Nam Định tự hào là quê hương, đất phát tích của Vương triều Trần, một triều đại phong kiến thịnh trị bậc nhất với võ công, văn trị lẫy lừng; là nơi có hành cung Thiên Trường, trong lịch sử được coi là kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt sau Thăng Long. Trong những ngày này, Đảng bộ, quân và dân Nam Định đang sôi nổi các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng Đại lễ 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Nhân sự kiện chính trị - văn hóa trọng đại này, Báo Tin tức xin giới thiệu bài phỏng vấn đồng chí Phạm Hồng Hà (ảnh), Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định.
´Xin đồng chí giới thiệu khái quát về sự hình thành và phát triển của vùng đất Thiên Trường - Nam Định trong suốt 750 năm, từ Vương triều Trần đến thời đại Hồ Chí Minh và thời kỳ đổi mới.
Nam Định là miền đất cổ, có từ thời Hùng Vương, liên tục được mở mang, xây đắp và phát triển bởi công lao, trí tuệ của nhân dân và Nhà nước qua các thời kỳ lịch sử. Nam Định là nơi phát tích và gắn liền suốt 175 năm trị vì của vương triều Trần, một trong những triều đại phong kiến hưng thịnh vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc, một vương triều đã biết huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, làm nên chiến công vĩ đại: Ba lần đánh thắng; đè bẹp ý đồ bành trướng, xâm lược nước ta của đế chế Nguyên Mông, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, tự do của dân tộc trước một thế lực ngoại xâm hùng mạnh, hung hãn nhất trên thế giới thời đó. Với chủ trương khoan thư sức dân, coi đó là kế sâu rễ, bền gốc, thượng sách giữ nước; thực thi chính sách chấn hưng kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, trọng dụng nhân tài… Nhà Trần đã đưa nước ta vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất so với trước đó. Những đấng quân vương anh minh, lỗi lạc như Đức vua Trần Thái Tông, Đức vua Trần Thánh Tông, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đức vua Trần Anh Tông… Những nhà quân sự, chính trị tài năng, kiệt xuất, văn võ song toàn như Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Thái sư Trần Thủ Độ, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, người thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản… Những chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng… đã mãi mãi ghi sâu trong lòng dân tộc Việt Nam.
Cột cờ thành phố Nam Định, một trong những công trình kiến trúc cổ, có nhiều giá trị lịch sử và văn hóa. |
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, cách đây đúng 750 năm, vào mùa xuân năm 1262 Thượng hoàng Trần Thái Tông đã ban chiếu thăng hương Tức Mạc (nay thuộc thành phố Nam Định) thành phủ Thiên Trường bao gồm miền hữu ngạn hạ lưu sông Hồng (nay thuộc tỉnh Nam Định) và một phần tả ngạn (nay thuộc tỉnh Thái Bình) với Tức Mạc là thủ phủ. Từ đây, Thiên Trường đã trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, được coi như Kinh đô thứ hai sau Kinh thành Thăng Long của nhà Trần.
Với những ưu thế lớn trong quân sự, nguồn nhân lực, vật lực dồi dào, kinh tế trù phú, Thiên Trường đã có vị trí trọng yếu, then chốt trong thế trận giữ nước của nhà Trần.
Thiên Trường đã để lại những dấu ấn đậm nét, đặc sắc trong nền văn hóa, nghệ thuật thời Trần với những công trình kiến trúc nổi tiếng như chùa Tháp Phổ Minh, các hình thức hoạt động văn hóa cộng đồng, lễ hội dân gian đa dạng, phong phú như hát chèo, hát chầu văn, múa bài bông, lễ khai Ấn, lễ hội phủ Giầy, chùa Keo… mang đậm bản sắc dân tộc Việt, còn được lưu truyền, lan tỏa cho tới ngày nay. Nhà Trần đã lập Nhà học ở Thiên Trường, dấu mốc khởi đầu cho truyền thống hiếu học, khuyến học và học giỏi của vùng đất Thiên Trường - Nam Định, nơi đây đã sinh ra nhiều bậc đại khoa, trí thức tiêu biểu như Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích (thời Trần), Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu (thời Lê Sơ), Trạng nguyên Trần Văn Bảo (triều Mạc và Lê - Trịnh); Tam nguyên Trần Bích San, Tiến sỹ Khiếu Năng Tĩnh, Đặng Xuân Bảng (triều Nguyễn)… góp phần làm rạng danh đất nước.
