Mang thai hộ: Hồ sơ phải chặt chẽ

Việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/3/2015. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tới đây tỷ lệ được chấp nhận cho mang thai hộ sẽ rất hạn chế so với nhu cầu thực tế, bởi “cánh cửa” pháp lý quá hẹp.

Quy định khắt khe

Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong ba bệnh viện được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Suốt 10 năm, chị N. T. B (Hoài Đức, Hà Nội) ngược xuôi từ Bắc vào Nam, thậm chí là đi cả nước ngoài để chữa vô sinh nhưng không có kết quả. Tưởng như cơ hội làm mẹ đã tắt thì chị B. biết được thông tin Nhà nước cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Ngay lập tức, chị B. đã đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương (1 trong 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ) để làm thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, khi được bác sĩ tư vấn, chị B. mới biết mọi việc không hề đơn giản.

Chị B. chia sẻ: “Em dâu đã đồng ý mang thai hộ vợ chồng tôi, tuy nhiên không có nghĩa là sẽ được chấp nhận bởi phải qua khâu xác minh pháp lý rất chặt chẽ, trong đó phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng người mang thai hộ”. Đối với chị B., đây là rào cản lớn nhất vì tâm lý chung của các gia đình Việt Nam, chẳng mấy ông chồng lại có thể dễ dàng gật đầu đồng ý cho vợ mình đi mang thai hộ cho người khác cho dù đó là chị em gái ruột, hay họ hàng thân thích bên vợ, bên chồng.

Thế nhưng, chị B. cho rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều cặp vợ chồng khác bởi theo quy định, người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ (hoặc bên chồng) nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. “Rất nhiều gia đình neo người, chỉ có 1 con thì lấy đâu ra người để mang thai hộ”, chị B. băn khoăn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định chỉ những người chưa bao giờ có con mới được nhờ mang thai hộ là quá khắt khe. Bởi thực tế, nhiều cặp vợ chồng tuy không còn khả năng tự mang thai nhưng trước đó họ đã có một con chung, tuy nhiên đứa trẻ này bị bệnh tật nặng như bại não, hội chứng down… Họ rất khao khát có thêm con, nhưng với yêu cầu của luật, họ đành ngậm ngùi. Vì thế, luật nên xem xét để tạo điều kiện cho những trường hợp này.

Hợp đồng rõ ràng


Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thừa nhận, các quy định chặt chẽ như trên có thể là rào cản, hạn chế việc thực hiện các ca mang thai hộ. Nhưng chỉ với các điều kiện ngặt nghèo này thì mới có thể ngăn chặn tình trạng lách luật, đẻ thuê cũng như giải quyết được các vướng mắc về pháp lý nảy sinh sau này.  “Hai bên còn cần kí hợp đồng dân sự được tư vấn bởi luật sư, với rất nhiều ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan. Nội dung cam kết này là sự thỏa thuận giữa hai bên để tránh những phiền lụy sau khi sinh con như sau đẻ con, người mang thai hộ lại không trả con...”, ông Quang cho biết.

Kể từ khi quy định về mang thai hộ chính thức có hiệu lực (từ 15/3/2015), đến nay đã có gần 100 hồ sơ đề nghị được nhờ mang thai và mang thai hộ được gửi đến 3 bệnh viện được thực hiện kỹ thuật này gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, đa số các hồ sơ còn thiếu sót về mặt giấy tờ, trong đó chủ yếu là các trường hợp khó khăn về vấn đề cam kết đồng ý mang thai hộ.

Cùng chung nhận định này, luật sư Đỗ Đức Hồng Hà (Bộ Tư pháp) cho rằng, nếu không có những thỏa thuận cụ thể, rõ ràng giữa hai bên ngay từ đầu thì mục đích nhân đạo của việc mang thai hộ sẽ trở thành gánh nặng cho các bên. Bởi, quá trình mang thai hộ diễn ra rất lâu dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro mà các bên không thể hình dung hết được. Trong khi đó, quan hệ giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai lại là thân thích, họ hàng nên sẽ khiến họ ngại va chạm, ngại ràng buộc về mặt pháp lý. Hậu quả là khi xảy ra tranh chấp sẽ rất khó giải quyết.

Vì thế, theo luật sư Đỗ Đức Hồng Hà, hai bên cần đưa vào các điều khoản quan trọng trong hợp đồng như: trong quá trình mang thai hộ, người mang thai hộ chết do đẻ con, đứa con chết hoặc chết cả mẹ lẫn con trong sinh nở thì trách nhiệm của bên nhờ mang như thế nào? Khi đẻ ra con bị dị tật, không được như mong muốn thì bên nhờ mang thai có nghĩa vụ gì?... Bên cạnh đó, quy định khi sinh xong là phải chấm dứt hợp đồng, chấm dứt quan hệ, sau này người mang thai hộ không được đòi con, lợi dụng con và ngược lại… cũng cần được thể hiện rõ trong hợp đồng.


T.P
Vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN