Trong một lần tham dự cùng chương trình “Áo ấm biên cương” tới Viện Huyết học truyền máu Trung ương, tôi được gặp trung úy Nguyễn Khả Nghĩa, người lính biên phòng Đồn Biên phòng Cô Ba (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) xa xôi.
Mỗi năm Nghĩa chỉ về phép 2- 3 lần cùng vợ chăm 2 cậu con trai mắc bệnh máu không đông. Con bị bệnh hiểm nghèo, xa gia đình, chỉ có tình cảm của những người đồng chí, sự quan tâm của gia đình, bạn bè, làng xóm là động lực giúp người lính hoàn thành nhiệm vụ nơi biên giới.
Gian khó thử lòng người
Mối tình đẹp giữa anh bộ đội Biên phòng Nghĩa và cô giáo Hường nảy nở sau khi họ gặp gỡ trên chuyến xe đi Cao Bằng năm 2000. Hai năm sau, một đám cưới giản dị được tổ chức với phong cách nhà binh, khách mời có rất nhiều bộ đội quân hàm xanh. Một năm sau đó, cậu con trai ra đời và được đặt tên Nguyễn Khả Trọng Anh- Hạnh phúc thật giản dị của cô giáo Hường và anh bộ đội Biên phòng Nguyễn Khả Nghĩa.
Vậy mà bé ra đời hôm trước, hôm sau đã phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương tận Hà Nội vì mắc chứng bệnh máu không đông. Người mắc căn bệnh này phải gắn bó với bệnh viện suốt đời vì không có thuốc hay phương pháp điều trị triệt để.
Năm 2008, sau nhiều đắn đo, họ sinh thêm một cháu nữa là Nguyễn Khả Nhật Khánh, nhưng mới 6 tháng tuổi, bé lại phát bệnh, cũng là chứng máu không đông giống như người anh trai mình.
Anh Nghĩa về thăm hai con đang điều trị tại Viện huyết học truyền máu Trung ương. |
Vợ Nghĩa, cô giáo Đào Thị Hường, sinh ra và lớn lên tại xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Sau khi học xong Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Hường theo chồng lên công tác tại Cao Bằng. Sau khi sinh cháu thứ nhất, do hoàn cảnh khó khăn chị đã xin về quê dạy học tại trường THCS xã Nam Trung.
Từ khi hai con mắc bệnh hiểm nghèo, mỗi tháng, gia đình chị Hường phải truyền máu cho hai cháu từ 1 - 3 lần tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Mỗi lần đi viện, tốn không dưới 10 triệu đồng.
Vì vậy, cuộc sống gia đình anh Nghĩa trở nên khó khăn, bao nhiêu thu nhập của hai vợ chồng đều dành để chữa bệnh cho hai con. Hai mảnh đất mà gia đình nhà vợ cho, anh Nghĩa đều phải bán đi và hiện nay gia đình ở nhờ nhà bố mẹ vợ. Bao nhiêu tiền lương anh đều gửi về chạy chữa cho con. Mỗi lần đưa con đi chữa bệnh, vợ anh Nghĩa lại phải nghỉ dạy để lên chăm sóc cho 2 con.
Gặp chúng tôi, chị Hường chia sẻ: “Cháu ra đời, vợ chồng tôi chưa kịp ăn mừng đã phải đón nhận hung tin. Lương tôi mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, chồng là trung úy biên phòng không dám tiêu gì, gửi hết cho vợ khoảng 10 triệu đồng nữa. Nếu con đi viện một tháng một lần thì tạm đủ, còn tháng nào đi viện 2 - 3 lần là phải đi vay. Cái khó nhất của việc chăm sóc bệnh nhân máu không đông là phải giữ gìn bọn trẻ kiểu “nâng trứng, hứng hoa”, không để con đùa nghịch, bị ngã, bị trầy xước dù chỉ một vết nhỏ, nếu không cháu sẽ chảy máu không thể cầm”.
Tình yêu nuôi dưỡng niềm hy vọng
Trăn trở lớn nhất của anh Nghĩa là ở xa gia đình, nên việc chăm sóc con không thường xuyên. Vợ đi làm không ổn định mà con cũng không thể đến lớp, đến trường thường xuyên như các bạn đồng trang lứa.
Trung úy Nguyễn Khả Nghĩa, sinh năm 1977, hiện là cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cô Ba (Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng). Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Nguyễn Khả Nghĩa, STK: 8302205025819, Ngân hàng NN&PTNT huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Điện thoại: 094.305.7688. |
Người lính biên phòng chỉ biết dõi theo ba mẹ con qua sóng điện thoại. Mỗi khi xong công việc, nhớ vợ thương con, anh lại bước ra sân nhìn mãi về xuôi. Ngày đoàn phóng viên lên thăm Đồn Biên phòng Ba Cô, Nghĩa điện thoại về hỏi thăm tình hình vợ đưa con đi viện.
Nghe tiếng con khóc vì đau không đi lại được, anh như nuốt nước mắt vào trong để động viên vợ, dặn dò con. Tắt điện thoại, Nghĩa bật khóc như một đứa trẻ, bao nhiêu tâm sự gửi cả vào những giọt nước mắt của người lính vốn mạnh mẽ như thế.
Biết được hoàn cảnh của anh Nghĩa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã cử đại diện, đưa xe từ Cao Bằng chở trung úy Nguyễn Khả Nghĩa về Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, thăm hai con trai đang điều trị tại đây.
Niềm vui ngập tràn khi gặp được vợ con, và đặc biệt niềm vui còn được nhân lên khi anh nhận được những lời động viên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Được tin gia đình trung úy Nguyễn Khả Nghĩa có hai con trai mắc bệnh Hemophilia (máu không đông), Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã nhờ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chuyển đến tặng gia đình đồng chí Nghĩa 30 triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 27/12, thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng cũng đã trao số tiền 100 triệu đồng do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ cho gia đình trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Khả Nghĩa và Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng cũng đã hỗ trợ gia đồng chí Nghĩa 20 triệu đồng.
Cũng trong ngày đến thăm gia đình anh Nghĩa dịp cuối năm vừa qua, các nhà báo trong chương trình “Áo ấm biên cương” đã ủng hộ gia đình trung úy QNCN Nguyễn Khả Nghĩa 22 triệu đồng.
Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tá Nguyễn Tiến Thắng đã chia sẻ trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình trung úy QNCN Nguyễn Khả Nghĩa. Đồng chí đã động viên gia đình cố gắng vượt qua hoàn cảnh, chữa bệnh cho hai cháu. Đối với đơn vị là Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, đồng chí cũng đề nghị đơn vị cần tạo điều kiện, động viên đồng chí Nghĩa chăm sóc tốt sức khỏe cho hai cháu.
Chỉ có tình yêu mới giúp gia đình anh Nghĩa vượt qua được 10 năm quyết giành sự sống cho hai người con trai. Chỉ có tình thương mới khiến anh Nghĩa ra quyết định chuyển lên công tác tại sát biên giới để được hưởng chính sách cao hơn, đỡ đần thêm cho vợ con ở nhà.
Và giờ đây sẽ chỉ có tình yêu của những người đồng chí, của những người bạn, người thân mới có thể giúp gia đình anh nuôi tiếp những hy vọng sống chung và chiến đấu cùng căn bệnh hiểm nghèo của hai con, xây dựng một gia đình bền chặt, thủy chung và hạnh phúc vượt qua cả vất vả, xa cách.
Bài và ảnh: Lê Sơn