Cụ thể, tại tỉnh Nghệ An, mưa lớn làm ngập 5.250 hộ, 2.819 ha hoa màu, 1.668 ha thuỷ sản, 4 nhà bị đổ do sạt lở đất, có 5 vị trí sạt lở núi, 9 điểm sạt lở tại Quốc lộ 15; đồng ruộng và mương nước trên cánh đồng tại Nghệ An ngập nước, một số tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn gây ngập 107 ha rau màu; các huyện Hương Sơn, Hương Khê đã chủ động cho học sinh một số trường nghỉ học. Tỉnh Bình Định có 1 người chết do sét đánh khi đi trên đường tại huyện Tuy Phước.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; bằng mọi hình thức thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh.
Đối với khu vực miền núi, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo huy động lực lượng tại chỗ kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao, các hộ dân sống ven sông, suối, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, báo cáo chính quyền và thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh.
Còn với khu vực đồng bằng kiểm tra, rà soát các khu vực trũng thấp, khu dân cư tập trung có nguy cơ ngập lụt và các địa bàn thường xuyên bị chia cắt; sẵn sàng phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Các tỉnh, thành phố nói trên sẵn sàng tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, sông suối, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là các hồ chứa nhỏ, công trình đang thi công, các công trình đã xảy ra sự cố do mưa lũ trong thời gian qua; tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.