Nhiều khó khăn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1/1/2025, các gia đình và cá nhân tại TP Hồ Chí Minh buộc phải phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn thành 3 loại: rác tái chế, rác thực phẩm và rác thải khác; không thực hiện sẽ bị phạt từ 500.000  đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, đã gần hết 2 tháng nhưng việc thực hiện phân loại rác chưa thể đi vào quỹ đạo do gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Một xe thu gom rác trên đường Lê Duẩn (Quận 1) có nhiều ngăn nối liền để đựng từng loại rác khác nhau, nhưng người dân vẫn không thực hiện phân loại sẵn. 

Ý thức người dân chưa cao, tuyên truyền chưa hiệu quả

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, các địa phương vẫn chưa triển khai quy định về phân loại rác tại nguồn. Quanh các khu dân cư, không khó để bắt gặp hình ảnh những thùng rác lẫn lộn nhiều loại rác thải, hoặc các túi rác lớn đựng đủ loại rác sinh hoạt được các hộ gia đình bỏ ngoài cổng nhà để chờ phương tiện đến thu gom. Việc thiếu hướng dẫn cụ thể về cách phân loại rác khiến nhiều người dân còn bỡ ngỡ, thậm chí, một số người còn chưa nghe đến quy định này.

Bà Huỳnh Thị Hồng Hà (Quận 3) cho biết, tại cuộc họp tổ dân phố, họp chi bộ ở địa phương, bà và nhiều người dân khác đều không nhận được thông báo về quy cách, phương thức phân loại rác tại nguồn, việc này đã trở thành quy định bắt buộc trong luật. Trong khi đó, chính các đơn vị thu gom rác không nhắc nhở hay tuyên truyền cho người dân về việc phân loại rác. Công tác thu gom rác vẫn diễn ra như cũ, gom chung các loại chất thải vào một túi rồi đưa lên xe vận chuyển đến điểm tập kết rác.

Chú thích ảnh
Trên khu vực đường Cao Thắng (Quận 3), không khó để bắt gặp hình ảnh các loại rác sinh hoạt chưa phân loại bên vệ đường chờ thu gom.

Ngoài ra cũng có người dân cảm thấy việc phân loại rác không khả thi do ý thức từ chính người dân chưa cao. Chị Hoàng Kim Hương (Quận 8) cho biết, cách đây vài năm, khu phố nơi chị sống có tuyên truyền đến người dân việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, chị nhận thấy việc thực hiện đến nay không hiệu quả do trong khu phố người làm, người không.

“Trước giờ, gia đình tôi đều phân loại riêng những loại rác có thể tái chế và bán ve chai; rác thải còn lại cho vào một thùng để đơn vị thu gom đến lấy. Tôi biết nhiều hộ trong khu phố rất ngại làm việc này và thường gom chung hết các loại rác vào một bao lớn để đem vứt cho tiện. Chính quyền địa phương không có hướng dẫn cụ thể cũng như chưa có biện pháp, chế tài thì rất khó thực hiện phân loại rác; vì ý thức của một bộ phận người dân nhìn chung chưa cao”, chị Hương chia sẻ.

Một công nhân vệ sinh môi trường làm việc tại khu vực Phường 12 (Quận 10) cho biết, theo Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT, 19/12/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, từ ngày 3/2/2025, đơn vị thu gom rác thải có thể từ chối tiếp nhận rác thải sinh hoạt nếu người dân không phân loại, không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Do hầu hết các hộ gia đình tại địa phương đều không thực hiện phân loại nên nếu đơn vị thu gom từ chối tiếp nhận sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, ô nhiễm môi trường. Do đó trên thực tế, các đơn vị vẫn tiếp nhận số lượng lớn rác chưa phân loại hằng ngày. Việc thực hiện xử phạt hành chính theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, ngày 7/7/2022 của Chính phủ về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" chưa được các cấp có trách nhiệm triển khai. Vì vậy, một số bộ phận người dân dù biết đến quy định nhưng vẫn không thực hiện.

Cần hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng

Chú thích ảnh
Việc thu gom rác tại các khu phố trong tuyến hẻm, đường nhỏ hiện vẫn dựa vào lực lượng thu gom rác dân lập với phương tiện thu gom thô sơ, không có ngăn phân loại rác. 

Bên cạnh ý thức của người dân, một khó khăn khác trong phân loại rác đó là: Hạ tầng thu gom, xử lý rác thải của Thành phố Hồ Chí Minh chưa đồng bộ, thiếu phương tiện chuyên dụng. Rác thải sau khi được người dân phân loại vẫn bị trộn lẫn trong quá trình thu gom, vận chuyển.

Chị Hà Huỳnh Hồng Thu (quận Tân Bình) cho biết, khi biết có quy định về phân loại rác, người dân trong khu dân cư nơi chị sinh sống rất hào hứng thực hiện đúng theo quy định, chia rác thành 3 loại trong 3 túi khác nhau. Tuy nhiên khi công nhân đến thu gom lại dồn hết tất cả túi rác lên một xe không chia ngăn để chuyển đi. Điều này khiến chị và hàng xóm đều hụt hẫng. Việc phân loại rác sau đó dần bị quên lãng do người dân cảm thấy không hiệu quả.

