Số người nghiện ma túy được đưa vào cai nghiện tập trung tại TP Hồ Chí Minh đang ngày càng giảm, số sau cai được trở về cộng đồng ngày càng tăng. Tại địa phương có rất ít người nghiện tự nguyện đi đăng kí đi cai nghiện… Những điều này, đang tạo ra nhiều áp lực cho xã hội trong việc giữ gìn an ninh trật tự vì tình hình trộm cắp, cướp giật gia tăng.
Số người nghiện tăng
Theo thống kê của ngành Lao động thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh (LĐ TBXH TP), trên địa bàn có 12 trung tâm chữa bệnh và giáo dục - lao động xã hội và 3 cơ sở cai nghiện tư nhân. Tổng số học viên đang được quản lý, cai nghiện ở các trung tâm này là khoảng 7.800 người. Tuy nhiên, con số này đang ngày càng giảm đi.
Ông Đỗ Thế Minh, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐTBXH TP cho biết: Bộ Lao động - thương binh và xã hội có ban hành biểu mẫu để thực hiện Nghị định 221 về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay biểu mẫu thực hiện nghị định 111 về giáo dục tại phường, xã, thị trấn lại chưa có. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, TP sẽ không có đối tượng nào được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thêm vào đó còn có khoảng 4.000 người sau cai sẽ trở về địa phương, điều này đồng nghĩa với việc số người tái nghiện ngoài cộng đồng cũng sẽ tăng.
Trước đây, nếu phát hiện người sử dụng chất ma túy, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản, bắt họ ký cam kết không tái phạm. Nếu phát hiện họ sử dụng chất ma túy lần thứ 2, chủ tịch UBND quận huyện sẽ kí quyết định cho những đối tượng này đi cai nghiện bắt buộc. Hiện nay, theo quy định mới (Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) thẩm quyền ra quyết định cho người nghiện đi cai nghiện bắt buộc lại do ngành tòa án nhân dân các cấp. Vì vậy thời gian để lập hồ sơ, mở phiên tòa xét xử đưa những đối tượng đi cai nghiện khá lâu, càng khiến các cơ quan chức năng khó quản lý những đối tượng nghiện.
Đại diện phòng LĐTB-XH huyện Củ Chi cho biết: Từ khi áp dụng quy định mới, trách nhiệm đưa người đi cai nghiện tập trung lại do ngành tòa án quận, huyện thực hiện. Tuy nhiên, hiện ngành tòa án vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để địa phương thực hiện quy trình đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện tập trung. Mặc dù, địa phương đã làm tất cả các thủ tục văn bản chuyển sang tòa án huyện.
Với chủ trương chung là giúp người nghiện ma túy được điều trị, hỗ trợ các dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng theo phương thức tự nguyện, các cơ quan chức năng đã vận động tuyên truyền những đối tượng nghiện đi đăng kí cai nghiện tự nguyên. Tuy nhiên, “đặc quyền” này cũng bị các đối tượng nghiện “chối bỏ”, bởi theo thống kê của chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP trong 3 năm qua, vẫn chưa có đối tượng nghiện nào tự nguyện đến đăng ký tình trạng nghiện tại các cơ quan quản lý để được tư vấn hỗ trợ cai nghiện. Nếu có đăng ký, họ cũng chỉ đăng ký tại những cơ sở tư nhân hoặc nơi nào đó mà họ không phải khai báo thông tin cụ thể, chi tiết….
Khó cai tự nguyện
Để giúp có thêm cơ sở để cai nghiện tự nguyện, nhằm hỗ trợ các đối tượng nghiện tại cộng đồng, đồng thời cũng để kéo giảm tỉ lệ tái nghiện, Sở LĐ TBXH TP đã thành lập trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thí điểm mô hình này, công tác cai nghiện tự nguyện vẫn gặp vô vàn khó khăn khi số người cai nghiện thành công chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Việc hỗ trợ các dịch vụ để cai nghiện ma túy tại cộng đồng cần sự phối hợp của người nghiện mới thành công. (ảnh chụp tại Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy tại TP Hồ Chí Minh) |
Ông Đỗ Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy cho biết: Từ khi tiếp nhận các đối tượng cai nghiện, trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đa số người nghiện chưa tự nguyện đi cai, mà họ đến đây chủ yếu do áp lực của gia đình. Cho nên trong quá trình cắt cơn giải độc, điều trị... họ có những biểu hiện gây khó dễ cho trung tâm như: quậy phá, la hét, đưa ra nhiều đòi hỏi, yêu cầu bất hợp lí… để chúng tôi kết thúc hợp đồng sớm. Ví dụ, theo quy định, khi vào trung tâm người cai sẽ phải mất 10-15 ngày điều trị cắt cơn, nhưng đến ngày thứ 6-7 họ không chịu được cơn thèm ma túy nên đã bày ra trò quậy phá để được ra ngoài.