Thiên Trường - Nam Định cũng gắn liền với quá trình hình thành một đô thị sầm uất. Từ phủ Thiên Trường thời Trần, quá trình đô thị hóa được tiếp diễn trong các giai đoạn, đặc biệt từ đầu thế kỷ XX với việc nhà Nguyễn cho xây thành bằng gạch (năm 1833), xây cột cờ (năm 1843) và sự ra đời của Nhà máy Dệt sợi năm 1889, đến năm 1921, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định đã tạo điều kiện hình thành các phố phường, khu thương mại, trường học… mau chóng đưa Nam Định trở thành đô thị trung tâm của khu vực.
Từ thế kỷ XV, trải qua các triều đại nhà Mạc, Lê, Nguyễn, Thiên Trường vẫn được coi là vùng đất xung yếu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc khai hoang lấn biển mở mang bờ cõi cho đất nước.
750 năm qua, mặc dù trải qua nhiều lần thay đổi địa giới, tên gọi nhưng Thiên Trường - Nam Định vẫn là mạch nguồn xuyên suốt, vẫn giữ được vai trò trung tâm văn hóa, kinh tế của khu vực, một vùng địa linh, nhân kiệt, góp phần hội tụ, hình thành và tỏa sáng nhiều giá trị nhân văn to lớn của dân tộc.
Ở thời đại Hồ Chí Minh, Nam Định là một trong những chiếc nôi của phong trào yêu nước, phong trào công nhân và tổ chức Cộng sản. Đi theo Đảng, theo Bác, nhân dân Nam Định đã có những đóng góp xứng đáng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ, quân và dân Nam Định đã đem tất cả nhân tài, vật lực vừa sản xuất, chiến đấu thắng lợi, vừa phục vụ cho tiền tuyến lớn. Hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm; hàng trăm nghìn mét vải; hơn 165.000 người con ưu tú đã được huy động cho tiền tuyến, trong đó gần 36.000 người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, hiến dâng tuổi xuân cho đất nước.
Tự hào, phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, trong những năm qua, với sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân, Nam Định đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên con đường phát triển. Sau 15 năm tái lập tỉnh (1997 - 2012), tổng sản phẩm xã hội (GDP) tăng hơn 8 lần; sản lượng lương thực đạt xấp xỉ 1 triệu tấn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ năm 2011 đạt 71,2%. Sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Các hoạt động dịch vụ được mở rộng. Vốn đầu tư phát triển và sản xuất tăng gấp 3 lần. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng quan trọng đã và đang được đầu tư, có tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn dưới 6%. Các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm chăm lo và ngày càng phát triển toàn diện hơn. Ngành giáo dục - đào tạo của tỉnh nhiều năm liền là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền luôn được chú trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vai trò hạt nhân của các tổ chức đảng và đảng viên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững.
Thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và đang phấn đấu từng bước trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Với những thành tích đạt được trong giai đoạn 2005 - 2010, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý.
´Đảng bộ Nam Định đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp như thế nào để thúc đẩy phát triển Nam Định trở thành tỉnh giàu mạnh và văn minh, xứng tầm là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thưa đồng chí?
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định phương hướng, mục tiêu tổng quát của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, trong đó cốt lõi là: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Củng cố khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Chăm lo nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, chủ động tạo dựng và nắm bắt thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển so với tốc độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Sớm xây dựng thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng...".
Từ phương hướng, mục tiêu tổng quát đó, Nghị quyết cũng đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: (1) Tập trung xây dựng thành phố Nam Định và phát triển kinh tế biển để trở thành các vùng động lực kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển đột phá. (2) Xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, bền vững, đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo thế ổn định, vững chắc cho sự phát triển chung của tỉnh và bước phát triển mới của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. (3) Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, nâng cao khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. (4) Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, củng cố sự đồng thuận xã hội, tạo động lực tinh thần cho quá trình phát triển của tỉnh. (5) Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ.
Những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của Nam Định trong thời gian tới là rất nặng nề, nhưng dưới sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ, ủng hộ của các bộ, ban, ngành, các địa phương trong cả nước và đặc biệt với truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Nam Định sẽ quyết tâm phấn đấu, vượt lên khó khăn, tiếp tục tiến vững chắc trên con đường xây dựng tỉnh Nam Định giàu mạnh, văn minh.
Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Trường (thực hiện)