Người đàn ông tử vong do không tiêm vaccine sau khi bị chó cắn

Tỉnh Bình Thuận vừa ghi nhận thêm một ca tử vong nghi do bệnh dại vào ngày 11/4, nâng tổng số ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm 2025 đến nay tại tỉnh lên 4 người.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, ca tử vong do bệnh dại vừa mới được ghi nhận là bệnh nhân nam, tên N.V.B (sinh năm 1968, trú tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Theo kết quả điều tra dịch tễ, ngày 8/2, bệnh nhân bị một con chó của hàng xóm cắn với vết thương sâu vừa, chảy ít máu. Sau khi bị cắn, bệnh nhân chỉ rửa vết thương bằng nước lạnh, không tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.

Đến ngày 9/4, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau họng. Đến ngày hôm sau, bệnh nhân mệt nhiều, khó thở, sợ nước, sợ gió, nghẹn, khó nuốt. Người nhà đưa ông đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và được bác sỹ chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Ngày 11/4, sau khi được bệnh viện giải thích về tình trạng, tiên lượng bệnh, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà và bệnh nhân tử vong trưa cùng ngày.

Được biết, con chó cắn ông B. là con chó nhà hàng xóm. Trước khi cắn ông B., con chó còn cắn 3 người, trong đó có chủ nhà. Hiện cả 3 người này đều đã tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp các đơn vị liên quan điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh dại, gia đình bệnh nhân và người thân; hướng dẫn sát trùng tẩy uế tại gia đình theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B; tuyên truyền vận động người nhà bị chó dại cào, cắn và phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân đi tiêm vaccine phòng dại.

Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đáng chú ý, huyện Hàm Thuận Bắc là địa phương ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất (3 ca).

Theo Sở Y tế Bình Thuận, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây từ động vật sang người và gây tử vong 100%. Thực tế cho thấy, tất cả các nạn nhân tử vong vì bệnh dại tại tỉnh vừa qua đều có điểm chung là chủ quan không tiêm vaccine ngừa dại sau khi bị chó, mèo cắn. Giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống và đẩy lùi bệnh dại là ý thức phòng bệnh của mỗi người dân. Người dân cần thực hiện tiêm vaccine và huyết thanh ngừa bệnh dại ngay sau khi bị chó, mèo và động vật khác cắn, cào theo chỉ định của bác sĩ. Người dân tuyệt đối không thực hiện các biện pháp dân gian, thuốc Nam để điều trị bệnh.

Thời tiết nắng nóng như hiện nay là thời điểm bệnh dại có nguy cơ bùng phát mạnh nhất. Ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan, cần chủ động phòng ngừa, tiêm phòng dại đầy đủ cho vật nuôi; khi nuôi chó, mèo phải xích và nhốt cẩn thận, khi ra đường phải mang rọ mõm và đeo dây dẫn để ngăn chặn nguy cơ cắn người xung quanh.

Hồng Hiếu (TTXVN)
Bình Thuận: Ghi nhận thêm một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại
Bình Thuận: Ghi nhận thêm một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại

Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, địa phương vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại sau 2 tháng bị mèo cào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN