Nhiều địa phương không phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi mới

Tính đến ngày 20/8, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có 146/174 xã, phường qua 30 ngày và 14 xã, phường qua 20 ngày không phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi mới và 18 xã, phường tái phát dịch trở lại sau 30 ngày.

Chú thích ảnh
Sử dụng vôi bột tại ổ dịch, vùng dịch ngay sau khi di chuyển lợn bị bệnh đi tiêu hủy tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, dịch xảy ra tại gần 19.000 hộ, 1.222 thôn, 174  xã, phường thuộc 13 huyện, quận: Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Cát Hải, Dương Kinh, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Hồng Bàng và Lê Chân. Số lợn tiêu hủy hơn 180.000 con, chiếm 52,40% tổng đàn trước dịch.

Ông Bùi Văn Luyện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết, để tăng cường phòng chống dịch lây lan, các trạm, chốt kiểm dịch liên ngành ngành đầu mối giao thông thường trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra,  vào thành phố; thực hiện khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua trạm, chốt đúng quy định. 

Từ ngày 5/3/2019 đến ngày 19/8/2019, lực lượng chức năng kiểm soát được 613 xe; trong đó, 422 phương tiện vận chuyển lợn (35.647 con lợn); phát hiện 3 phương tiện vi phạm; triển khai lấy 22 mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, kết quả không phát mẫu dương tính; xử phạt vi phạm hành chính 21 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Cảnh sát môi trường, Công an thành phố, Đội cảnh sát giao thông số 02-PC08-Công an thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các huyện, quận An Lão, Tiên Lãng, Đồ Sơn, Dương Kinh phát hiện, bắt giữ, xử lý 5 xe vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc; lấy 34 mẫu xét nghiệm (trong đó có 2 mẫu gộp), kết quả 17/34 mẫu dương tính. Đoàn kiểm tra bàn giao Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các địa phương xử tiêu hủy 30 con lợn; xử phạt vi phạm hành chính 26 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các xã Tam Hưng, Hòa Bình, Trung Hà, Thủy Triều, Thiên Hương, Phù Ninh huyện Thủy Nguyên phát hiện và bắt giữ 7 xe vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch; xử lý tiêu hủy 62 con lợn, xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách 35,5 triệu đồng theo quy định.

Ông Bùi Văn Luyện cũng cho biết, đối với kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển ngoại tỉnh, lực lượng chức năng đã triển khai lấy 497 mẫu huyết thanh tại 13 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, trang trại, trung tâm tham gia chương trình giám sát xét nghiệm, kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi và thực hiện quy trình kiểm dịch vận chuyển theo quy định.

Tuy nhiên, tại Bạc Liêu, chỉ hơn 10 ngày sau, đến ngày 17/8, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra gần 150 hộ, với hơn 2.700 con mắc bệnh, ở 35 khóm ấp, của 4 xã, thị trấn gồm (xã Ninh Quới, Ninh Quới A, Ninh Hòa và thị trấn Ngan Dừa) của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Dù đã có kết quả dương tính và số lợn mắc bệnh chết đang tăng cấp số nhân, nhưng đến nay UBND huyện Hồng Dân vẫn chưa có báo cáo tình hình dịch bệnh và chưa có báo cáo số liệu lợn bệnh, chết tiêu hủy trên địa bàn.

Điều đáng nói hơn, do không báo cáo, công bố dịch, nên số lợn mắc bệnh chết vừa qua không được địa phương xử lý, tiêu hủy đúng theo quy định thú ý. Qua ghi nhận thực tế của phóng viên đã có nhiều xác lợn chết vứt ra sông rạch, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hồng Dân cho hay, địa phương đã ghi nhận kịp thời số lợn nghi vấn mắc bệnh từ đầu, khi đó chỉ là một vài hộ với số lượng rất ít. Khi phát hiện bệnh dịch, địa phương đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý tiêu hủy theo quy định của ngành thú y. Trong khi địa phương đang cho thống kê để báo cáo lên Ban chỉ đạo tỉnh, thì bất ngờ trong các ngày từ 14/8 trở  lại đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát dữ dội nên địa phương chưa kịp thống kê báo cáo bằng văn bản, công bố dịch theo quy định.

Còn việc phát hiện xác lợn chết trôi trên kênh rạch, lãnh đạo huyện này cho biết đang chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát lại chính xác có phải lợn chết trên địa bàn vứt ra sông rạch hay từ địa phương khác trôi đến, vì đây là tuyến kênh giao thoa của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.  

Trước tình hình này, ngày 14/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Bạc Liêu có công văn số 763/BCĐ-TY đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện Hồng Dân thực hiện một số giải pháp cấp bách: giám sát chặt chẽ dịch bệnh, nếu phát hiện lợn có triệu chứng mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ở vùng có dịch xử lý, tiêu hủy kịp thời, không cần lấy mẫu xét nghiệm.

Đối với xã, thị trấn chưa xảy ra dịch, nếu phát hiện lợn nghi vấn mắc bệnh dịch tả châu Phi thì lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, nếu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì xử lý, tổ chức tiêu hủy kịp thời, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng…

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật Bạc Liêu, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn ngày 31/5/2019. Tính đến ngày 16/8, dịch bệnh đã lây lan ra 1.000 hộ, ở gần 270 khóm ấp, thuộc 53 xã, phường, thị trấn của 7/7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bạc Liêu, tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 16.000 con, với trọng lượng hơn 1 triệu tấn.

Theo thống kê, đến thời điểm này, cả nước có 62 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi.

Nhóm phóng viên TTXVN
Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi còn nhiều khó khăn
Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi còn nhiều khó khăn

Ngày 19/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành liên quan về tình hình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN