Mặn xâm nhập sớm, nhiều nơi thiếu nước ngọt

Ngay từ đầu tháng 3, nhiều khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bị mặn xâm nhập sâu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong khi đó, theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô năm nay tại các tỉnh ĐBSCL, nước mặn sẽ xâm nhập rất sâu vào nội địa, riêng nước có độ mặn từ 4‰ trở lên sẽ xâm nhập sâu trên 30km.

Mặn xâm nhập sâu

Địa phương bị ảnh hưởng của mặn xâm nhập sớm nhất là Kiên Giang, khi từ tháng 2, nước mặn xâm nhập đã gây thiệt hại gần 900 ha lúa ở các xã ven biển huyện An Minh. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, trên tuyến đê biển An Biên - An Minh do chưa xây dựng hệ thống cống thủy lợi điều tiết nước và không có nguồn nước ngọt bổ sung để rửa và đẩy mặn, nên dễ xảy ra tình trạng nước mặn xâm nhập nội đồng khi triều cường dâng cao.

Người dân thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) phải đi rất xa để lấy nước tưới.


Bên cạnh đó, nước mặn từ biển hiện theo sông Cái Lớn vào sâu trong nội đồng hơn 20 km; kênh Rạch Giá - Long Xuyên, kênh Cái Sắn và Đòn Dong nước mặn xâm nhập từ 5 - 10 km, với nồng độ đo được 4 - 5‰. Dự báo nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn, nồng độ tăng cao hơn và diễn biến phức tạp, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa khô từ cuối tháng 3 và tháng 4, do 4 cửa sông chính là Kinh Nhánh, Sông Kiên, An Hòa và Rạch Sỏi chưa đầu tư xây dựng công trình ngăn mặn. Hiện hai huyện nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên là Giang Thành và Kiên Lương có khả năng bị nhiễm mặn rất cao do cửa sông Tà Săng, Tam Bản và cửa Đông Hồ (Hà Tiên) chưa có công trình ngăn mặn.

Còn theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, hiện độ mặn trên 6g/l đã lấn sâu vào tận Vàm Giồng (huyện Gò Công Tây), cách vàm Cửa Tiểu trên sông Tiền 30 km. Trong khi đó tại Hậu Giang, nước mặn cũng bắt đầu lấn sâu theo dòng kênh Xáng Xà No vào sâu đất liền hơn 30 km. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết hiện mặn đã bắt đầu xâm nhập ở một số xã tiếp giáp với sông Cái Lớn từ biển Tây đổ vào thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ với nồng độ mặn là 3‰. Theo dự báo, khả năng nước mặn sẽ tiếp tục lấn sâu vào trung tâm của thành phố Vị Thanh, nguy cơ khoảng 2.000 ha lúa hè thu có thể ảnh hưởng.

Thời điểm giữa tháng 3, do ảnh hưởng gió mùa đông bắc thổi mạnh, nước biển đã lấn sâu vào nội đồng hơn 20 km, đe dọa trực tiếp 15.000 ha lúa vụ đông xuân xuống giống muộn ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Châu Thành của tỉnh Trà Vinh. Theo đó, độ mặn phía sông Hậu, tại vàm Cầu Quan (huyện Tiểu Cần) hiện dao động khoảng 3- 4‰; phía sông Cổ Chiên, tại vàm Trà Vinh độ mặn đã lên đến 5- 6‰ và cống Láng Thé (huyện Càng Long) 1,6‰…

Chủ động đối phó

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nước mặn đang tràn vào một số kênh đầu mối tại ĐBSCL sẽ ảnh hưởng đến việc bơm nước vào ruộng trong quá trình cày ải gieo sạ lúa hè thu. Viện khuyến cáo các tỉnh chịu ảnh hưởng mặn cần chủ động bố trí mùa vụ, cây trồng, vật nuôi thích hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại do nước mặn gây ra. Đặc biệt, các tỉnh nên thường xuyên kiểm tra và đóng kín các cống đập khi nước lớn, vận động bà con nông dân gia cố các tuyến đê bao lửng theo các tuyến kênh rạch, các sông nhằm ngăn nước mặn tràn vào ruộng, để khi mưa xuống làm đất gieo sạ lúa hè thu kịp mùa vụ.

Tại tỉnh Kiên Giang, các ngành chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn nước mặn xâm nhiễm và giữ ngọt trên đồng ruộng phục vụ sản xuất vụ mùa. Cụ thể, tỉnh đã cho đóng 28 cống thủy lợi ngăn mặn trên tuyến đê biển Rạch Giá - Kiên Lương; đắp trên 100 bờ đập thời vụ dọc theo các tuyến sông, kênh rạch; tập trung duy tu, sửa chữa các cống thủy lợi và kiểm tra tình trạng hoạt động, vận hành của cống nhằm đảm bảo điều tiết nguồn nước, ngăn mặn, giữ ngọt triệt để phục vụ sản xuất; theo dõi và thông báo tình hình mực nước tại các trạm đo trong tỉnh, tình hình xâm nhập mặn, diễn biến nguồn nước để các địa phương và nông dân chủ động trong sản xuất.

Tại tỉnh Tiền Giang, các cống trong dự án ngọt hóa Gò Công đã đóng cửa ngăn mặn, trừ cống đầu mối Xuân Hòa (xã Xuân Đông, Chợ Gạo) vẫn tranh thủ lấy nước chưa bị nhiễm mặn trữ trong nội đồng. Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả phòng chống hạn, mặn cho vùng duyên hải Gò Công, tỉnh Tiền Giang tiếp tục gia cố 3 tuyến đê trọng điểm là đê cửa sông Gò Công 2, đê sông Tra, đê tây rạch sông Tra; đồng thời tăng cường quan trắc, theo dõi diễn biến hạn mặn, cập nhật kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp bà con chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, giảm thiểu thiệt hại.

Trước tình hình mặn xâm nhập, Công ty TNHH quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh cũng đã cho đóng phần lớn các cửa cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ còn 2 cống Rạch Rum và Cái Hóp (huyện Càng Long) đang còn mở để lấy nước ngọt từ phía tỉnh Vĩnh Long theo hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít về phục vụ sản xuất. Hiện các địa phương trong tỉnh đang huy động mọi nguồn lực, tập trung nạo vét hệ thống kênh mương, khai thông dòng chảy lấy nước từ thượng nguồn đổ về; gia cố lại hệ thống bờ vùng, bờ thửa, đê bao và đắp các cống đập ngăn mặn... nhằm bảo vệ cho bằng được 15.000 ha lúa đông xuân xuống giống muộn đang ở trong giai đoạn làm đòng và bố trí xuống giống 80.000 ha lúa trong vụ hè thu sắp tới theo hướng “né” hạn, mặn.

Riêng tại Hậu Giang, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến đê bao như Vị Thanh- Vịnh Chèo ( huyện Vị Thủy), Vị Thủy- Vịnh Chèo, Nam Xà No thì tỉnh Hậu Giang cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hồ nước ngọt tại xã Vĩnh Tường (diện tích 100 ha) bằng nguồn vốn ODA để trữ nước ngọt trong vùng. Ngoài ra, Hậu Giang cũng đang phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL thực nghiệm giống lúa OM 5464 thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, để phục vụ cho bà con canh tác trong các vụ tới.

M.Thuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN