Những sóng gió cuộc đời cứ cuốn đi khiến cô như gục ngã không gượng dậy nổi. Thế nhưng, ở cô vẫn luôn hiện hữu tinh thần lạc quan dù khó khăn đến đâu, thử thách cỡ nào.
Bị bỏ rơi, không được yêu thương vì mất thị lực từ nhỏ
Ông trời lấy đi đôi mắt nhưng vẫn cho cô hạnh phúc khi gặp chồng mình. Ảnh: CTV |
Ngày mới lên ba, cô Phạm Thị Cương bị đau ban dẫn đến mất thị lực. Miệng đời râm ran cho rằng, ăn ở “ác” lắm mới sinh con mù lòa, ba mẹ cô vì mặc cảm đã bỏ mặc đứa con nhỏ.
Không chỉ một mình làm quen, mò mẫm với bóng tối khi tuổi còn quá nhỏ, cô còn tủi thân vì bị chính những người thân hắt hủi. Ông trời lấy đi của cô đôi mắt nhưng để lại cho cô niềm an ủi nhỏ nhoi đó chính là giọng hát và những giác quan khác nhanh nhạy hơn.
Nhận ra niềm đam mê ca hát, từ năm 9 – 10 tuổi, cô đã gắn liền với chiếc radio và tự rèn luyện kỹ năng hát. Năm 20 tuổi, cô lên Sài Gòn thuê nhà trọ kiếm sống, vừa đi hát vừa bán vé số. Tình cờ trong nhóm hát, cô gặp được chú Đào Văn Be. Kẻ đàn, người hát rồi dần dàn cảm mến, tiến đến hôn nhân.
Lời chia sẻ về tình yêu của cô sao mà mộc mạc, chân thành đến lạ. Cũng chính nhờ tài nghệ này mà hai vợ chồng có thể bán vé số mưu sinh, thuê trọ sống qua ngày. Cuộc sống cứ thế trôi qua, những đứa con ra đời là niềm động viên tinh thần lớn của hai vợ chồng.
Tuy khó khăn, nhưng cô chú vẫn nuôi con khôn lớn cho đến lúc lập gia đình để yên bề gia thất. Thế nhưng, vì hoàn cảnh cũng vô cùng nghèo khó nên họ cũng không thể giúp đỡ nhiều cho cha mẹ.
Vẫn còn nhiều nỗi đau
Dù vậy, nỗi đau vẫn còn nhiều khi liên tục chồng ốm, con bệnh Down khiến đôi lúc cô cảm giác sức cùng cạn lực vì hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CTV |
Năm 51 tuổi, độ tuổi mà cô nghĩ mình không còn khả năng sinh con thì bất ngờ bác sĩ kết luận cô đã mang thai hơn 4 tháng. Tuy ngỡ ngàng và không có sự chuẩn bị, họ vẫn chào đón thiên thần nhỏ với tình yêu thương vô bờ. Khi được sinh ra, cậu con trai kháu khỉnh không may mắc chứng tim chưa đầy và hội chứng Down khiến gia đình suy sụp.
Giờ đây, đứa trẻ đã lên 8 nhưng nặng vỏn vẹn 14 kg, chỉ có thể bập bẹ vài chữ không rõ ràng. Cô Cương tuổi đã cao, không thấy gì, lại chăm con bệnh, nơm nớp lo sợ con chạy đi chơi rồi lạc đường nên cô chỉ muốn giữ con an toàn ở nhà. Do làm quen với bóng tối từ nhỏ, cùng khả năng nhớ vị trí tất cả đồ đạc trong nhà, cô vẫn tìm ra cách chăm con tốt dù chậm hơn người bình thường.
Chú Đào Văn Be cũng là một người khiếm thị, năm nay đã bước qua tuổi 70, mắc bệnh viêm phế quản mãn tính. Ấy vậy mà ngày nào chú cũng một mình ráng đi bán vé số, lo cho gia đình 3 người, bởi cô phải ở nhà trông con bị bệnh. Tuổi cao sức yếu, ngày nào may mắn, chú bán được 150 vé, lời 180 nghìn nhưng phải trả tiền xe ôm đi về hết 50 nghìn. Số tiền còn lại, hai vợ chồng chắt góp đóng tiền nhà và rau cháo qua ngày. Những lúc không lo nổi, cô phải mượn nợ rồi trả lãi dần.
Để thoát nghèo thật sự không dễ, nhưng cô và chồng vẫn phải đi hát để bán vé số. Ước mơ đến với cuộc thi mong có tiền để dành để phòng hờ lúc bệnh tật. Ảnh: CTV |
Giọng đắng chát, cô chua xót không biết bao giờ mới trả được nợ. Vậy mà, đôi khi trên đường đi bán vé số, chú còn bị nnhững kẻ bất lương gạt lấy hết vé số, phải đền lại cho đại lý. Chuyện đó vẫn thường xảy ra nhưng chú không thể bỏ việc. Với người khiếm thị, bán vé số chính là công việc duy nhất họ có thể làm. Chồng bệnh, con đau, còn nỗi đau nào mà cô Cương chưa từng nếm trải. Loay hoay mãi với cuộc đời, cô không biết phải làm sao để đưa gia đình thoát khỏi số phận ngặt nghèo.
Thoát nghèo”: hai từ quá xa xỉ với vợ chồng cô Phạm Thị Cương
Cô cười buồn, làm sao thoát nghèo khi hai vợ chồng tuổi đã cao lại khiếm thị. Mới đây, cô đưa bé đi khám, bác sĩ chuẩn đoán hở van tim hai lá. Chi phí mổ để khỏi hẳn bệnh lên đến hàng trăm triệu – con số mà cô chưa bao giờ nghĩ đến. Chưa kể, hội chứng Down do sinh con quá trễ sẽ theo bé suốt đời.
May mắn đã mỉm cười với cô dù số tiền không nhiều nhưng cũng không phải là ít. Ảnh: CTV |
Cô ngót nghét 60, chú đã vượt ngưỡng 70, nghĩ đến tương lai con mình, cô trầm ngâm một lúc lâu rồi chia sẻ đây là mối trăn trở, day dứt nhất của hai vợ chồng. Tương lai con mình rồi sẽ ra sao, anh chị em của nó còn quá khó khăn, liệu có lo nổi cho đứa em bệnh tật hay không?.
Tham gia chương trình Hát mãi ước mơ, cô cho thấy tinh thần lạc quan nhưng đâu đó vẫn là nỗi lo âu cho cuộc sống bế tắc. Cô thể hiện ca khúc Nỗi buồn hoa phượng được “chị Tư” Cẩm Ly và Trấn Thành khen ngợi vì chất giọng cao vút, trong trẻo như con gái đôi mươi. Cô tiếp tục tiến sâu và chiến thắng giải nhì với ca khúc Duyên phận.
Phần thưởng 25 triệu đồng cô nhận được tuy không nhiều nhưng cũng không phải là ít với hoàn cảnh của cô hiện này. Khi hỏi về việc cô sẽ làm gì với số tiền thắng giải, cô cho biết sẽ để dành, khi chồng bệnh, con đau thì có tiền chữa trị, không phải vay mượn khắp nơi như hiện nay.
Xem clip người mẹ khiếm thị kể về hoàn cảnh của mình khi tham gia Hát mãi ước mơ: