Điều chỉnh lịch lao động, tránh giờ nắng gắt
Tại Nghệ An, thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là với những người phải lao động ngoài trời. Hằng ngày nắng nóng gay gắt nhất là từ 10 giờ đến 15 giờ. Thời điểm này, những tuyến đường trên địa bàn thành phố Vinh rất vắng vẻ. Những người có việc buộc phải đi ra đường đều trang bị khẩu trang và đặc biệt là mặc áo chống nắng kín mít. Thậm chí tại các điểm có tín hiệu đèn giao thông, nhiều người tham gia giao thông chấp nhận vi phạm để dừng đỗ xe nơi có bóng cây khi chờ đèn đỏ.
Chị Nguyễn Thị Lan, trú tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết: “Thời tiết nắng nóng nên tôi hạn chế ra đường, trừ khi có việc rất cần thiết. Trời nắng cộng với hơi nóng từ đường nhựa tỏa lên khiến mọi người đều cảm thấy khó thở, người rất nhanh mệt”.
Nắng nóng gay gắt, những người thường xuyên mưu sinh ở ngoài trời như công nhân xây dựng, xe ôm, những người làm nghề cửu vạn... càng thêm vất vả. Anh Hoàng Văn Hải, làm nghề xe ôm ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh chia sẻ: Nắng quá nên không ai muốn ra đường, không có khách đồng nghĩa với không có thu nhập. Ai cũng muốn ở trong nhà nhưng vì mưu sinh, anh vẫn phải ra đường và lúc nào cũng mang theo 2 bình nước to, treo sẵn ở xe để uống.
Còn anh Bùi Văn Tiến làm nghề xây dựng ở phường Hưng Dũng, thành phố Vinh cho biết: Để tránh nắng, các công nhân như anh tranh thủ đi làm thật sớm để nghỉ trưa sớm hơn so với những ngày trời mát. Buổi chiều các anh cũng phải làm muộn và nghỉ muộn hơn...
Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến những người thường xuyên lao động ngoài trời mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người già và trẻ nhỏ. Những ngày qua, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các Khoa: Hô hấp, Tiêu hóa, Hồi sức cấp cứu, Tai mũi họng đều tiếp nhận, thăm khám và điều trị nội trú cho lượng bệnh nhân nhiều gấp 1,5 - 2 lần so với ngày bình thường. Các trẻ tới khám và điều trị tại đây chủ yếu mắc bệnh lý về hô hấp như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản và tiêu chảy, sốt phát ban.
Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo: Thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh cần tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột đối với trẻ, khi đi ra ngoài trời nắng cần đội mũ cho trẻ nhỏ, thực hiện nghiêm việc đảm bảo chế độ ăn chín, uống sôi, tránh ăn các thức ăn ôi thiu.
Bên cạnh đó, nắng nóng cũng làm gia tăng nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là nhu cầu mua sắm các thiết bị điện tử làm mát như: Quạt điện, quạt hơi nước, máy điều hòa, máy làm mát. Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, gần khu vực chợ Vinh, trong những ngày nắng nóng đã bán các thiết bị điện làm mát với số lượng nhiều gấp 3 lần so với những ngày bình thường. Tuy nhiên, giá các loại mặt hàng này cũng chỉ tăng nhẹ so với các năm trước. Tùy khả năng mà khách hàng có thể chọn mua các loại sản phẩm phù hợp.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ cho biết: Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng ở phía Tây gây hiệu ứng phơn nên đã xuất hiện một đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Nhiệt độ từ 37 - 39 độ C, có nơi lên đến 40 độ C, đặc biệt là vùng Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa) ngày 2/7 nhiệt độ lên tới 40,2 độ C.
Chú ý phòng bệnh cho người già và trẻ em
Không chỉ ở Nghệ An, tại Hòa Bình thời tiết nắng nóng gay gắt với nền nhiệt 38 - 40 độ C trong những ngày này khiến số trẻ em và người già nhập viện tăng đột biến.
Theo bác sỹ Hoàng Công Tình, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, hơn 50% số bệnh nhân đến khám và điều trị trong những ngày này mắc các bệnh do thời tiết quá nóng.
Từ ngày 2/7 đến nay, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thường xuyên trong tình trạng quá tải do lượng bệnh nhân tăng đột biến. Bệnh nhân nhập viện điều trị chủ yếu mắc các bệnh lý mãn tính như: Tăng huyết áp, hen phế quản, suy tim. Thời tiết nắng nóng gay gắt cũng là nguyên nhân gây biến chứng của bệnh lý tăng huyết áp như đột quỵ não khiến nhiều bệnh nhân phải nhập viện.
Theo công suất thiết kế, Khoa hồi sức tích cực kê tối đa 14 giường bệnh nhưng hiện nay khoa đã phải kê thêm 7 giường để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Còn Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, từ ngày 2/7 đến nay đã tiếp nhận cấp cứu 15 trường hợp đột quỵ não. Ngoài ra, còn có các trường hợp mắc các bệnh lý về gan, tim mạch, xuất huyết tiêu hoá. Tại Khoa Nhi của bệnh viện, từ ngày 2/7 đến nay đã tiếp nhận gần 100 trường hợp đến khám và điều trị, tăng đột biến so với những ngày thời tiết chưa nắng nóng gay gắt. Đa phần các bệnh nhân nhi nhập viện đều liên quan đến các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, sốt vi rút… Đặc biệt nhiều trẻ nhập viện do bị sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi, sốt cao khó hạ thân nhiệt hoặc bị bệnh đường tiêu hoá nặng do thức ăn không đảm bảo.
Trước nguy cơ quá tải bệnh nhân nhập viện do thời tiết nắng nóng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã triển khai kế hoạch, phương án đảm bảo tốt nhất về trang thiết bị y tế, giường bệnh, kịp thời cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã có kế hoạch và phương án kê thêm giường bệnh tại các khoa và phối hợp với các khoa lâm sàng về chuyên môn, trang thiết bị để có thể cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời.
Theo dự báo, nắng nóng gay gắt còn kéo dài, bác sỹ Ninh Duy Kiên, bác sỹ Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ cần hết sức chú ý, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, co giật cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu hóa..
Tại Ninh Bình, số bệnh nhi đến thăm khám vào điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình cũng tăng đột biến. Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình, khoảng 1 tuần trở lại đây có từ 120 đến 130 bệnh nhân/ngày được đưa đến khám bệnh, trong số này có từ 30 đến 35 bệnh nhân/ngày phải điều trị tại viện. Mặc dù được điều trị trong phòng điều hòa, nhưng nhiều bệnh nhi vẫn khó chịu, quấy khóc khiến cho các phòng bệnh vốn đã chật chội càng thêm ngột ngạt. Theo các bác sỹ tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình, số bệnh nhân đến khám và điều trị so với những ngày trời không nắng nóng tăng từ 10 đến 15%.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình, đặc điểm khí hậu mùa hè nắng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển. Các bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất ở trẻ em thường do virut, một số bệnh do vệ sinh không đảm bảo sạch sẽ và bị nhiễm vi khuẩn lây bệnh. Trong điều kiện thời tiết đặc biệt nắng nóng như hiện nay, trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh tay chân miệng.
Cũng theo bác sỹ Hà, khi trẻ có dấu hiệu bệnh lý như: Sốt, mệt mỏi, ho hoặc có những biểu hiện phát ban ngoài da các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến những cơ sở y tế gần nhất để bác sỹ khám, chẩn đoán phân loại bệnh nhân. Bên cạnh đó, cần hạn chế đưa ra ngoài trời nắng thời điểm từ 10 giờ đến 16 giờ hằng ngày...
Theo thống kê của bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình, từ ngày 25/6 đến 3/7 có tới 1.823 lượt trẻ đến khám và điều trị. Trong đó riêng 2 ngày 2 và 3/7, có tới 426 lượt bệnh nhi đến khám, 131 trường hợp nhập viện, tăng khoảng 15% so với những ngày trước đó.