Cà Mau:
Trước nguy cơ vỡ đê biển Tây trong mùa mưa bão năm nay, tỉnh Cà Mau ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp bằng giải pháp công nghệ xây dựng kè ngầm tạo bãi trồng cây rừng lấn biển ở một số đoạn đê bị sạt lở nghiêm trọng, tuy vậy hàng trăm hộ dân vẫn luôn thấp thỏm lo âu mỗi khi nước biển dâng cao.
Ông Đỗ Thanh Dân, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh cho biết: Trong nhiều năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao kéo theo những cơn sóng có cường độ rất mạnh va đập liên tục làm cho đê biển Tây bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, khiến tính mạng hàng trăm người tạm trú ven tuyến đê chạy qua địa phận xã Khánh Tiến, huyện U Minh bị đe dọa hàng ngày. Sạt lở nghiêm trọng nhất là đoạn đê từ Lung Rạch đến cửa biển Hương Mai thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh với chiều dài 2,2 km làm mất gần hết rừng phòng hộ và ngày càng xâm thực sâu vào bên trong thân đê, nguy cơ gây vỡ đê bất cứ lúc nào.
Để giải quyết vấn đề này, trước mắt tỉnh Cà Mau triển khai xây dựng một số công trình để chống sạt lở đê biển Tây. Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết: Tỉnh Cà Mau hiện còn hàng ngàn mét đê biển Tây trong tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Khó khăn lớn nhất của tỉnh là thiếu kinh phí triển khai xây dựng các công trình chống sạt lở đê biển.
Năm 2011, Trung ương đầu tư kinh phí xây dựng thí điểm 300 mét kè ngầm bằng cột ly tâm, đóng hai hàng cột song song cắm sâu xuống lòng đất từ 5 - 7 m. Công nghệ này tuy chi phí cao, từ 30-40 triệu đồng/mét nhưng chịu được lực chắn sóng ngăn sạt lở, có tuổi thọ cao so với kè rọ đá và phục hồi đất rừng phòng hộ ven biển.
Công trình xây dựng thí điểm kè ngầm đê tạo bãi trồng rừng đã mang lại tính khả thi cao trong việc ngăn chặn sạt lở đê biển Tây nhưng địa phương lại thiếu vốn đầu tư. Tỉnh Cà Mau mong muốn được Chính phủ hỗ trợ đầu tư để giải quyết tình trạng sạt lở gây nạn vỡ đê biển, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
TP. Hồ Chí Minh:
Phải ngăn ngừa từ xa việc người dân lấn chiếm, xây dựng ven kênh rạch, đồng thời các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp trong việc giải quyết tình trạng sạt lở để tạo cảnh quan sông nước, đảm bảo tính mạng tài sản của người dân. Đây là một trong những yêu cầu mà lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đặt ra đối với các quận, huyện và các sở, ngành liên quan đến công tác phòng chống sạt lở trong đợt kiểm tra thực tế ngày 24/9 tại địa bàn các quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và Nhà Bè.
Bờ kè kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh là một trong những công trình thi công chống sạt lở có quy mô lớn, vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở nhưng công tác thi công hiện đang chậm tiến độ. Trong 4 vị trí thi công bờ kè, hiện mới chỉ có vị trí 1.1 là đã hoàn thành, 3 vị trí còn lại đều chưa thể hoàn thành do vướng giải tỏa mặt bằng và thiếu vốn.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, tại vị trí 1.3 có thể xong dứt điểm trong tháng 10/2011, nhưng toàn bộ công trình này phải mất thời gian khoảng 9 tháng nữa mới hoàn thành, kéo dài tới mùa mưa năm sau. Trong khi đó, theo UBND quận Bình Thạnh, hiện trên địa bàn quận có hơn 2.000 hộ dân sinh sống ven các bờ kênh, rạch có nguy cơ sạt lở nhưng chưa giải tỏa, tập trung tại các điểm công trình 1.2 (dài 680m), 1.3 (dài 705m) và 1.4 (350m) thuộc dự án bờ kè kênh Thanh Đa.
Tại ví trí sạt lở thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh mặc dù vụ sạt lở nuốt 7 căn nhà đã xảy ra cách đây hơn 3 tháng nhưng đến nay vẫn chưa thể di dời hết các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Tươi, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: Tại khu vực xã Bình Hưng có 16 căn nhà nằm trong vùng sạt lở cao, có 7 căn nhà đã sập còn lại 9 căn nhưng mới vận động được 5 hộ di dời do hầu hết các hộ dân ở đây đều có nhà đất mua bán bằng giấy viết tay.
Tương tự, tại khu vực xã Nhơn Đức, vị trí sạt lở làm 1 người chết cuối tháng 8 vừa qua, tuy đã được cắm biển cảnh báo, nhiều hộ dân đã tiến hành di dời nhưng tình hình sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, sau khi xảy ra vụ sạt lở làm chết người, huyện đã di dời tổng cộng 19 hộ dân thuộc xã Nhơn Đức ra khỏi khu vực nguy hiểm và hỗ trợ để các hộ này có nhà trọ ở tạm, về lâu dài sẽ xem xét cụ thể từng hộ để tiến hành tái định cư hoặc hỗ trợ cho mua nhà.
Sắp tới huyện sẽ tiến hành di dời 80 hộ dân tại khu vực này để thực hiện dự án làm bờ kè bờ kênh Rạch Tôm dài khoảng 600m, nhằm tạo thủy giới an toàn 30m, tạo cảnh quan bên bờ kênh. Hiện nay, toàn huyện Nhà Bè đang còn hơn 400 hộ dân nằm bên trong thủy giới an toàn cần được di dời.
Theo Sở giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn toàn thành phố có 50 vị trí ven sông, rạch có nguy cơ sạt lở cao. Tại các vị trí này, ngành giao thông đã thực hiện cắm biển báo sạt lở và thường cuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở để cảnh báo cho nhân dân. Về lâu dài, ngành giao thông đã phê duyệt 8 dự án cấp bách chống sạt lởn bờ sông, vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện UBND thành phố mới chỉ bố trí vốn cho 3/8 dự án khiến công tác thực hiện thi công các dự án gặp khó khăn.
Kết luận tại buổi kiểm tra thực tế, ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành điều chỉnh thực địa tại các khu vực sạt lở để có những biện pháp xử lý thỏa đáng nhất, giải quyết dứt điểm nguy cơ sạt lở gây thiệt hại tài sản cũng như tính mạng của người dân. Đồng thời, cần phải có một cuộc họp chung giữa tất cả các địa phương để tạo được một chuẩn chung, quy hoạch đồng bộ chứ không để tình trạng mỗi nơi, mỗi kiểu. Đây là những công trình ưu tiên, mang tính cấp bách nên phải triển khai nhanh, dứt điểm không để tình trạng công trình làm mãi không xong, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, tạo cảnh quan hai bên bờ kênh.
TTN