Ngăn chặn nạn săn bắt trái phép trong mùa chim di cư

Bước vào mùa chim di cư, tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng đánh bắt trái phép. Để bảo vệ đàn chim di cư, các địa phương và ngành chức năng tại Hà Tĩnh tăng cường tuyên truyền đến người dân, nghiêm cấm hành vi đặt bẫy, mua bán chim trời.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng phối hợp đi kiểm tra, phá dỡ bẫy bắt chim trời tại huyện Nghi Xuân. Ảnh: TTXVN phát

Bước vào mùa mưa cũng là lúc chim trời bắt đầu các chuyến di cư. Trải qua hành trình bay, các loài chim chọn khu vực ven biển vắng vẻ, có cây cối rậm rạp để làm chỗ trú ngụ. Nắm bắt được quy luật này, nhiều người dân ở Hà Tĩnh sử dụng bẫy để đánh bắt các loại chim trời như cò, cói… để bán hoặc chế biến món ăn.

Trước đây, người dân chủ yếu sử dụng dụng cụ thô sơ như que nhạ (que có dính loại nhựa để bẫy chim), cò xốp làm mồi để bẫy bắt chim trời. Hiện nay, nhiều dụng cụ bẫy bắt chim trời tinh vi, thậm chí tận diệt như lưới, loa phát được sử dụng đã đe dọa sự sinh tồn của các loài chim mùa di cư.

Ông Nguyễn Xuân Mận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai biện pháp ngăn chặn nạn bẫy chim trời. Năm nay, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền sớm nhằm nâng cao ý thức người dân, hạn chế ngay từ đầu việc họ đầu tư mua dụng cụ đánh bẫy. So với những năm trước, tình trạng bẫy bắt chim trời đã giảm rõ rệt. Hiện chỉ còn khoảng 20% so với trước đây.

Việc bẫy chim giờ chỉ lén lút, không công khai như trước. Với những trường hợp còn hành nghề, họ chủ yếu đánh bẫy chim trên các cây cao hàng chục mét trong vườn nhà dân nên lực lượng chức năng gặp khó để phá dỡ bẫy.

Huyện Nghi Xuân cũng là địa phương thường xuyên diễn ra tình trạng bẫy bắt chim trời mùa di cư. Vì vậy, hàng năm, lực lượng Kiểm lâm phối hợp chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý nạn săn bắt chim trời.

Từ đầu tháng 9/2024 đến nay, các lực lượng tại huyện Nghi Xuân tổ chức 8 lượt kiểm tra, thu giữ 26 con chim mồi sống, 270 con chim giả làm bằng xốp, 450m2 lưới, hơn 2.300 que nhạ và tháo dỡ 22 lùm bẫy chim.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng tiêu hủy dụng cụ bẫy bắt chim trời để bảo vệ đàn chim mùa di cư. Ảnh: TTXVN phát

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân Trần Thanh Trường cho biết, ngăn chặn tình trạng săn bắt chim trời, ngay khi chuẩn bị bước vào mùa mưa, đơn vị cử lực lượng xuống cơ sở kiểm tra, tổ chức tuyên truyền để người dân không lén lút mua bẫy về săn bắt chim. Đồng thời, nắm bắt tình hình hoạt động bẫy, săn bắt, mua bán và tiêu thụ chim tự nhiên, chim di cư trên địa bàn, từ đó, tham mưu chính quyền địa phương tổ chức lực lượng phối hợp ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư cho người dân. Nhờ đó, tình trạng săn bắt động vật hoang dã nói chung, nạn đánh bắt chim trời nói riêng tại Hà Tĩnh giảm rõ rệt.

Từ đầu tháng 8/2024 đến nay, toàn tỉnh tổ chức hơn 15 cuộc kiểm tra, 30 cuộc tuyên truyền, ký cam kết gần 300 bản; tịch thu, thả vào tự nhiên gần 20 cá thể các loài chim mồi còn sống, tiêu hủy hàng nghìn chim mồi giả, gần 10.000 que nhạ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn, hiện nay, nạn bẫy bắt chim trời ngày càng tinh vi. Trước đây, một số người đánh bẫy thường sử dụng tấm xốp tạo hình giống con cò để giăng bẫy, dễ bị lực lượng chức năng phát hiện, phá dỡ. Hiện, họ chỉ cắm những que đã dính nhựa nhỏ trên lùm cây để lực lượng chức năng khó phát hiện.

Trước thực trạng đó, lực lượng Kiểm lâm ở các huyện, thị đang tăng cường kiểm tra, ngăn chặn nạn bẫy chim trời. Lực lượng chức năng Hà Tĩnh ra quân bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ chim di cư. Qua đó, nạn bẫy bắt chim trời, giết mổ, ăn thịt động vật hoang dã giảm rất rõ rệt.

Hữu Quyết (TTXVN)
Ngày Quốc tế Chim di cư 14/10: 'Nước - Duy trì sự sống của các loài chim'
Ngày Quốc tế Chim di cư 14/10: 'Nước - Duy trì sự sống của các loài chim'

Ngày Quốc tế Chim di cư 14/10 ra đời với mục đích nâng cao nhận thức toàn cầu về các loài chim di cư và nhu cầu hợp tác quốc tế để bảo tồn chúng. Ngày Quốc tế Chim di cư năm 2023 với chủ đề “Nước: Duy trì sự sống của các loài chim” nhằm nêu bật tầm quan trọng của nước đối với các loài chim di cư trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN