công lao của Đại tướng. Theo quan điểm của tôi, với vị trí lớn lao của Đại tướng, chúng ta không nên đặt tên đường Võ Nguyên Giáp thay tên một con đường khác. Vì tên đường, phố trước hết là địa danh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những đường, phố có tên trên bản đồ rồi thì không nên đổi. Nếu chọn trong nội đô thành phố cũng không xứng tầm với Đại tướng. Chúng tôi đều nhận thấy tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài là đẹp nhất, không có nơi nào tốt hơn bởi tuyến đường này tỏa đi các địa phương khác và tỏa ra quốc tế, lại chạy thẳng vào trung tâm thành phố. Nhưng cần phải đợi đến khi tuyến này được hoàn thành mới nên đặt tên, nếu đặt tên khi công trình đang ngổn ngang dễ gây nên tác động không tốt. Vẫn biết mọi người mong đợi có ngay một con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng việc đặt tên đường cần đặt trong mối quan hệ tổng thể và cần phải thông cảm với các nhà quản lý. |
Đinh Thị Thuận - Xuân Minh