Tại những công viên lớn của Thành phố Hồ Chí Minh như: 23 Tháng 9, 30 Tháng 4, Tao Đàn..., phần lớn thùng rác chỉ có một ngăn chung để chứa tất cả rác, từ lá cây, ly nhựa, túi giấy cho đến thức ăn thừa. Ở nhiều khu vực công cộng khác như trung tâm mua sắm, khu vui chơi, địa điểm kinh doanh ăn uống cũng có tình trạng chỉ đặt thùng rác không chia ngăn và các phương tiện thu gom hầu hết cũng là những xe rác một ngăn, không có chức năng phân loại. Mặt khác, dù một số tuyến đường có bố trí thùng rác phân loại nhưng người dân vẫn “tiện đâu vứt đó”. Các loại rác thải vẫn được bỏ chung bất kể thùng rác có phân chia ngăn hay không.

Chú thích ảnh
Cả thùng rác lẫn xe thu gom rác tại Công viên 30 Tháng 4 (Quận 1) đều chỉ có một ngăn chung, không có chức năng phân loại.

Hiện nay, nhiều khu đô thị lớn như: Vinhomes, Hà Đô Centrosa đã bố trí thùng rác phân loại có dán nhãn hữu cơ, tái chế và nguy hại để người dân tập thói quen phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tòa chung cư sử dụng hệ thống ống xả rác tập trung về một phòng chứa ở tầng hầm. Điều này khiến việc cư dân phân loại rác tại căn hộ không thực sự hiệu quả. Đặc biệt, thói quen đổ rác không cố định giờ giấc của cư dân và thiếu người giám sát khiến việc kiểm tra, bảo đảm thực hiện quy định phân loại trở nên khó khăn.

Ông Nguyễn Trọng Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ GRAC (đơn vị hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phát triển phần mềm GRAC thực hiện chuyển đổi số trong quản lý rác thải) cho biết, vấn đề phân loại rác vẫn đang là bài toán khó cho một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do hạ tầng thu gom và xử lý rác thải tại các khu tập trung đông dân cư chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số. Nhiều nơi, đặc biệt là các khu dân cư nhỏ hẹp trong hẻm vẫn phải dựa vào lực lượng thu gom rác dân lập với phương tiện thô sơ, không có ngăn phân loại.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất như: Thùng rác công cộng phân loại còn hạn chế và không được đồng bộ khiến việc phân loại tại nguồn chưa đạt hiệu quả. Hầu hết các địa phương chưa có đủ tiềm lực để thực hiện đồng bộ giải pháp phân loại rác thải.

Theo ông Nguyễn Trọng Minh, một nguyên nhân khác khiến việc phân loại rác chưa thành công là Thành phố đang thiếu các dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại. Việc xử lý rác vẫn đang chủ yếu dựa vào phương pháp chôn lấp với tỷ lệ 67%, còn lại 35% được xử lý bằng công nghệ đốt, sản xuất phân compost (hữu cơ), tái chế. Như vậy, dù người dân có thực hiện phân loại rác thì vẫn có khả năng lượng rác đó không được tái chế mà chôn chung với các loại rác khác.

Thành phố phải đưa ra lộ trình hợp lý, linh hoạt, phù hợp đặc thù từng khu vực. Đồng thời, xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách phân loại từng nhóm rác, giải thích rõ khái niệm và đặc điểm của mỗi loại để dễ hiểu hơn với đa số người dân; trang bị đầy đủ phương tiện vận chuyển chuyên dụng nhằm kiểm soát tốt khâu thu gom và xử lý, tránh để lẫn lộn các loại chất thải.

Chú thích ảnh
Thức ăn thừa và ly nhựa của khách hàng được bỏ chung vào thùng rác 1 ngăn tại 1 cửa hàng cafe.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở đã phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, sở, ngành để xây dựng Dự thảo Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hiện nay, Dự thảo Đề án vẫn đang trình xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành Ủy để triển khai. Năm 2025, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ rà soát khối lượng chất thải thực phẩm phát sinh tại địa phương và thực hiện phân loại làm 3 nhóm ở một số đối tượng phát sinh khối lượng lớn chất thải thực phẩm, từng bước đánh giá hiệu quả thực hiện để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng cho các nhóm đối tượng còn lại.

Để giải quyết bài toán phân loại rác tại nguồn, Thành phố Hồ Chí Minh cần một giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng từ việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, cung cấp kiến thức và hướng dẫn cụ thể cho người dân đến việc hoàn thiện quy trình thu gom, xử lý rác. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Bài và ảnh: Hồng Giang (TTXVN)
Học sinh lớp 11 sáng tạo mô hình tự động phân loại rác thải dùng năng lượng mặt trời
Học sinh lớp 11 sáng tạo mô hình tự động phân loại rác thải dùng năng lượng mặt trời

Mô hình phân loại rác thải sử dụng năng lượng điện mặt trời của hai học sinh Huỳnh Nguyễn Lê Anh Thư và Nguyễn Đức Anh (lớp 11 Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), là một trong 10 dự án giành giải nhất cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2024 – 2025, để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN