Cụ thể, từ tháng 8/2017 đến nay, Khoa điều trị rắn cắn thuộc Trung tâm Nghiên cứu, nuôi trồng và chế biến dược liệu đã tiếp nhận trên 350 ca do bị rắn độc cắn.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm mùa mưa lũ nên số lượng rắn xuất hiện nhiều, tập trung ở một số tỉnh như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp... Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến số bệnh nhân bị rắn cắn gia tăng mạnh. Đặc biệt là khi bị những loại rắn độc như Hổ mang, Hổ hèo, rắn Lục đuôi đỏ... cắn, nếu không được đưa đi cấp cứu, chữa trị kịp thời rất dễ dẫn tới tử vong.
Theo bác sĩ Lê Văn Tâm, 100% những ca bị rắn độc cắn được đưa đến Khoa cứu chữa đều đã hồi phục sức khỏe, không có trường hợp tử vong. Bác sĩ Tâm cho biết, điểm cốt yếu trong việc điều trị rắn cắn là phải xác định được loại rắn nào cắn để kịp thời chữa trị bằng huyết thanh. Đối với các loài rắn như Hổ mang chúa, Hổ hèo... khi nọc độc của những loài này tiếp xúc với cơ thể con người sẽ gây ra nhiễm độc ảnh hưởng tới hệ thần kinh, xuất hiện nhiều triệu chứng như nôn ói, chóng mặt, mất kiểm soát... Còn đối với loài rắn lục, nọc độc sẽ tập trung tấn công vào máu, gây nhiễm trùng và hoại tử. Khi đã xác định được bị nhiễm độc loại nào, sẽ điều trị bằng kháng huyết thanh theo loại độc đó và tỷ lệ chữa khỏi tuyệt đối.
Thiếu tá, bác sĩ Lê Văn Tâm khuyến cáo người dân khi làm việc, di chuyển qua những bụi cây cỏ rậm rạp, những vùng ngập nước nên quan sát kỹ, nhằm tránh bị rắn cắn. Nếu không may bị rắn cắn, không nên chữa trị bằng những loại lá cây dại vì rất có thể dẫn tới nhiễm trùng. Đồng thời, chú ý xem đó là loại rắn gì, sau đó phải lập tức sơ cứu và đưa ngay đến trung tâm y tế hoặc đến Khoa điều trị rắn cắn để được cứu chữa kịp thời.