Hàng chục năm ngồi giúp các vị khách dịch thuật và chuyển ngữ thư tay để gửi cho bạn bè, người thân tại nước ngoài qua đường bưu điện, ông Dương Văn Ngộ đã trở thành một hình ảnh quen thuộc, thân thương của bưu điện trung tâm Sài Gòn, ngày ngày chứng kiến sự đổi thay của thành phố năng động này.Ngay khi bước vào sảnh chính của tòa nhà bưu điện TP Hồ Chí Minh, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra dáng ông cụ Dương Văn Ngộ. Ông cụ nhỏ người, đầu bạc trắng, áo sơ mi trắng ngắn tay và cặp kính rất dày. Một tay ông cầm chiếc kính lúp tra từ điển, tay còn lại chậm rãi viết lên giấy.
Ông Ngộ miệt mài ngồi viết thư cho khách. |
Ông Ngộ năm nay đã 84 tuổi, ông bắt đầu làm nhân viên của Bưu điện Sài Gòn, nay là Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh từ năm 17 tuổi. Ông thông thạo 3 thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức.
Năm 1990, ông nghỉ hưu nhưng phần vì nhớ nghề, phần được mọi người yêu mến vì sự cần cù, mẫu mực trong hơn 40 năm làm việc, ông được lãnh đạo bưu điện bố trí một góc nhỏ để viết thư cho những vị khách có nhu cầu. Ngày đó có 7 người làm công việc này. Nhưng rồi sinh lão bệnh tử, đồng nghiệp của ông dần ra đi. Đến giờ đã 24 năm ông gắn bó với nghề viết thư thuê.
Hình ảnh bưu điện Sài Gòn ngày xưa do chính ông Ngộ chụp. |
Hành trang của ông là chiếc túi da đen, chi chít mũi khâu, vết vá. Chiếc túi chứa gần 20 kg “đồ nghề”, trong đó có những cuốn từ điển Anh-Pháp-Việt, mã thư tín các nước, kính lúp, hộp bút,… đã cùng ông bước qua hai thế kỷ.
Mỗi ngày ông Ngộ bắt đầu công việc lúc 8h sáng, nghỉ lúc 4h chiều. Cứ tính con số thấp nhất thì mỗi tháng trung bình ông làm việc 22 ngày, mỗi năm làm việc 264 ngày. Mỗi ngày bình quân ông viết 6 bức thư, như vậy trong 24 năm qua, ông đã dịch xuôi, dịch ngược đến 38 nghìn bức thư.
Khách tìm đến với ông Ngộ chủ yếu là những người trung tuổi. |
Một vị khách tại quận 10 tìm đến với ông Ngộ khi gần đến giờ nghỉ trưa. Bà là khách quen của ông Ngộ từ 3-4 năm nay. Bà quen một người bạn Pháp và ông Ngộ trở thành cầu nối giúp bà và người bạn Pháp chia sẻ tình cảm qua những tấm thư tay, bưu thiếp. Bà cho biết, mỗi lần dịch thư ông chỉ lấy 10.000 đồng. Ông không làm công việc này vì tiền mà chủ yếu là để giúp đỡ mọi người.
Cuộc sống hiện đại với sự ra đời của những thiết bị công nghệ hỗ trợ giúp con người có thể liên lạc với nhau một cách dễ dàng. Những bức thư tay ngày một hiếm đi. Tuy nhiên, với một số người, viết thư tay vẫn là cách thể hiện tình cảm gần gũi nhất. Nét chữ, dù xấu hay đẹp nhưng đều thể hiện tình cảm của người viết muốn gửi đến người nhận thư.
Ông Ngộ kể về lịch sử bưu điện Sài Gòn cho các cháu học sinh. |
Bởi vậy, với những vị khách tìm đến với ông Dương Văn Ngộ, điều mà họ mong muốn nhất ở ông là ông có thể truyền tải được hết những thông điệp, tâm tư, tình cảm của họ.
"Đám trẻ giờ chẳng quan tâm đến viết thư nữa, chúng có máy tính, thư điện tử, điện thoại 3G. Mấy cái đó “vô tính” lắm, phải viết tay mới rèn giũa được nhân cách, giữ được lòng người. Tôi sợ sau này sẽ chẳng còn ai nhớ đến thư tay nữa. Tôi chỉ mong là người giữ lại hồn cho những lá thư", ông Ngộ tâm sự.
Ngày ngày, ông vẫn miệt mài với công việc làm cầu nối cho mọi người. |
Mỗi ngày với ông Ngộ đều là một ngày sống trọn vẹn, giúp không ít người gửi gắm đi những tình cảm của mình. "Tôi ráng bám nghề đến chừng nào không làm được nữa", ông nói.
Hoàng Dương