60 năm cắt tóc cũng là già nửa thế kỷ, ông Cao Văn Tuế gắn với nghiệp văn chương. Bên cạnh hòm đồ nghề chứa đầy dao, kéo là bút và tập bản thảo dày thêm mỗi ngày.
Sinh ra từ làng Sủi (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) – mảnh đất nổi tiếng về thi thư và khoa bảng; đồng thời là quê hương của Thánh thơ Cao Bá Quát nhưng ông Cao Văn Tuế chỉ học hết có tiểu học. Ông sống bằng nghề phó cạo rồi ăn đời ở kiếp với nó đến nay đã hơn 60 năm. Chẳng biết tại ăn cơm uống nước làng Sủi để lớn, nên nghiệp chữ nghĩa nó ngấm vào máu chăng, chỉ biết 60 năm cắt tóc cũng là già nửa thế kỷ, ông Cao Văn Tuế gắn với nghiệp văn chương. Bên cạnh hòm đồ nghề chứa đầy dao, kéo là bút và tập bản thảo dày thêm mỗi ngày.
Tô Xuân – hiệu cắt tóc hay quán thơ văn?
Sau khi về làm rể làng Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) và định cư ở đó, ông Cao Văn Tuế mở hiệu cắt tóc vỉa hè với cái tên mĩ miều, văn vẻ “Tô Xuân”. Ông giải thích rằng, cắt tóc làm người ta trẻ hơn, đẹp hơn, cũng là tô điểm cho tuổi thanh xuân. Cũng từ lúc đó, “Tô Xuân” đón khách mỗi ngày. Ông hóm hỉnh bảo: “Ngày nào cũng đè đầu vít cổ cả chục người. Thế mà cấm có ai kêu ca hay phản đối gì…”. 60 năm qua, ông phó cạo làng Bưởi cặm cụi sửa sang sắc đẹp cho lớp lớp người nơi góc quán bình dị, đúng như những dòng tuyên ngôn ông viết cho riêng mình:
“Điền viên ngày tháng thanh nhàn
Nhấp nhô mũ lọng xênh xang mặc người”
Hiệu cắt tóc vỉa hè “Tô Xuân” là nơi lui tới của không biết bao nhiêu khách hàng, cũng là những độc giả và nhà phê bình đầu tiên đọc bản thảo của Cao Văn Tuế. Những bài thơ, văn, châm ngôn ông Tuế sáng tác không ít thì nhiều đều dính dáng đến hiệu cắt tóc “Tô Xuân”. Bởi tại đây, từ những câu chuyện trên trời dưới bể, những tâm sự của khách hàng – những điều tưởng chừng như vụn vặt - ông Tuế đã thu thập và chắt lọc thành những viên ngọc quý, bổ sung và tập hợp ngày một ngày một thành kho tư liệu của riêng mình. Không ít người, khi được ông đọc lại câu chuyện mình kể còn góp ý nhiệt tình cho tác phẩm. Vì thế, “Tô Xuân” không đơn thuần chỉ là nơi cắt tóc, sửa sang sắc đẹp cho mọi người mà còn là quán thơ văn, nơi tụ tập trao đổi thông tin của những tâm hồn đồng điệu. Ông Lăng Hỷ, một khách hàng quen thuộc đã mười mấy năm nay của hiệu cắt tóc “Tô Xuân” cười khà khà: “Tôi không ở gần đây. Cũng biết có nhiều hàng cắt tóc, sang có, bình dân có. Nhưng đi cắt tóc là để nói chuyện, hàn huyên, là dịp để gặp nhau nên tôi tìm đến chỗ bác Tuế”. Được cái, khách thích văn chương một nhưng chủ hiệu lại thích mười. Thế nên, buổi cắt tóc nào đúng “cạ” thường kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Đặc biệt, những khi cây bút Cao Văn Tuế có cái gì mơi mới…
Những con chữ từ tâm can….
Khởi nghiệp muộn, nhưng cây bút nghiệp dư Cao Văn Tuế đã thể hiện một sức sáng tạo đáng nể, một trí tuệ sâu sắc. Trong vòng khoảng 15 năm, ông đúc kết và viết được gần 4.000 câu châm ngôn. Hơn 1.000 câu trong số đó đã được chọn đăng trên sách, báo, lịch bên cạnh những câu nói, câu châm ngôn nổi tiếng của các danh nhân trong và ngoài nước. Đấy đều là những câu nói ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ hiểu.
“Nơi nào cũng có mảnh đất lành dành cho chim lành đậu”
“Nén hương ở bãi tha ma đậm lòng nhân ái hơn nén hương ở chùa”
“Nói bằng tâm thấm hơn nói bằng lời”
“Thấy cái đẹp của buổi sáng mới thấy cái quý của buổi chiều”
“Bố con đều khôn, khó bàn. Chủ khách đều khôn, khó nói”
Nhiều người, khi sưu tầm đã nhầm sáng tác của ông với châm ngôn của Khổng Tử bởi chất thâm trầm, sâu sắc với đầy chất suy tư, biện chứng: “Chê người mà được thưởng là gặp Thánh. Khen người mà bị phạt là gặp Thần”... Với Cao Văn Tuế, viết văn không đơn giản, bởi với mỗi câu, chữ ông đều như rút ra từ gan ruột mình. Như một con tằm cặm cụi rút ruột nhả tơ đơm kén. Miệt mài năm tháng. Cộng với cả một đời trải nghiệm. Ông tâm sự:
“Ngày vun tóc vụn
Tối dốc tâm can
Gieo vần ủ chữ
Thấm đọng dân gian”
Thành quả của gần 20 năm miệt mài với con chữ là cuốn sách mang tên “Tâm văn” do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 1995, tuyển chọn một số câu châm ngôn của ông. Tác phẩm đem lại giá trị tinh thần vô giá đối với ông phó cạo già. Không ít câu châm ngôn ông viết đã thành phương châm sống, phép đối nhân xử thế của rất nhiều người.
Bên cạnh thể loại châm ngôn ưa thích, ông Tuế còn có một “kho” câu đối, trong đó có câu nổi tiếng về Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn: “Chí tráng sơn hà lưỡng quốc tạc. Danh truyền sử sách thiên thư lưu”.
Tuy không công nhận mình là nhà văn chuyên nghiệp nhưng ông Cao Văn Tuế có một hồ sơ thành tích và giải thưởng tương đối đáng nể. Về thơ, ông có bài “Chú công an tý hon” sau khi đăng báo Độc lập ngày 1/6/1959, được Nhà xuất bản Văn học đưa vào “Hợp tuyển thơ văn thiếu nhi 1945-1960”. Về phóng sự, văn chương, ông đặc biệt thành công khi viết về làng Sủi – quê hương mình: “Đường về làng quê không bị lấm giày” (giải A, báo Hà Nội mới năm 1999), “Nếp làng Sủi” (giải ba cuộc thi Phóng sự báo Quân đội nhân dân năm 1998), “Hạnh phúc trên tay bà đỡ” (giải B cuộc thi Sáng tác văn năm 2000).
Ngọc Liên