Nghiên cứu tiếp nhận thông tin khiếu nại qua mạng xã hội

Sử dụng mạng xã hội để mở rộng thông tin giữa các cơ quan chính quyền với nhân dân là xu thế tất yếu hiện nay. Trong đó, nhiều thông tin khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm và giải quyết kịp thời.

Cầu nối giữa người dân và cơ quan Nhà nước

Thời gian qua, dư luận xôn xao bởi một đoạn video được đăng trên mạng xã hội với nội dung: “Cô giáo huyện Văn Quan để trẻ ở ngoài cửa khiến cháu bé phải mở thùng rác tìm đồ ăn”. Vụ việc xảy ra vào trưa ngày 1/10/2015 tại Trường Mầm non Xuân Mai, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ngay sau khi được đăng tải, đoạn video đã gây lên một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội khiến chính quyền cơ sở phải vào cuộc, điều tra, làm rõ vụ việc. Hai cô giáo trong đoạn video cũng bị đình chỉ công tác và xin lỗi gia đình cháu bé.

Cổng thông tin điện tử trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân.

Trong các kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua, có không ít thí sinh dù đạt điểm cao nhưng vẫn không được nhập học. Sau khi thông tin này được chia sẻ lên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông thì ngành giáo dục cũng như các trường đại học đã có hướng xử lý hợp tình hơn, những thí sinh đó đã được “giải cứu” để bổ sung vào danh sách trúng tuyển ngay trước thời điểm nhập học.

Đây chỉ là số ít trong rất nhiều vụ việc được người dân phản ánh thông qua các trang mạng xã hội mà không qua con đường khiếu nại, tố cáo chính thống theo thủ tục do pháp luật quy định và nhiều vụ việc đã nhận được sự quan tâm, giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

LS. TS Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá, những vụ việc này đã cho thấy mạng xã hội đang từng bước trở thành cầu nối giữa người dân với các cơ quan Nhà nước đồng thời tạo niềm tin cho nhân dân về vai trò của các hệ thống công quyền. Chính phủ cũng đã lập tài khoản trên facebook nhằm đưa thông tin hoạt động của Chính phủ rộng rãi hơn trên Internet để người dân tiếp cận dễ dàng và tiếp nhận các ý kiến, thông tin từ người dân. Nhiều bộ, ngành cũng đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua mạng xã hội như facebook, fanpage, youtube...

Việt Nam có khoảng 45% dân số dùng mạng Internet và trên 30 triệu tài khoản mạng xã hội. Chính vì thế, nhu cầu dùng mạng Internet để kết nối, bày tỏ chính kiến và cả những khiếu nại, tố cáo với các cơ quan Nhà nước ngày càng trở nên phổ biến hơn. Từ thực tế này, LS. TS Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, việc mở rộng thêm hình thức khiếu nại, tố cáo cho phép người dân được thực hiện khiếu nại, tố cáo qua mạng xã hội cũng nên được nghiên cứu, cân nhắc để có thể tiếp nhận thông tin nhanh và chính xác.

Quy định chặt hình thức khiếu nại, tố cáo qua mạng xã hội

Theo quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo hiện hành, Nhà nước chưa thừa nhận việc khiếu nại, tố cáo thông qua các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều cơ quan Nhà nước đã coi mạng xã hội là kênh thông tin hữu dụng để giao tiếp với người dân.

Việc UBND thành phố Hà Nội mở thêm kênh cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố trên facebook có tên “Thủ đô Hà Nội - Việt Nam” (tại địa chỉ https://www.facebook.com/TheHanoiCapitalOfVietnam/), bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2015, được nhiều người quan tâm và đánh giá cao.

Trước đó, từ tháng 10/2015, Văn phòng Chính phủ đã thử nghiệm việc cung cấp thông tin qua mạng xã hội, cụ thể là facebook và YouTube, với nội dung ban đầu là các văn bản mà Văn phòng Chính phủ đã cung cấp cho các cơ quan báo chí, đồng thời một số thông tin khác cho người dân qua các kênh này. Trang thông tin trên facebook của Chính phủ có tên “Thông tin Chính phủ” đưa ra mục tiêu cập nhật kịp thời các thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới người dân” hiện đã có gần 62.000 lượt like.

Đi đầu trong việc sử dụng mạng xã hội để giao thiệp với người dân là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Bằng việc lập trang fanpage, nữ Bộ trưởng này đã đón nhận được nhiều thông tin hữu ích và sẵn sàng lắng nghe các góp ý từ người bệnh, người dân về các chính sách và các hoạt động thuộc ngành mình quản lý.

Những ví dụ trên đã cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội để mở rộng thông tin giữa các cơ quan chính quyền với nhân dân gần như là xu thế tất yếu hiện nay, không chỉ do sự lan rộng của mạng xã hội trong đời sống xã hội mà còn xuất phát từ nhu cầu rất lớn của cả phía các cơ quan chính quyền và người dân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mạng xã hội là một “xã hội ảo”, ở đó mọi cá nhân có thể nói bất cứ điều gì, dù đúng, dù sai, dù thật, dù giả. Chính vì hầu như không có sự kiểm soát, nên không ít người với mục đích xấu đã sử dụng mạng xã hội thông qua việc khiếu nại, tố cáo để bêu xấu, bôi nhọ, làm mất uy tín của cá nhân, tổ chức...

LS. TS Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, để tránh tình trạng này thì pháp luật cần quy định chặt chẽ về hình thức khiếu nại, tố cáo qua mạng xã hội. Cụ thể, người khiếu nại, tố cáo phải sử dụng tên, địa chỉ thật; phải chỉ rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, các tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và các thông tin cụ thể khác... để có thể xác định trách nhiệm cũng như quyền lợi của người khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Thu Phương
Đưa thông tin Chính phủ lên các mạng xã hội
Đưa thông tin Chính phủ lên các mạng xã hội

Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ thiết lập mạng xã hội – chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN