Nước lũ dâng cao làm ngập nhà dân xã Thành Vinh (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN |
Mực nước trên sông Mã tại trạm Cẩm Thủy 17,69m, tại Lý Nhân 11,22m, tại Giàng đạt 7,5m; sông Lèn tại Lèn đạt 6,57m; sông Chu tại Xuân Khánh đạt 10,94m; sông Cầu Chày tại Xuân Vinh đạt 10,78m. Riêng sông Bưởi tại Kim Tân đang tiếp tục lên, lúc 9 giờ ngày 12/10 đạt 13,67m, cao hơn báo động III 1,67m. Dự báo đến chiều 12/10 lũ trên sông Bưởi sẽ đạt mức 13,8m.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến sáng 12/10, Thanh Hóa có 8 người chết, 3 người bị thương, 4 người mất tích do mưa lũ. Trong những người thiệt mạng, một số trường hợp có nguyên nhân chủ quan như đi đánh cá bằng kích điện, đi qua các tràn khi mực nước lên cao và đang chảy xiết, đi vớt củi trong nước lũ... Vì vậy, Thanh Hóa yêu cầu các địa phương lưu ý tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho nhân dân, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân sinh sống ở khu vực ven sông, ven suối, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, UBND các huyện trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức sơ tán dân sinh sống ở khu vực trũng, thấp, nguy cơ sạt lở cao. Đến sáng 12/10, Thanh Hóa đã di dân 13.854 hộ đến nơi an toàn.
Mưa lũ khiến tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt đoạn qua huyện Hà Trung (Thanh Hóa) bị ngập cục bộ, khiến các chuyến tàu Bắc - Nam bị ách tắc. Các phương tiện cơ giới lưu thông Nam ra Bắc có thể rẽ về Quốc lộ 10 đi qua huyện Kim Sơn (Ninh Bình) để đi các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã huy động quân số chốt chặn các điểm bị ngập, hướng dẫn, phân luồng giao thông, điều khiển hướng di chuyển của các phương tiện giao thông, không để đi vào vùng ngập lụt.
Từ 19 giờ 11/10 đến sáng 12/10, trên địa bàn Thanh Hóa không còn mưa (duy nhất có tại Bá Thước mưa 5mm), mực nước thượng nguồn đổ về đã giảm nên sáng 12/10, tỉnh đã chỉ đạo dừng xả hồ Cửa Đạt (Thường Xuân) để bảo đảm cho vùng hạ du.
Hiện nay, tất cả hồ đập trên địa bàn tỉnh đã đạt và vượt ngưỡng thiết kế. Vì vậy, Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị thủy nông được giao quản lý phải tổ chức vận hành theo đúng quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Công Thương chuẩn bị nước đóng chai, lương khô, mì tôm sẵn sàng hỗ trợ cho nhân dân vùng ngập lụt. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế chuẩn bị thuốc xử lý vệ sinh môi trường khi nước rút.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị phương án khôi phục sản xuất vụ Đông, trong đó có phương án hỗ trợ giống, vật tư để bà con tái sản xuất ngay sau khi nước lũ rút.