Theo thống kê, số lượng thực tập sinh hằng năm gia tăng nhanh chóng. Năm 2013, lần đầu tiên lao động được phái cử sang Nhật Bản vượt ngưỡng 10.000 người/năm; năm 2015 đạt trên 30.000 người và năm 2017 là trên 54.000 người. Tổng số lao động Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản khoảng 126.000 người. Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số lượng phái cử hằng năm và số lao động đang thực tập sinh tại Nhật Bản đông nhất trong số 15 quốc gia phái cử.
Bước sang năm 2019, số lượng lao động đi làm việc ở Nhật Bản dự báo sẽ tiếp tục tăng do dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua mới đây và sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2019. Với dự luật mới, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài trong 5 năm tới. Dự luật đang mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm tại Nhật Bản cho lao động Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Truyền thông Cục Quản lý lao động ngoài nước, theo nội dung trong luật, trước mắt, Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động nước ngoài trong 14 ngành nghề: Xây dựng, đóng tàu/công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ôtô và hàng không.
Trong năm 2018, sau thị trường Nhật Bản, các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam gồm có: Đài Loan hơn 60.000 lao động, Hàn Quốc: 6.538 lao động, Ả rập - Xê út: 1.920 lao động, Rumania: 1.319 lao động, Malaysia: 1.102 lao động, Algeria: 1.014 lao động, Kuwait: 794 lao động và các thị trường khác.