Nhiều bài học sau sự cố cháy cây xăng - Bài cuối

Bài cuối: Kinh nghiệm quản lý cây xăng ở các nước

 

Tất cả các nước đều quan tâm đến việc tổ chức mạng lưới bán lẻ xăng dầu để đảm bảo nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước, việc thực thi quy hoạch và đảm bảo an toàn ở mỗi nước lại khác nhau.



Bị phạt tù 6 tháng nếu hút thuốc gần cây xăng tại Mỹ


Do nhu cầu xăng dầu lớn nên số lượng các cây xăng ở Mỹ là 118.765 cây theo thống kê năm 2007. Số lượng cây xăng tập trung nhiều ở các thành phố lớn, mật độ dân cư cao, nên việc đảm bảo an toàn cháy nổ lại càng nghiêm ngặt.

 

Rất ít cây xăng ở Việt Nam đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Lê Phú

 

Dù có vị trí ngay trong thành phố nhưng các cây xăng phải có khuôn viên tách biệt với nhà dân và tuân thủ các quy định phòng cháy ngặt nghèo. Theo quy định, cây xăng phải có bồn chứa xăng ngầm, tiêu chuẩn bồn phải được Sở phòng cháy chữa cháy và môi trường thành phố cấp phép với những tiêu chí đặc biệt, nhất là khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Tại thành phố New York, những cây xăng nằm gần khu dân cư nhất cũng phải cách 15 - 20 mét so với ngôi nhà gần nhất, còn hầu hết là tách biệt hẳn vì người Mỹ rất dị ứng với khả năng gây ô nhiễm và cháy nổ của các cây xăng. Chưa bao giờ có cảnh xe bồn tới tiếp xăng vào ban ngày ở cây xăng. Có lẽ vì lý do an toàn và tránh gây ô nhiễm nên việc tiếp xăng ban ngày bị cấm.


Có nhiều tiêu chí kỹ thuật được áp dụng với các cây xăng. Có thể lấy một số ví dụ như nền sân xung quanh các cột xăng phải được đổ bê tông rất dày, bồn chứa xăng ngầm phải có nhiều lớp bảo vệ để tránh trường hợp xăng thấm ra đất. Khu vực xung quanh trạm bơm xăng phải có hệ thống thoát và xử lý nước riêng. Hệ thống này có thiết bị lọc, tách xăng ra khỏi nguồn nước chảy ra từ khu vực cây xăng trước khi đổ vào hệ thống thoát nước của thành phố. Các cây xăng cũng được phép xây thêm một gian hàng dịch vụ vừa để điều hành vừa bán hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm.


Các quy định an toàn đối với khách hàng vào đổ xăng được thực hiện nghiêm ngặt. Luật Mỹ quy định không ai được phép hút thuốc trong khuôn viên cây xăng, mức phạt cho vi phạm này nếu bằng tiền lên tới 500 USD (hơn 10 triệu đồng) hoặc thậm chí có thể bị phạt tù tới 6 tháng. Chủ cây xăng phải lắp đặt camera an ninh 24/24 để kiểm soát các hành vi này. Lý do vì phần lớn các cây xăng tại Mỹ đều là tự phục vụ, nghĩa là khách hàng tự lái xe vào gần cột bơm xăng, thanh toán bằng thẻ ngân hàng và tự bơm xăng vào phương tiện của mình.


Luật cũng quy định chi tiết biển báo cấm hút thuốc phải được làm bằng kim loại, ghi rõ quy định cấm hút thuốc và những hướng dẫn trong trường hợp cháy nổ khẩn cấp. Quy định về an toàn cây xăng được treo ở nơi dễ nhìn, có tên, địa chỉ của chủ cây xăng và người phụ trách kiểm tra hệ thống bơm xăng của cây xăng đó. Những người mới đến Mỹ sinh sống sẽ có cảm nhận rằng nhiều khi người Mỹ quá máy móc và cứng nhắc, nhưng rõ ràng trong lĩnh vực như xăng dầu, quy định an toàn cháy nổ cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt và người Mỹ luôn ý thức được điều đó.

 

Ý thức người dân là rất quan trọng


Do mới được đầu tư phát triển mạnh trong những năm gần đây, điều kiện đất đai rộng và mật độ dân cư không lớn nên các điểm bán lẻ xăng dầu ở thủ đô Viên Chăn (Lào) và Phnômpênh (Campuchia) thoáng và rộng, gấp 3 - 4 lần diện tích những cây xăng lớn ở Việt Nam. Do có sự cạnh tranh quyết liệt về thị phần nên các cây xăng được đầu tư rất khang trang để thu hút khách hàng.


Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin Tức, tại Lào, do học tập mô hình quản lý kinh doanh xăng dầu của Việt Nam nên các quy định về điều kiện mở cây xăng và phòng chống cháy nổ ở Lào tương đối giống Việt Nam. Tuy nhiên, ở Lào, việc thực hiện quy hoạch rất tốt nên không có chuyện cây xăng bán sát nhà dân hay bám sát đường quốc lộ. Đặc biệt, ý thức của người dân về phòng chống cháy nổ rất tốt, không có chuyện người dân hút thuốc tại các cây xăng như ở Việt Nam.


Tại thủ đô Phnôm Pênh diện tích chỉ có 374 km2 nhưng có hơn 240 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (gần bằng ½ số cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), nghĩa là trung bình cứ 0,6 km2 có một cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Mặc dù cũng có hệ thống cơ sở vật chất bán lẻ xăng dầu khá tốt nhưng do trình độ dân trí thấp nên việc tuân thủ pháp luật về phòng cháy chữa cháy xăng dầu ở Campuchia lại có rất nhiều bất cập.


Nếu ở Việt Nam, để đảm bảo an toàn cháy nổ, việc vận chuyển, bơm rót xăng dầu được thực hiện bằng xe xi téc, có gắn lôgô của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Campuchia, cũng có quy định các cây xăng chỉ được mua hàng của các doanh nghiệp có xe xi téc nhưng để mua xăng với giá rẻ hơn, nhiều cây xăng vẫn mua xăng dầu không rõ nguồn gốc, thường được đựng trong các thùng phuy, can nhựa nên nguy cơ cháy nổ xăng dầu rất cao.


Quang Tuyến (P/v TTXVN tại Mỹ) - Thu Hường

Nhiều bài học sau sự cố cháy cây xăng - Bài 4: Phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi
Nhiều bài học sau sự cố cháy cây xăng - Bài 4: Phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi

Xăng dầu (XD) là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN