Tường bám đầy bụi, ống nước đen kịt, cây bưởi, cây dừa phủ một lớp bụi đen là hình ảnh tại nhà bà Võ Thị Thanh Thủy, Ấp 5 – nơi bị “bao vây” bởi ba cơ sở hoạt động đốt than. Ngôi nhà này được bà Thủy quét vôi cách đây 2 năm. Bà Thủy vẫn chăm sóc các cây trong vườn hàng ngày nhưng ai đến đây cũng ngỡ mọi thứ như bị bỏ hoang đã hàng chục năm vì tất cả đều phủ bụi đen.
Hít khói than cả ngày lẫn đêm suốt thời gian dài, bà Thủy bị bệnh viêm phổi. Cây dừa, cây bưởi trong vườn của bà bị rụng trái. Nguồn nước từ các con sông, rạch đều bị ô nhiễm không thể sử dụng. “Mấy năm trước, mỗi năm tôi bán được 2 triệu đồng tiền dừa, năm nay không bán được đồng nào vì dừa không có trái. Hoa màu trồng không ăn được vì đắng ngắt” – bà Thủy cho hay.
Hứng chịu không khí ô nhiễm, bệnh tật, muốn bán nhà nhưng không ai mua. Hằng ngày, Thủy vẫn lặng lẽ sống với căn bệnh viêm phổi trong ngôi nhà đầy khói, bụi than. Để hạn chế phải hít khói, bụi bà Thủy chọn đi bán vé số mưu sinh.
Cũng giống như bà Thủy, nhiều hộ dân ở Ấp 5, Ấp 6, xã Thạnh Phú Đông đều phải hứng chịu khói, bụi từ các lò than nhiều năm nay. Khu vực này lúc nào cũng khói mờ mịt như sương mù vì các ống khói từ hàng trăm lò than liên tục nhả ra.
Nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Vân ở Ấp 6 có hai con nhỏ, hầu như đêm nào các cháu cũng bị sặc khói, ho không thể ngủ được. Bức xúc, rơi nước mắt vì thương con nhỏ phải sống chung với khói, bụi nhưng chị Vân chỉ biết ẵm con đi ngủ nhờ nhà cha mẹ. Chị Vân cho biết, khói từ các lò than lảng vảng ngày đêm, cao điểm là buổi chiều và buổi sáng, khói mịt mù, khiến người dân không nghỉ ngơi được, nhất là khi gió nồm với gió nam thổi tới.
Người dân Cù Lao Lá trước đây chủ yếu sử dụng nước mưa để uống và sinh hoạt nhưng khoảng 3 năm nay, tất cả các lu, cống chứa nước đều bỏ trống vì nước mưa đầy bụi đen. Ông Phạm Văn Hê ở Ấp 6 bức xúc: Nước mưa không dụng được, nước sông cũng ô nhiễm đục ngầu. Ở đây, nhà nào cũng phải đổi nước bình về uống, nấu ăn. Người dân rất mong các cấp chính quyền giải quyết tình trạng ô nhiễm từ các lò than cho bà con đỡ khổ.
Địa bàn xã Thạnh Phú Đông có 15 cơ sở với 230 lò than thiêu kết hoạt động tập trung ở 3 ấp là Ấp 3, 5 và 6. Mỗi cơ sở có công suất hoạt động khoảng 100 tấn/tháng, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường. Theo kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động than đốt gáo dừa do Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre tiến hành tháng 12/2018, lượng khói, bụi từ các cơ sở thải ra chứa lượng CO và CO2 vượt ngưỡng cho phép gấp 3 lần trở lên. Thực tế, một vài cơ sở có đầu tư hệ thống xử lý khói, bụi tuy nhiên đa phần là tự chế. Chủ cơ sở không đủ năng lực hoặc ngại đầu tư công nghệ hiện đại do chi phí cao.
Theo ông Nguyễn Văn Chờ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông, người dân đã nhiều lần phản ánh vấn đề này. Lãnh đạo xã đã trực tiếp đến kiểm tra các lò than, mời các chủ cơ sở đến làm việc, buộc phải ký cam kết khắc phục hoặc sử dụng các phương pháp giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân.
Đồng thời, UBND xã đã mời Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Giồng Trôm, Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre về kiểm tra, xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm. UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định buộc các cơ sở hoạt động đốt than hoàn thiện hệ thống xử lý khói bụi trong hai năm tới. Đến năm 2021, nếu các cơ sở hoạt động không đúng pháp luật, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường thì phải ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, đến thời điểm này tình trạng xả khí thải từ các lò than vẫn diễn ra, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng cuộc sống người dân.