Năm 2019, Hà Nội có hàng nghìn người tham gia xuất khẩu lao động tại các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Trung Quốc, Malaysia…; trong đó, các huyện: Thạch Thất, Đông Anh, Đan Phượng, Ứng Hòa là những địa phương đứng đầu danh sách về số người tham gia xuất khẩu lao động. Nhìn chung, lao động của thành phố đi xuất khẩu lao động đều có tay nghề và thu nhập khá. Để số lao động tại nước ngoài thực hiện nghiêm các quy định, không trốn ở lại nước sở tại, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp hiệu quả.
Huyện Thạch Thất là địa phương có số người đi xuất khẩu lao động đứng đầu thành phố Hà Nội nhiều năm nay. Hiện, huyện có khoảng 1.400 lao động làm việc tại nước ngoài. Theo ông Vũ Minh Hải - Chủ tịch UBND xã Hương Ngải (Thạch Thất), tại địa phương đã hình thành dòng họ đi lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản từ những năm 2000. Nhờ thu nhập từ xuất khẩu lao động, kinh tế gia đình ở xã Hương Ngải thuộc diện khá so với các địa phương khác trong huyện.
Tuy nhiên, một số người dân Hương Ngải sau khi đi lao động nước ngoài đã tìm cách ở lại nước sở tại để lao động bất hợp pháp. Theo thống kê, hiện xã có 10 người đi lao động nước ngoài đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước. Chính quyền đang đẩy mạnh vận động để gia đình có con, em đang quá hạn hợp đồng lao động tại nước ngoài về nước đúng thời hạn. "Sau khi cử các đoàn thể đến vận động, nhiều gia đình đã cam kết đưa con em đang lao động bất hợp pháp về nước dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020", ông Vũ Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Hương Ngải thông tin.
Huyện Thạch Thất đã từng bị liệt vào danh sách các địa phương bị cấm đưa người lao động sang Hàn Quốc đầu năm 2019. Trước thực trạng này, huyện Thạch Thất đã vận động, tuyên truyền các gia đình có con em lao động bất hợp pháp về nước; tổ chức cho các gia đình có con em đang lao động ở nước ngoài ký cam kết về nước đúng thời hạn.
Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, giải pháp hữu hiệu mà địa phương đang thực hiện là niêm yết công khai danh sách lao động bất hợp pháp, nhất là tại Hàn Quốc ở trụ sở UBND các xã, nhà văn hóa thôn để người dân cùng theo dõi và phê phán hành vi lao động bất hợp pháp. Nhờ cách làm này, có 5 lao động của huyện Thạch Thất cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài đã trở về. Đến nay, huyện không còn nằm trong danh sách do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố. "Cánh cửa" xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc lại mở ra đối với người dân huyện này.
Lãnh đạo huyện Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, việc xuất khẩu lao động đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho một số hộ dân. Mặt khác, xuất khẩu lao động còn là cơ hội để lao động nông thôn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Đông Anh cũng thừa nhận, rất khó để kiểm soát được số lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng không về nước theo quy định. Vì thực tế, có nhiều người ký trực tiếp hợp đồng lao động với các công ty môi giới, sau khi hết thời hạn hai bên chủ động gia hạn nên chính quyền không thể kiểm soát. Biện pháp hiện nay huyện Đông Anh đang làm là tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh chính sách pháp luật của Nhà nước về xuất khẩu lao động để các gia đình có con, em đang và sẽ đi xuất khẩu lao động nắm và thực hiện đúng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả trong việc tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn, song ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất cũng thừa nhận, bên cạnh những lao động đi xuất khẩu theo diện chính ngạch dễ quản lý, cũng có nhiều lao động đi "chui", ở lại nước sở tại trái phép, rất khó kiểm soát với chính quyền địa phương.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, người lao động trái phép ở nước ngoài có thể bị chủ lao động ngược đãi không trả lương hoặc trả lương thấp; có thể bị lừa bán và lạm dụng tình dục, sử dụng và mắc các tệ nạn xã hội; nguy cơ bị mất tích và thiệt mạng ở xứ người... Đáng ngại nhất là lao động trái phép làm xấu hình ảnh lao động của Việt Nam tại nước ngoài, gây ảnh hưởng không tốt tới tình hình xuất khẩu lao động của nước ta với các nước đối tác; gây khó khăn cho công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, để hạn chế số lao động trái phép tại nước ngoài, vai trò của chính quyền địa phương trong tuyên truyền vận động lao động về nước là rất quan trọng.
Điều 35 Nghị định 95/2013 của Chính phủ quy định, nếu người lao động ở lại trái phép sau khi hết hạn hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng sẽ bị phạt từ 80 - 100 triệu đồng và không được lao động tại nước ngoài 2 năm. Hành vi tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 349 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, việc xử phạt như vậy vẫn chưa đủ răn đe đối với những lao động trái phép. Hơn nữa, việc thực hiện xử phạt cũng gặp không ít khó khăn vì số lao động trái phép thường tìm cách trốn tránh hay đang cư trú ở nước ngoài.