Tính đến hết tháng 6/2018, tỉnh Sơn La có 65.048 người tham gia bảo hiểm xã hội trên tổng số 682.511 người trong lực lượng lao động, chiếm 9,53%. Trong đó, 1.989 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 0,29%.
Tính cả 50.492 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp 1.172.356 người tham gia bảo hiểm y tế, Sơn La đạt tỷ lệ bao phủ 95,03% dân số, vượt 0,33% chỉ tiêu được giao. Sở dĩ Sơn La đạt tỷ lệ bao phủ 95,03% dân số là do địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Sau hơn 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do Sơn La là tỉnh miền núi nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiên tai thường xuyên diễn ra… khiến lao động tham gia bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng rất thấp.
Mặc dù nhận thức được lợi ích mang lại, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình nên nhiều người chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Mặt khác, vấn đề thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội cũng là lý do khiến nhiều người ngần ngại.
Chị Nguyễn Thị Thu, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã cho biết, chị được phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội và thấy lợi ích từ việc tham gia. Tuy nhiên, do thu nhập không ổn định nên chị chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Anh Đỗ Văn Tiệp ở xã Nà Nghịu cũng cho biết, anh rất muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng công việc không ổn định, thời gian tham gia theo quy định là 20 năm nên anh không biết mình có theo được không?
Anh Đinh Văn Trọng, chủ cửa hàng tạp hóa lớn tại thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, cho biết trước kia kinh tế gia đình khó khăn, anh không nghĩ đến việc đóng bảo hiểm xã hội. Hiện nay, kinh tế đã khá hơn, anh rất muốn tham gia nhưng mức đóng 20 năm là dài. “Theo tôi nên quy định ở hai mức thời gian đóng bảo hiểm như sau: Những người dưới 40 tuổi, đóng ở mức 20 năm theo quy định hiện nay, còn những người trên 40 tuổi nên rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm còn 15 năm là hợp lý”, anh Trọng đề xuất.
Từ năm 2018, Nhà nước hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể là hỗ trợ 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với những đối tượng còn lại. Về vấn đề này, theo ông Ngô Văn Long, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Sông Mã, mức hỗ trợ này vẫn rất thấp, cần nâng lên mới khuyến khích người dân tham gia.
“Về hỗ trợ của Nhà nước được thực hiện từ năm 2018, tôi đề xuất hộ nghèo là 50%, cận nghèo 40% và đối tượng còn lại 30%. Vì mức hỗ trợ hiện nay cho hộ cận nghèo chỉ vào khoảng 15.000 đồng/tháng”, ông Long kiến nghị.
Để thực hiện hiệu quả công tác phát triển bảo hiểm xã hội, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La Nguyễn Thế Quân cho biết: Đơn vị đã phối hợp với các ngành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình hành động phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của địa phương đạt 15%; trong đó bảo hiểm xã hội bắt buộc là 10,2% và bảo hiểm xã hội tự nguyện là 4,8%.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những đơn vị sử dụng lao động, đảm bảo kế hoạch được giao. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội tới tận thôn, bản, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện.
“Một trong những giải pháp nữa là sẽ triển khai giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã; đồng thời mở rộng mạng lưới đại lý thu tới tận thôn, bản, tiểu khu; đào tạo nhân viên đại lý thu có đủ kỹ năng và hiểu biết cơ bản về chính sách bảo hiểm xã hội”, ông Nguyễn Thế Quân nhấn mạnh.