Nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ các đối tượng yếu thế phòng chống dịch COVID-19

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tham gia ủng hộ, hỗ trợ người dân trong cuộc chiến chống đại dịch này.

* Tại Phú Thọ, theo Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, đến nay đã có hơn 130 đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh quyên góp, ủng hộ thông qua MTTQ tỉnh tổng số tiền hơn 14 tỉ đồng. Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tiếp nhận hàng hóa, vật tư ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 giá trị hơn 1 tỉ đồng. Trong đó, riêng ngành Y tế đã huy động gần 3 tỉ đồng, cùng nhiều thiết bị, vật tư, hóa chất từ người lao động trong ngành và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động trong lĩnh vực y tế ủng hộ phòng, chống dịch. 

Cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vikore, tại Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, cũng đã ủng hộ 10.000 khẩu trang vải kháng khuẩn. Công ty Trách nhiệm hữu hạn năng lượng môi trường TIANYU Phú Thọ ủng hộ 10 máy trợ thở, 2.000 bộ quần áo bảo hộ, 500 chai sát khuẩn với tổng trị giá 600 triệu đồng. Các trang thiết bị, vật tư y tế này đã được cấp phát, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các Ban đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân,  MTTQ; đông đảo phóng viên, biên tập viên của Báo Phú Thọ, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ… cũng đã tham gia ủng hộ phòng, chống dịch với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa để tiếp thêm nguồn lực chung sức cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh.

Đáng chú ý, nhiều cá nhân mặc dù hoàn cảnh khó khăn song vẫn dành khoản tiền tiết kiệm ủng hộ phòng, chống dịch, như chị Nguyễn Thị Thu Hoài, công nhân Công ty Cổ phần may Phú Thọ, tại thị xã Phú Thọ, đã ủng hộ 1 triệu đồng từ việc nhận may thêm quần áo. Đảng viên lão thành cách mạng Vũ Tiến Nhuệ  93 tuổi, khu Cao Đại, phường Minh Phương, thành phố Việt Trì, ủng hộ 1 tấn gạo cho cơ sở cách ly tỉnh. Cụ Triệu Thị Hải, 90 tuổi, khu 4, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì ủng hộ 1 đôi bông tai vàng 2 chỉ và 1 đồng bạc Đông Dương. Chị Triệu Thị Hằng, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, là người khuyết tật làm nghề thợ may đã cùng với 3 người con may hơn 1.500 chiếc khẩu trang vải để tặng người dân trong và ngoài địa bàn xã…

Toàn bộ số tiền ủng hộ đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ tiếp nhận vào Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh. Sở Y tế phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh việc phân bổ, sử dụng nguồn vận động, hỗ trợ đảm bảo hiệu quả, đúng quy định như nhân dân đã trao gửi niềm tin.

Chú thích ảnh
Vận chuyển bồn chứa nước để cứu trợ nhân dân trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn mặn và dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

* Ngày 17/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ doanh nghiệp, "mạnh thường quân" hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do hạn, mặn và dịch COVID-19. Trong đó, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Biển Báu Angkor-Nha Trang đã hỗ trợ 30 bồn chứa nước và 2 tấn gạo.

Ông Dương Sà Kha, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, đây là hoạt động ý nghĩa, phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, nhất là trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh và hạn hán, mặn xâm nhập ngày càng gay gắt. Đặc biệt mới đây, tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp do hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh và Công điện tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19. 

Ông Dương Sà Kha cho biết thêm, đối với phòng, chống dịch COVID-19, đến ngày 17/4 tỉnh đã nhận được số tiền ủng hộ gần 2,2 tỉ đồng và 33 tấn gạo, nhu yếu phẩm để hỗ trợ nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh cũng đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Sóc Trăng hỗ trợ hơn 4.000 người bán vé số lẻ trong tỉnh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với số tiền gần 4 tỉ đồng.

Ngoài ra, thời gian qua nhiều tổ chức, đoàn thể, đoàn viên, thanh niên, các cá nhân đã chung tay cùng chính quyền địa phương giúp đồng bào nghèo vượt qua khó khăn do dịch bệnh và hạn mặn như: Tặng bồn chứa nước, chở nước miễn phí hỗ trợ bà con vùng hạn, mặn, phát cơm miễn phí cho người nghèo, may và phát khẩu trang phòng, chống dịch bệnh… 

Chú thích ảnh
Người dân chấp hành đúng quy định giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại cây ATM gạo miễn phí thị trấn Lương Sơn. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

* Cây ATM gạo miễn phí đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đặt tại Trung tâm Văn hóa huyện Lương Sơn do UBND huyện Lương Sơn (Hòa Bình) phối hợp với Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Hà Nội) tổ chức, lắp đặt ngày 16/4, với khoảng 30 tấn gạo sẽ giúp người nghèo, người đang thiếu lương thực trên địa bàn vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 thời gian tới.

Theo đơn vị tổ chức, cây ATM gạo miễn phí là hệ thống thiết bị hoạt động bán tự động, một lần nhấn nút, mỗi người được nhận 3 kg gạo miễn phí. Toàn bộ người dân đang gặp khó khăn trên địa bàn huyện Lương Sơn có thể đến nhận gạo miễn phí. 

Tại cây ATM gạo miễn phí, mọi người dân đều phải tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, giãn cách cự ly 2 m, rửa tay bằng nước sát khuẩn, đo thân nhiệt và được lập danh sách ghi rõ họ tên, địa chỉ. Theo kế hoạch, cây ATM gạo miễn phí sẽ hoạt động trong thời gian từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều, các ngày từ 16-30/4.

Ghi nhận tại cây ATM gạo miễn phí, tình hình trật tự, an toàn được đảm bảo. Thời gian tới, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà mong muốn mở thêm một cây ATM gạo miễn khí khác tại tỉnh Hòa Bình. Cũng trong đợt này, 11 tổ chức, cá nhân, đơn vị quân đội đóng trên địa bàn trực tiếp đến ủng hộ tiền, gạo để góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân.

Chú thích ảnh
Người có hoàn cảnh khó khăn và người bán vé số do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nhận gạo miễn phí tại Hội Chữ thập đỏ thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

* Ngày 17/4, Hội Chữ thập đỏ thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã đưa vào sử dụng cây ATM gạo miễn phí nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Máy ATM gạo miễn phí này do các anh: Huỳnh Văn Hùng (Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Bạc Liêu), Huỳnh Hồng Phi (giáo viên trường Trung học cơ sở Ninh Bình), Trần Anh Huy (Điện tử Anh Huy, thành phố Bạc Liêu) tự bỏ tiền và vận động bạn bè, nhà tài trợ để lắp đặt, đưa vào sử dụng.

Theo Hội Chữ thập đỏ thành phố Bạc Liêu, cây ATM gạo sẽ phục vụ 250 – 300 suất/ngày, mỗi suất 2kg gạo. Người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ đến nhận gạo trong khoảng thời gian từ 8-11 giờ và từ 13-14 giờ.

Chú thích ảnh
Người có hoàn cảnh khó khăn và người bán vé số do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nhận gạo miễn phí tại Hội Chữ thập đỏ thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Hội Chữ thập đỏ thành phố Bạc Liêu cho biết, trong thời gian tới, nếu điều kiện thuận lợi, đơn vị sẽ phối hợp với các nhà tài trợ mở thêm một số cây ATM gạo miễn phí khác trên địa bàn tỉnh.

Tính đến ngày 17/4, Hội Chữ thập đỏ thành phố Bạc Liêu đã nhận được gần 4 tấn gạo từ các nhà hảo tâm, cán bộ và người dân trong, ngoài tỉnh ủng hộ. Hội sẽ phát cho đến khi hết gạo.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội tạm ngừng hoạt động sau sự cố chen lấn, xô đẩy
Cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội tạm ngừng hoạt động sau sự cố chen lấn, xô đẩy

Đại diện ban tổ chức khẳng định, sẽ ngừng hoạt động cây ATM gạo tại Nhà văn hoá - thể thao phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho đến hết ngày 15/4 để tìm ra phương án khắc phục sự cố người dân chen lấn, xô đẩy, không đảm bảo giãn cách xã hội, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN