'Ngôi nhà bình yên', chốn về ấm tình người

Những người phụ nữ bị bạo hành thừa sống thiếu chết, những bé gái là nạn nhân, bị bán sang Trung Quốc làm vợ từ khi chỉ 12 - 13 tuổi, những con người bị đẩy đến bước đường cùng, không nơi nương tựa... Có một “Ngôi nhà bình yên” (NBY) của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) là điểm đến tin cậy và ấm áp cho những số phận bất hạnh ấy, giúp họ tìm lại được chính mình, biết tự bảo vệ mình và hòa nhập cuộc sống mới.

 

Những mảnh đời bất hạnh


Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhà chồng cách Hồ Gươm chừng 5 phút đi bộ, chị N.T (người tạm trú tại NBY) đã phải chịu cảnh bạo lực gia đình trong 15 năm, đày ải cả về tâm thần lẫn thể xác. Chị N.T mở đầu câu chuyện bằng giọng run run: “Tôi thường bị chồng hành hạ vô cớ. Thua bạc, hàng xóm khen vợ ngoan, hay không vui... chồng lại chửi mắng, đánh đập tôi. Đến năm 2000, tôi quyết định gửi đơn xin ly hôn ra tòa trong sự đe dọa và phản đối của chồng. Sau 2 năm thì vụ việc của tôi mới được giải quyết dứt điểm. Trong 2 năm ấy, tôi và con trai 3 tuổi phải sống chui lủi, trốn tránh sự săn lùng và đe dọa của anh ta”. Kể đến đây, những giọt nước mắt lăn dài trên má, chị im lặng không nói nên lời.


Cán bộ nhân viên và các thành viên “Ngôi nhà bình yên” tập huấn sống sáng tạo. Nguồn: ngoinhabinhyen.com

 

Câu chuyện của chị N.T bị đứt quãng bởi tiếng khóc và nghẹn ngào. Sau khi ly hôn 1 năm, vì chồng hứa hẹn sẽ sửa đổi và nghĩ cho các con, nên chị N.T đã quyết định quay lại nhưng không đăng ký kết hôn. Những tưởng mọi chuyện sẽ khác nhưng chị vẫn thường xuyên bị bạo hành, đánh đập, nhất là sau khi chị sinh con thứ 2 là bé gái thì chị bị chồng đánh một trận thừa sống thiếu chết. “Đêm ngủ, con trai tôi để dao ở đầu giường, cháu bảo để bảo vệ mẹ, nếu bố đánh mẹ thì sẽ dùng dao để đánh lại bố. Còn con gái tôi, đêm không dám ngủ, cứ lặng lẽ khóc thầm và run lên vì lo sợ. Khi tôi quyết định dừng lại thì anh ta mang cả xăng đến đòi đốt nhà bố mẹ tôi, đập phá bất cứ nhà nào cho mẹ con tôi trú chân, vì vậy, tôi tìm đến NBY để tạm lánh và làm lại cuộc sống của ba mẹ con”, chị N.T đau xót kể.


Một trong những câu chuyện đau lòng khác tại NBY là trường hợp của em G.A.S, 14 tuổi, dân tộc H’Mông ở Điện Biên. Nhà nghèo lại đông con, nên bố mẹ A.S hay bất đồng, bố hay say rượu rồi đánh mẹ. Vì không chịu được sự hành hạ của chồng, mẹ A.S đã mang A.S trốn đi Hà Giang rồi lấy chồng ở đó. Tại đây, A.S lại tiếp tục bị bố dượng bạo hành và đòi “đẻ cho ông ấy hai đứa con”. “Một hôm, em gái bố lấy chồng ở Trung Quốc về thăm rồi dẫn cháu sang lấy chồng Trung Quốc. Cháu thấy bà cô nhận tiền rồi đi về. Cháu phải lấy chồng hơn cháu 10 tuổi, đêm nào cũng bắt cháu quan hệ 3, 4 lần và không cho cháu đi đâu. May mắn, cháu được công an Việt Nam phát hiện và đưa về rồi được đưa xuống ở NBY. Cháu được học chữ, tập đọc, nhưng giờ cháu muốn đi học cũng không có giấy khai sinh và cũng không nhớ tên xã, địa chỉ nhà ở Điện Biên nữa”, G.A.S kể lại, ánh mắt thơ ngây vẫn toát lên nỗi sợ hãi tột độ.

 

“Tạm lánh” để làm lại


NBY chính thức được thành lập năm 2007, nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế thiệt thòi, là nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ) và nạn buôn người. Khi đến đây, họ sẽ được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí ăn ở và các hỗ trợ liên quan nhằm giúp họ cân bằng cuộc sống, tự tin tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, các nạn nhân ở đây sẽ được hỗ trợ học văn hóa, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Theo bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, NBY là nơi “tạm lánh” cho phụ nữ bị BLGĐ và giúp họ có được những kỹ năng cơ bản, tự tin làm lại cuộc đời mình”.


Bà Lê Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, giới thiệu về vật dụng gây bạo lực gia đình tại triển lãm “Sẻ chia” vào tháng 6/2013 tại Hà Nội.

 

Bà Lê Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển, thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, cho biết, hầu hết chị em phụ nữ đến NBY với những vết thương cả thể xác lẫn tinh thần do chồng hành hung. Tính tới cuối tháng 6/2013, tại đây đã đón hơn 378 lượt người tới tạm trú. Trong đó, 9 trường hợp phải quay trở lại đây hơn ba lần vì tiếp tục bị bạo hành nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý. “Bạo lực gia đình không chỉ tác động lên người mẹ mà còn tạo thành “Hiệu ứng Boomerăng - Bạo lực sinh bạo lực”. Những đứa trẻ khi chứng kiến hay trực tiếp chịu bạo lực sẽ dễ dàng tạo nên bạo lực gia đình khi trưởng thành”, bà Thúy cho hay.
Đặc biệt, phân tích thực trạng từ những người tạm trú tại NBY cũng cho thấy, 71% phụ nữ đã phải trải qua cả ba hình thức bạo lực là bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần và bạo lực về kinh tế. “Bản chất của bạo lực gia đình vẫn đang xuất phát từ tính gia trưởng và sở hữu của người chồng, 74% chồng của người tạm trú bị mắc tệ nạn xã hội; 32% ghen tuông, 9% thiếu tự tin nên đánh vợ để chứng minh sức mạnh đàn ông của mình...”, bà Thúy nói.


Việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi bạo hành giới, bạo hành gia đình vốn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội những năm gần đây. Việc đưa ra mô hình “Ngôi nhà bình yên” hay “Nhà tạm lánh” nhằm bảo đảm an toàn cho nạn nhân. Tuy nhiên, theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, mỗi gia đình phải là ngôi nhà bình yên thì mới giải quyết triệt để được vấn đề. Ngăn chặn bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội, từ chính quyền, đoàn thể, cộng đồng... Việc điều chỉnh trước hết và cần thiết là phải từ chính gia đình. Bên cạnh đó cần gia tăng tham vấn tiền hôn nhân cho các gia đình trẻ, đồng thời nâng cao văn hóa gia đình, kỹ năng ứng xử trước những tình huống để “đẩy lùi” nạn bạo hành gia đình.

 

Bài và ảnh: Quỳnh Như - Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN