Nhiều cầu yếu tại Lâm Đồng chưa được thay thế

Tỉnh Lâm Đồng có nhiều sông, suối nên số lượng cầu treo trên địa bàn khá nhiều. Điều đáng nói là phần lớn các cây cầu này đang xuống cấp nghiêm trọng.

“Hàng ngày vợ chồng chúng tôi phải đi trên cái cầu chênh vênh này để vào vườn làm rẫy, nhiều người bị rơi cả xe máy lẫn người xuống sông rồi, có người bi gãy tay, gãy chân… Cả làng biết không an toàn nhưng không có đường khác để đi”, đó là lời tâm sự của ông K’ Bồn – thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng về sự mất an toàn của những chiếc cầu, cầu gỗ treo trên địa bàn.

Người dân xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) hàng ngày vẫn phải đi qua cầu treo K’Giảo, dù chiếc cầu này đang xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Lâm Đồng có nhiều sông, suối nên số lượng cầu treo trên địa bàn khá nhiều. Điều đáng nói là phần lớn các cây cầu này đang xuống cấp nghiêm trọng. Sau những ngày mưa dầm chúng tôi trở lại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh - một trong những huyện có nhiều cây cầu treo xuống cấp đã lâu năm nhưng đến nay chưa được sửa chữa hoặc thay thế. Đứng bên bờ sông nhìn về dòng nước đỏ ngầu, chảy xiết như muốn nuốt chửng chiếc cầu gỗ Brụi K’Mé bé nhỏ, tạm bợ bắc qua suối Đạ Riàm. Theo người dân nơi đây cầu Brụi K’Mé được người dân xây dựng đã hơn 30 năm (khoảng năm 1982), chiều dài gần 60 mét, rộng 1,5 mét.

 

Ông K’ Bồn – thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh cho biết, người dân tự đi lấy gỗ trong rừng về làm cầu Brụi K’Mé này. Do làm bằng gỗ nên thường xuyên xuống cấp vì vậy hàng năm người dân phải cùng nhau lên rừng lấy gỗ về “gia cố” để cầu khỏi sập. Do cầu yếu nên người dân chỉ đi bộ hoặc đi xe máy để vận chuyển hàng nông sản, phân bón. Vào mùa thu hoạch cà phê, xe máy cày phải đi xuống suối. Tuy nhiên, vào mùa mưa nước suối dâng lên cao, muốn đi rẫy người dân phải đi đường khác xa hơn.

 

Chung số phận với cầu Brụi K’Mé là cầu Đà Nớ 1 nằm trên địa bàn thôn 5, xã Đinh Trang Hòa cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Qua khảo sát, đa số các cầu treo, cầu tạm được làm từ những cây gỗ, đường kính 20 - 30cm, nên tuổi thọ chỉ được hai năm. Những cây cầu gỗ lâu năm đã được “kéo dài sự sống” phải “gánh” hàng trăm lượt xe máy qua lại mỗi ngày. Dù biết vậy nhưng hàng trăm hộ dân tại các xã xung quanh vẫn phải qua sông trên các cây cầu tạm, dây neo thô sơ rất mất an toàn. Riêng xã Đinh Trang Hòa hiện có khoảng 6 cây cầu treo làm bằng gỗ. Đây là những cây cầu hình thành từ rất lâu, gắn liền với nhu cầu đi lại, sinh hoạt hàng ngày cũng như phục vụ sản xuất của người dân địa phương. Ông K’ Bích - ngụ tại thôn 6A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh chia sẻ: “Chúng tôi biết nguy hiểm nhưng nếu đi đường khác thì đường rất khó khăn và xa hơn nhiều lần. Rất mong Nhà nước quan tâm sớm sửa lại cây cầu này để người dân đi lại thuận lợi”.

 

Trong khi đó, các cây cầu treo ở xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc, thôn K’Giảo xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm… đều ghi dòng chữ “chú ý, cầu hỏng, hạn chế qua lại” hay “cầu hỏng, cấm lưu thông”. Các trụ cầu cũng được làm bằng gỗ, xiêu vẹo, không có thành chắn bảo vệ hai bên. Mặt cầu được làm bằng gỗ, ván gồ ghề nay đã mục nát, nhiều chỗ xuất hiện lỗ hổng rất nguy hiểm cho người qua lại.

Cầu treo Đankia (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) bị nghiêng và mục nát ván gỗ phải đặt biển cấm lưu thông. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Ông Nguyễn Duy Hùng - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trước thực trạng đáng báo động, và mối nguy hiểm rình rập từ những chiếc cầu yếu trên địa bàn, chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị với UBND huyện, các cấp sớm có phương án, bố trí nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho bà con yên tâm phát triển sản xuất và đảm bảo an toàn giao thông.

 

Trước thực trạng trên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng đã có kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh thực hiện đầu tư thay thế các cầu treo. Và trong những năm qua, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam đầu tư 15 cầu treo mới, 100 cầu dân sinh khác. Thời gian tới Sở Giao thông Vận tải tiếp tục chủ động phối hợp với cấp để sớm triển khai dự án đầu tư các cầu dân sinh khác bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), từng bước kiên cố hóa các cầu dân sinh, nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

 

Trong khi chờ vốn để triển khai thi công thì người dân vẫn phải qua sống trên những chiếc cầu không an toàn và chưa biết đến khi nào mới hết lo lắng.

 

Đặng Tuấn (TTXVN)
Đưa dự án xây 70 cầu yếu cán đích trước 3 năm
Đưa dự án xây 70 cầu yếu cán đích trước 3 năm

Dự án xây dựng 70 cầu yếu sẽ phải hoàn thành ngay trong năm 2015 thay vì đợi đến cuối năm 2018 như dự kiến. Đây là điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay đối với một dự án giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN