Len lỏi tinh vi
“Đường lưỡi bò” phi pháp đã được cài cắm, len lỏi trong nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, công nghệ, du lịch cũng như giáo dục, văn hóa trên thị trường Việt Nam.
Trong tháng 10/2019, bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” được yêu cầu ngừng chiếu vì xuất hiện bản đồ có "đường lưỡi bò". Bản đồ "đường lưỡi bò"cũng xuất hiện trong tài liệu của hãng lữ hành Saigontourist ngày 18/10. Tiếp đó, hơn 1.000 cuốn giáo trình Đọc - Viết và Nghe sơ cấp trong bộ "Developing Chinese" của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải thu hồi vì có bản đồ "đường lưỡi bò".
Đặc biệt, ngày 4/11, xe ôtô Volkswagen triển lãm tại TP Hồ Chí Minh đã bị phát hiện có cài đặt phần mềm dẫn đường sử dụng bản đồ "đường lưỡi bò”.
Ngày 6/11, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ, Cục Hải quan Hải Phòng cũng phát hiện 7 chiếc ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc có cài phần mềm định vị chứa bản đồ có hình ảnh giống “đường lưỡi bò”
Đến ngày 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát đi cảnh báo cho biết, thị trường khu vực miền Nam vừa xuất hiện loại thiết bị biến đổi điện mặt trời (Inverter) xuất xứ nước ngoài có ứng dụng phần mềm để theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, có chứa hình ảnh “đường lưỡi bò”.
"Đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" là khái niệm Trung Quốc dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông, trái ngược hoàn toàn với luật quốc tế hiện hành. Năm 2016 Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố, không chấp nhận Trung Quốc dùng đường lưỡi bò để xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Ngay cả Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng, "đường lưỡi bò" ở Biển Đông của Trung Quốc "vô lý và phi pháp".
Mới đây nhất, ngày 18/11, đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý thị trường Hà Nội làm trưởng đoàn đã phát hiện và tịch thu 10 hộp đồ chơi lắp ghép hình bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” trên vỏ hộp và trong hình lắp ghép. Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cũng phát hiện và tịch thu nhiều bản đồ có hình “đường lưỡi bò” được đăng bán trên các trang thương mại điện tử...
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, ngay khi có các thông tin phản ánh của doanh nghiệp, người dân và báo chí về một số trường hợp doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam để bán, tham gia trưng bày, giới thiệu… có hình ảnh và thông tin về “đường lưỡi bò”, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm các sản phẩm có bản đồ in đường lưỡi bò phi pháp lưu thông trên thị trường.
“Tuy nhiên, nhiều thông tin, hình ảnh vi phạm không thể hiện ra bên ngoài mà được đưa vào các phần mềm, chương trình cài đặt trong các thiết bị, hàng hóa công nghệ nên nếu không qua sử dụng hoặc kiểm tra kỹ thì không phát hiện được. Hơn nữa, việc kiểm tra mỗi sản phẩm, thiết bị công nghệ còn đòi hỏi quy trình kỹ thuật khác nhau. Những vấn đề này, lực lượng quản lý thị trường còn gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường”, ông Trần Hữu Linh cho biết.
Ngăn chặn từ gốc
Ông Trần Hữu Linh cho biết, về chế tài xử lý vi phạm liên quan đến chủ quyền quốc gia thì đã có cả xử lý hành chính và xử lý hình sự. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP mức phạt thấp nhất là 400.000 đồng và cao nhất là 40 triệu đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên. “Mức phạt này chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, đối với trị giá hàng hóa vi phạm từ 100 triệu đồng trở lên hoặc các dấu hiệu nghiêm trọng khác lại chưa được quy định cụ thể để truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Trần Hữu Linh cho biết.
Thời gian tới, để ngăn chặn các sản phẩm có “đường lưỡi bò” len lỏi vào Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ mở rộng, đa dạng hóa và phổ biến các kênh tiếp nhận thông tin từ người tiêu dùng, người dân, doanh nghiệp, báo chí. Lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả ngay từ các nguồn đầu vào của các sản phẩm.
“Chúng tôi cũng đề xuất có cơ quan đầu mối để điều phối sự tham gia của các lực lượng chức năng như hải quan, công an, quản lý thị trường, thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông để kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm vi phạm thâm nhập và lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tham mưu, đề xuất rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, chế tài để xử lý nghiêm, triệt để, có tính răn đe hiệu quả đối với các loại hình vi phạm này”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Là đơn vị có nhiệm vụ “gác cổng” biên giới, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Quản lý giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan đã chỉ đạo hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra 100% các lô hàng ô tô nhập khẩu có khả năng vi phạm pháp luật, phản ánh không đúng sự thật về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ Việt Nam. Trong quá trình kiểm tra giám sát hải quan, nếu phát hiện các hàng hoá có hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia thì sẽ lập biên bản vi phạm, xử lý nghiêm. Quan điểm của cơ quan hải quan là xử lý thật nghiêm ở mức cao nhất theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm liên quan đến chủ quyền quốc gia.
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, việc các sản phẩm có “đường lưỡi bò” đang luồn lách vào Việt Nam cho thấy cơ chế kiểm soát lỏng lẻo trong khâu nhập khẩu, sản xuất và tuồn ra thị trường. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần có một giải pháp căn cơ ngăn chặn các sản phẩm có “đường lưỡi bò” không vào được biên giới, thay vì bán ra thị trường rồi mới tịch thu, xử phạt như hiện nay. Đồng thời, cần có biện pháp mạnh tay hơn, ngoài tịch thu hàng hóa, tiêu hủy thì nếu đơn vị nào tái phạm sẽ bị ngưng hoạt động. Thậm chí tùy theo số lượng hàng hóa nếu phát tán trên diện rộng có thể phải truy cứu trách nhiệm hình sự mới đủ sức răn đe.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp ngăn chặn kịp thời hàng hóa có “đường lưỡi bò” vào Việt Nam, cũng cần phải tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức rõ sự sai trái của bản đồ in "đường lưỡi bò" để bất cứ ai khi thấy sản phẩm có "đường lưỡi bò" phi pháp sẽ tẩy chay, không sử dụng và báo cơ quan chức năng xử lý.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ: Tăng cường nhân lực, công cụ để rà soát
Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan thuộc bộ, trong đó có đơn vị liên quan đến các hoạt động nghệ thuật, đặc biệt Cục Điện ảnh, phải kiện toàn lại nhân sự đối với các bộ phận liên quan đến rà soát nội dung, cấp phép phim, tăng cường trách nhiệm, có thêm những công cụ hiện đại để rà soát…
Chúng tôi cũng kiện toàn lại Hội đồng duyệt phim quốc gia; tới đây, đối với những trường hợp cụ thể có thể phải mời thêm chuyên gia ở các lĩnh vực cùng phối hợp. Bộ cũng giao Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp với các bộ, ngành để rà soát các hình ảnh cũng như âm thanh, lời thoại trong phim.
Đồng thời đề nghị các công ty, doanh nghiệp liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm văn hoá nói chung, điện ảnh nói riêng phải nâng cao trách nhiệm, không thể phó thác cho các cơ quan thẩm định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng: Về lâu dài cần biện pháp kỹ thuật
Bộ Công Thương đã tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý các sản phẩm mang hình ảnh “đường lưỡi bò”. Bộ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động rà soát sản phẩm do doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh.
Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để tuyên truyền đến người dân, người tiêu dùng nâng cao cảnh giác, không mua, không sử dụng và kịp thời phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền đối với hàng hóa có hình ảnh, thông tin về “đường lưỡi bò” và nội dung khác gây ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia, vi phạm quy định pháp luật hiện hành.
Về lâu dài, chúng ta có thể tiến hành các biện pháp kỹ thuật để lọc ra những hình ảnh mang tính chất như vậy để kịp thời ngăn chặn. Mặt khác là sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để có các biện pháp ngăn chặn sự việc tương tự.
TS Thái Văn Tài, Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT: Thẩm định kỹ sách giáo khoa và tài liệu tham khảo
Tài liệu đưa vào giảng dạy trong nhà trường tuỳ vào hình thức sẽ có các hội đồng thẩm định tương ứng. Về mặt pháp lý, Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ có những đánh giá tổng thể hợp lý các nội dung trong SGK, tiếp đó là công việc của nhà xuất bản. Nhà xuất bản chịu trách nhiệm in ấn, phát hành theo Luật Xuất bản.
Với một quy trình chặt chẽ như hiện nay sẽ rất khó có việc những nội dung không phù hợp đặt trong SGK. Đối với các ấn phẩm tham khảo muốn đưa vào sử dụng trong nhà trường thì Sở GD&ĐT, nhà trường phải thẩm định.