Thống kê sau gần một năm thí điểm mô hình cai nghiện tự nguyện tại trung tâm, trong tổng số 134 lượt bệnh nhân tham gia thì có 100 lượt tự ý bỏ dở chương trình điều trị, chiếm 75%. Sau 15 tháng khai trương dịch vụ, trung tâm tiếp nhận 172 người đến cai nghiện. Không hiếm bệnh nhân ra - vào trung tâm như “cơm bữa” từ 2-4 lần.
Sử dụng ma túy gần 18 năm nay, sau khi tìm hiểu về trung tâm cai nghiện tự nguyện anh T ngụ ở quận 5 đã quyết định đến đây cai nghiện. Tuy nhiên, theo anh T để cai thành công rất khó nếu bản thân người nghiện không quyết tâm. Anh T tâm sự: Sau thời gian dài nghiện ngập, nếm đủ mọi khổ cực, vất vả kiếm tiền mua ma túy, đến giờ tôi cảm thấy rất chán nản. Thời gian tôi nghiện ma túy đã làm sức khỏe tôi giảm sút rất nhiều, lại còn làm khổ gia đình nên lần nay tôi quyết tâm đi cai nghiện, hy vọng mình sẽ cai thành công. Ở đây được 3 tháng, tôi thấy các dịch vụ khá tốt để mình yên tâm cai nghiện, dù vậy nhiều người chỉ vào cai được vài bữa lại xin ra, tốn không biết bao nhiêu tiền bạc của gia đình, lại không thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy.
Trộm cắp, cướp giật tăng
Số người sau cai về cộng đồng tăng, số người nghiện ma túy tại cộng đồng cũng khó quản lý, số người đưa đi cai nghiện tập trung giảm, số người cai nghiện tự nguyện không thành công khá ít... Những điều này đang dồn áp lực lên việc giữ gìn an ninh trật tự ở các quận, huyện trên địa bàn TP. Thực tế, vừa qua có rất nhiều đối tượng nghiện về địa phương vì không có công việc làm ổn định, nên các đối tượng này đã phải đi ăn cắp, ăn trộm để có tiền sử dụng lại ma túy. Theo thống kê của công an quận 8, có khoảng 70% số vụ án xâm phạm tài sản gần đây trên địa bàn là do những đối tượng nghiện ma túy gây ra.
Theo ông Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây, các băng nhóm, đường giây tội phạm ma túy hình thành nhanh, tổ chức mạng lưới linh hoạt chặt chẽ, cùng lúc buôn bán nhiều loại ma túy, chứ không đơn thuần chuyên mua bán heroin như trước. Hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy, nhất là ma túy tổng hợp vào Thành phố để tiêu thụ hoặc lợi dụng địa bàn Thành phố để trung chuyển đi các địa phương khác hay ra nước ngoài ngày càng tăng.
“Mặc dù đã có gắng nổ lực để đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy, nhưng hiện công tác này vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do có nhiều đối tượng được đặc xá, tha tù về, các đối tượng hồi gia chưa có việc làm ổn định, tiếp tục tái phạm, tái nghiện…. Số đối tượng trốn trường, trốn trại và nhất là số đối tượng có tiền án, tiền sự từ các tỉnh, thành phố khác theo dòng nhập cư đến Thành phố ẩn nấp, lén lút hoạt động cũng gia tăng.… Vì vậy, công cuộc đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này đòi hỏi phải quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, và toàn diện hơn. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành có liên quan như công an, tòa án, lao động xã hội….. ”- Ông Anh Minh cho biết thêm.
Trong 5 năm gần đây, thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 8.000 vụ mua, bán vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy, đã xử lý hơn 16 ngàn đối tượng (tăng gần 20% so với 5 năm trước đó). Trong đó, số lượng ma túy tổng hợp thu giữ hơn 142kg (tăng 22 lần), heroin thu giữ 123kg, tăng 2,5 lần… Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng đa dạng, tinh vi, chuyên nghiệp với việc thường xuyên thay đổi chỗ ở, nơi cất dấu ma túy, không giao nhận, tiền hàng cùng một lúc, thanh toán tiền thông qua tài khoản tại các ngân hàng… nhằm tránh sự theo dõi và phát hiện của các cơ quan chức năng.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết