Mệnh lệnh trái tim của bác sĩ quân y

Sau khi trở về từ bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, Thiếu tá, Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học Viện Quân y) đã lập "Nhóm Bác sỹ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà".

Chú thích ảnh
Bác sỹ quân y tư vấn cho bệnh nhân COVID-19.

Rạng sáng 2/1, bệnh nhân COVID-19 có tên Phan Hxx… đăng trên mạng xã hội Facebook “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” lời khẩn cầu: “Hiện em khó thở nhưng chưa có bình ôxy thì phải làm sao?” Ngay lập tức, tài khoản Facebook Bui Cong Sy (bác sĩ Bùi Công Sỹ, công tác tại Bệnh viện 103) phản hồi: “Chào bạn, nếu khó thở, SpO2 tụt mà chưa có ôxy, bạn cần gọi ngay cấp cứu. Trong lúc chờ đợi, bạn có thể áp dụng một số bài tập vận động cho dễ chịu. Bệnh nhân cần bình tĩnh, cố gắng hít thở từ từ…”. Sau đó, các bác sỹ hướng dẫn chi tiết cho bệnh nhân cách tự theo dõi, điều trị trong khi chờ can thiệp y tế.

Chú thích ảnh
Nhóm bác sỹ quân y thu hút được gần 60.000 thành viên tham gia.

Mỗi ngày, trên 30 bác sỹ là thành viên nhóm tư vấn sức khỏe nhận được 20 - 30 cú điện thoại, tin nhắn của các bệnh nhân F0 hay có người nhà là F0 ở Hà Nội, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, hỏi về cách dùng thuốc, kết quả test nhanh, đo nồng độ ôxy máu, các dấu hiệu ho, sốt, khó thở... Người bệnh gửi hình ảnh kết quả SpO2, đơn thuốc hoặc gọi video call để được theo dõi, hướng dẫn các bài tập thở. Bác sỹ khoa sản hỗ trợ cho F0 là bà bầu; bác sỹ khoa nhi hướng dẫn phụ huynh điều trị F0 là bệnh nhân nhi…

Cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần, công việc của bác sỹ Hoàng Thanh Tuấn (admin - người quản lý nhóm bác sĩ quân y) luôn tất bật. Sau các ca mổ tại bệnh viện kéo dài từ sáng tới đầu giờ chiều, bác sỹ Tuấn lại tư vấn online, hướng dẫn F0 uống thuốc, nhận biết các dấu hiệu bệnh trở nặng, đặc biệt luôn giữ kết nối với chính quyền địa phương và y tế để cấp cứu kịp thời.

Chú thích ảnh
Danh sách các bác sỹ tình nguyện hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà.

Bác sỹ Hoàng Thanh Tuấn từng giữ vai trò trưởng đoàn công tác Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác tham gia chi viện cho các tỉnh phía Nam. “Chúng tôi là người lính. Mệnh lệnh từ trái tim là giúp đỡ nhân dân trong mọi hoàn cảnh, bằng mọi phương thức. Trong thời đại chuyển đổi số, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho bệnh nhân F0 bằng hình thức trực tuyến nhằm giúp bà con có kiến thức tốt nhất chống dịch, đồng thời, hạn chế áp lực cho y tế địa phương. Ý tưởng thành lập nhóm hỗ trợ từ đó hình thành”, bác sỹ Thanh Tuấn cho biết.

Theo bác sỹ Tuấn, các nền tảng mạng xã hội hỗ trợ cho các bác sỹ rất hiệu quả, làm giảm thời gian di chuyển, chăm sóc được nhiều bệnh nhân F0 hơn. “Giai đoạn cuối tháng 8/2021, do số lượng bệnh nhân F0 cần theo dõi quá lớn, từ 500 - 600 người/ phường, chúng tôi phải sử dụng tất cả các phương tiện cá nhân như điện thoại và các nền tảng mạng xã hội khác để tư vấn, hỗ trợ và điều trị”, bác sỹ Tuấn chia sẻ.

Trên Fanpage của Nhóm bác sĩ quân y cung cấp số điện thoại của các bác sỹ thành viên để hỗ trợ trực tiếp những người không thể tiếp cận Facebook. Qua khám bệnh, tư vấn trên điện thoại, các bác sỹ có thể nhận định sơ bộ về tình trạng bệnh, từ đó định hướng tuyến điều trị phù hợp, giảm tải cho cơ sở y tế tuyến sau; đồng thời hỗ trợ tâm lý cho người bệnh yên tâm điều trị tại nhà. Mọi hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh đều được thực hiện tự nguyện, miễn phí. “Hy vọng, chúng tôi sẽ có bước tiến dài hơn nữa, có thể góp một phần công sức hỗ trợ phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay”, bác sỹ Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Bác sỹ Hoàng Thanh Tuấn.

Đa phần người bệnh sau khi được động viên và tư vấn, đã bình tĩnh tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sức khỏe của y tế địa phương cũng như kênh tư vấn online. Nhiều người vui mừng thông báo khỏi bệnh sau vài ngày.

Nhóm còn hỗ trợ cho các trường hợp nhiễm bệnh thể nhẹ đang được cách ly, điều trị tại nhà trong chương trình “Hỗ trợ tư vấn y tế miễn phí dành cho F0 điều trị tại nhà từ xa” do TS.BS Vũ Quốc Bình - nguyên Cục trưởng Cục Quân y chủ trì huy động 50 chuyên gia là đội ngũ y, bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, điều dưỡng viên tham gia. Chương trình được triển khai trên ứng dụng 365 Bác sĩ và tổng đài 19001544. Các bác sĩ và đội ngũ điều dưỡng viên được tiếp cận danh sách bệnh nhân, thường xuyên phân tích biểu đồ tìm kiếm sự bất thường thông qua số liệu cập nhật tại ứng dụng 2 lần ngày.

Các điều dưỡng viên gọi điện định kỳ và theo chỉ định của bác sĩ để cập nhật thông tin của bệnh nhân. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ chủ động kết nối với bệnh nhân thông qua App chat box hoặc video call để tư vấn, hướng dẫn điều trị. Bệnh nhân cũng có thể gọi phím SOS trên App 365 Bác sĩ hoặc gọi tổng đài 19001544 để được hỗ trợ trong các trường hợp khẩn cấp.

Thông qua ứng dụng, các bác sỹ và nhân viên y tế quản lý và theo dõi tình hình bệnh nhân được bài bản, hệ thống, không bị sót thông tin, tối ưu hoá được hiệu quả theo dõi điều trị, tiết kiệm nguồn lực, thời gian của cán bộ y tế.

Theo các bác sỹ, các gia đình có người nhiễm COVID-19 cần bình tĩnh, không nên chia sẻ các đơn thuốc để dùng chung, vì nếu dùng corticoid hay hạ sốt, giảm đau không đúng chỉ định, có thể gây viêm dạ dày cấp, loét, thậm chí chảy máu hoặc thủng dạ dày. “Chúng ta dự phòng bằng cách thực hiện tốt khuyến cáo 5K, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, có thể bổ sung thêm vitamin C, 3B”, bác sỹ Thắng khuyến cáo.

Minh Phương/Báo Tin tức
Trà Vinh: Hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà
Trà Vinh: Hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Trà Vinh, tính đến sáng 3/1, toàn tỉnh ghi nhận 22.653 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN