Mạng di động 5G sẽ phủ sóng ở đô thị và các khu công nghiệp

Mạng di động 5G đang được VNPT, MobiFone, Viettel thử nghiệm thương mại tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp viễn thông thương mại hóa mạng di động trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ngày 17/12, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “5G sẽ đem lại cơ hội gì cho Việt Nam?”. Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam cho biết: “Đây là thời điểm để Việt Nam tiến lên 5G. Nhiều khách hàng đặt câu hỏi về giá cước, diện phủ sóng, thiết bị đầu cuối… Do đó, tọa đàm mang đến bức tranh toàn cảnh về triển khai dịch vụ 5G tại Việt Nam trong thời gian tới và tác động của 5G đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mạng 5G là hạ tầng cốt lõi cho chuyển đổi số

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết: “Bộ TT&TT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phủ sóng mạng di động 5G trên phạm vi toàn quốc. Khi đó, người dân sẽ có thể truy nhập và sử dụng Internet băng thông rộng với giá rẻ. Để thực hiện hóa điều này, Bộ TT&TT đã nhanh chóng xây dựng chiến lược về viễn thông, đặt mục tiêu nâng cấp hạ tầng mạng 4G và sớm thương mại hóa mạng 5G. Hiện tại, đã có 3 nhà mạng là VinaPhone, MobiFone, Viettel được cấp phép thử nghiệm thương mại 5G với quy mô nhất định.

Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ mạng di động 5G, các doanh nghiệp viễn thông còn có thể phát triển các phần mềm, thiết bị cho mạng 5G. “Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường cung cấp các thiết bị đầu cuối. Việc thử nghiệm thương mại 5G cũng là cơ hội để các nhà mạng có thể xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp, dự kiến mức giá cả, chi phí sử dụng tài nguyên trước khi mạng di động 5G chính thức được cấp phép. Sau quá trình thử nghiệm, các nhà mạng sẽ phải gửi báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm về tính năng kỹ thuật, khả năng thương mại, nhu cầu thị trường,... để cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ TT&TT hoàn thiện các cơ sở pháp lý”, ông Nhã cho biết.

“Việc phủ sóng 5G tại địa phương nào sẽ do nhà mạng quyết định dựa trên nhu cầu thị trường nên trước mắt sẽ là một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Đây là những thành phố lớn có mật độ đông người sử dụng và ứng dụng nhiều thiết bị liên kết như giao thông thông minh, y tế thông minh…. Bên cạnh đó, 5G cũng có thể được triển khai ở các khu công nghiệp, những nơi có nhu cầu thiết kế, vận hành, xây lắp các nhà máy thông minh, Bộ TT&TT kỳ vọng sẽ sớm triển khai dịch vụ này ngay trong năm 2021”, ông Nhã nhận định.

Cùng với việc phủ sóng 5G thì kế hoạch tắt sóng 2G cũng đang được tính đến. Theo Cục Viễn thông, hiện vẫn còn 22 triệu thiết bị di động sử dụng sóng 2G và 5 triệu thiết bị di động sử dụng sóng 3G. Do đó, việc dừng công nghệ 2G sẽ phải bổ sung sóng di động 3G/4G.

Đại diện Cục học Tin hóa (Bộ TT&TT) khẳng định: Công cuộc chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó hạ tầng viễn thông gồm internet băng thông rộng, mạng di động 5G sẽ là hạ tầng số quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số. Do đó, việc thương mại hóa 5G sẽ mang lại nhiều cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet cho rằng: Sau hơn 20 năm internet có mặt tại Việt Nam, công nghệ thông tin đang thay đổi nhiều mô hình kinh doanh. Trong đó, việc triển khai mạng di động 5G sẽ đưa ra nhiều giải pháp dịch vụ dành riêng cho các tổ chức, doanh nghiệp. Với các đơn vị cung cấp dịch vụ internet sẽ có nhiều thách thức nhưng cơ hội lớn hơn nhiều. Theo đó, sẽ mở ra rất nhiều mảng ứng dụng, dư địa cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cố định dịch chuyển.

Bài toán kinh tế sẽ quyết định độ phủ mạng 5G

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về kết quả thử nghiệm thương mại trong gần 1 tháng qua, đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết, qua quá trình thử nghiệm kỹ thuật tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mạng 5G cho tốc độ tải về đường xuống (download) nhanh gấp 10 lần, còn đỗ trễ giảm đi 10 lần so với mạng 4G.

Chú thích ảnh
Kiểm tra tốc độ của mạng 5G. Ảnh: TL

Với MobiFone, nhà mạng này đã lắp đặt xong và đang test thử tốc độ 5G. Ở điều kiện tiêu chuẩn, kết quả tương đối khả quan khi tốc độ download đạt khoảng 1.3 Gbps. Theo dự báo, tốc độ của 5G chưa phải đã dừng lại ở đây mà sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Theo nhà mạng Viettel, trên toàn mạng lưới của đơn vị này hiện có khoảng 8.000 thiết bị đầu cuối có khả năng tương thích với mạng 5G. Tuy nhiên, do vùng phủ hẹp, hiện mới chỉ có vài trăm thiết bị được kết nối với mạng thử nghiệm. Tốc độ trung bình trên thực tế hiện đạt khoảng 500-600 Mbps.

Nhìn chung, tất cả các nhà mạng đều cho biết, trong các đợt thử nghiệm thương mại đang được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM, người dùng sẽ không cần phải đổi SIM để sử dụng 5G. Thay vào đó, họ chỉ cần sở hữu những chiếc điện thoại có khả năng kết nối 5G.

Ở góc độ chuyên gia, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết: Nếu chỉ bàn đơn thuần về công nghệ thì sử dụng 5G quá tốt với những ưu điểm: Tốc độ cao tới 10Gbps và cao hơn, độ trễ thấp tính bằng miligiây; khả năng kết nối tới 1 triệu thiết bị trong 1 km2; khả năng truyền sóng thấp hơn 2G, 3G. Tuy nhiên, việc triển khai 5G sẽ phụ thuộc từng vùng và khó hy vọng triển khai rộng rãi ở nông thôn vì cự ly truyền sóng thấp và nhà mạng sẽ rất tốn kém. Do đó, đây là bài toán kinh tế mà các nhà mạng sẽ tính đến triển khai ở đâu cho phù hợp.

Ở góc độ quản lý, nếu chúng ta triển khai 5G muộn sẽ biến cơ hội thành thách thức, sẽ đi sau, không đuổi kịp các nước, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội. Nếu triển khai sớm quá, tốn kém lớn hạ tầng đầu tư của doanh nghiếp. Thực tế triển khai mạng di động 3G, 4G thì dựa trên nhiều yếu tố. Trước tiên là yếu tố khách quan bên ngoài như tiêu chuẩn công nghệ 5G đã được ITU (Liên minh viễn thông quốc tế) chấp thuận chưa? Nếu không cẩn thận sẽ theo chuẩn của nhà sản xuất, sau này có thể gây tổn thất cho doanh nghiệp.

“Tiếp đó là phụ thuộc số lượng người dùng. Càng nhiều người dùng thì giá thiết bị càng phù hợp. Nếu người dùng ít, giá thành thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng cao. Với Việt Nam, giai đoạn này thử nghiệm công nghệ và thử nghiệm thương mại thì được nhưng triển khai chính thức thì căn cứ nhiều yếu tố. Triển khai đúng thời điểm sẽ manng lại nhiều cơ hội, sai sẽ mang lại nhiều thách thức. Do đó, đây là bài toán liên quan đến lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông, nếu có lợi thì sẽ được sớm triển khai”, nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định.

Bàn về bài toán thương mại khi triển khai 5G, các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan đến giá cước, chi phí tần số, thói quen sử dụng dữ liệu của người tiêu dùng,... Đại diện các nhà mạng cũng thừa nhận, đầu tư hạ tầng công nghệ 5G khá tốn kém trong khi ưu tiên triển khai tại đô thị vướng nhiều điệu kiện hạ tầng nên phương án sử dụng hạ tầng phát sóng đang được tính đến. Hoặc tùy theo nhu cầu từng địa phương, các nhà mạng sẽ đầu tư theo từng vùng nhất định.

Về lý thuyết, tiện ích 5G sẽ phục vụ cho giao thông thông minh (xe tự lái), khám chữa bệnh trực tuyến hoặc nhà máy sản xuất hoàn toàn tự động. Do đó, các nhà mạng sẽ cân nhắc khi triển khai mạng 5G để tối ưu hóa bài toán kinh tế. Các chuyên gia công nghệ thông tin cũng nhận định rằng, khả năng thương mại hóa mạng 5G sẽ diễn ra từ 2023-2025.

 

Xuân Cường/Báo Tin tức
Đã cài và điền thông tin trên ứng dụng VssID, vậy làm gì để có thể sử dụng được?
Đã cài và điền thông tin trên ứng dụng VssID, vậy làm gì để có thể sử dụng được?

Ban đọc hỏi: Tôi đã cài ứng dụng VssID – bảo hiểm xã hội số và hoàn thành việc kê khai vào tờ khai đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), nhưng đến nay tôi chưa nhận được thông tin về tài khoản để sử dụng, vậy tôi phải làm tiếp thao tác gì?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN