Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đang hoàn thiện đề án triển khai thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ra quyết định thực hiện thí điểm từ tháng 1/2014. Đây được coi là tiền đề để cải cách hệ thống lương hưu theo hướng hình thành hệ thống bảo hiểm hưu trí đa tầng.
Đa dạng hệ thống bảo hiểm hưu trí
Hệ thống bảo hiểm hưu trí hoàn chỉnh của các nước trên thế giới gồm ba tầng. Tầng thứ nhất là quỹ hưu trí cơ bản được quản lý bởi Nhà nước. Tầng thứ hai là bảo hiểm hưu trí bổ sung (BHHTBS) theo dạng hợp tác công - tư, trong đó, Nhà nước xây dựng cơ chế, tư nhân cung cấp dịch vụ. Tầng thứ ba là các hình thức bảo hiểm hưu trí tự nguyện, hoàn toàn do tư nhân quản lý.
Thu nhập của người nghỉ hưu sẽ được cải thiện khi thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung. |
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, Việt Nam mới có tầng thứ nhất nên quỹ hưu trí đang đối mặt với không ít khó khăn. Nghiên cứu của Bộ LĐTB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, tình trạng mất cân đối thu - chi đã dẫn đến quỹ lương hưu dự kiến thâm hụt vào năm 2020. Chính vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp khắc phục tình trạng này, để giảm áp lực chi cho ngân sách Nhà nước do tăng lương hưu, khi tiến hành tăng lương cơ bản.
Trong khi đó, về phía người về hưu hiện mức lương được hưởng từ quỹ hưu trí cơ bản bình quân chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Thậm chí, không ít người hưởng mức 1,1 triệu đồng. Mức này không đảm bảo đời sống của người nghỉ hưu. Do đó, chính sách BHHTBS bên cạnh việc góp phần giảm áp lực quỹ hưu trí cơ bản còn giúp tăng mức lương hưu lên.
Quỹ BHHTBS khi hình thành cũng sẽ góp phần tạo nguồn vốn đầu tư chung của xã hội, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo thêm việc làm, gia tăng an sinh xã hội... Do đầu tư chủ yếu vào trái phiếu dài hạn, nên hoạt động đầu tư của các quỹ BHHTBS sẽ tạo ra luồng tiền đầu tư ổn định cho sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.
Theo ông Phạm Minh Huân, để hình thành quỹ BHHTBS, cần 4 yếu tố: doanh nghiệp; quỹ quản lý tiền đầu tư; hạ tầng; hệ thống chính sách. Theo khảo sát mới đây của Bộ LĐTB&XH tại 700 doanh nghiệp thì có đến 70% doanh nghiệp sẵn sàng tham gia loại hình BHHTBS. Hệ thống hạ tầng và các đơn vị quản lý quỹ cũng đã hoàn chỉnh và đủ sức triển khai. Vấn đề thiếu hiện nay là chính sách. Do chưa có chính sách nên một số đơn vị đang triển khai mô hình BHHTBS, nguồn tiền vẫn đang nằm ở doanh nghiệp và ngân hàng (do chưa thành lập được quỹ bảo hiểm). Chính vì vậy, các cơ quan quản lý đang hoàn thiện chính sách về hạn mức nộp, vấn đề ưu đãi thuế, kết nối giữa tài khoản, quỹ đầu tư, ngân hàng giám sát.
Sớm hoàn thiện chính sách
Theo đề án Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH) đề xuất, chính sách BHHTBS sẽ được triển khai theo hướng tự nguyện, tỷ lệ đóng trên cơ sở thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động trong hợp đồng, mức đóng góp vào quỹ BHHTBS từ 5 - 22% tiền lương hàng tháng của người lao động. Mức trần đóng BHHTBS dự kiến là 5,06 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là 250.000 đồng. Tuy nhiên, người lao động sẽ chỉ đóng góp không quá 50% tổng mức tiền.
Tuy mang tính chất tự nguyện, nhưng khi thực hiện, doanh nghiệp và người lao động phải tuân thủ các quy định về mức đóng góp, thời gian tối thiểu để được hưởng quyền lợi, mức hưởng khi nghỉ việc giữa chừng… Nếu rút tiền trước hạn, các khoản đóng quỹ BHHTBS sẽ bị truy thu thuế.
Khác với việc đóng tiền BHXH cho quỹ hưu trí cơ bản như hiện nay không rõ số tiền đóng là bao nhiêu, với quỹ BHHTBS vận hành theo phương thức tài khoản cá nhân, người đóng quỹ sẽ biết rõ số tiền mình đóng và hưởng sau này là bao nhiêu. Ông Phạm Minh Huân, cho biết: “Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện đề án để trình trình Thủ tướng Chính phủ việc thí điểm chính sách BHHTBS. Thời gian thực hiện thí điểm khoảng 5 năm, sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm phù hợp với thực tế của Việt Nam. Quỹ BHHTBS sẽ được đầu tư và tích lũy dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật để đảm bảo độ an toàn và cũng như quyền lợi của người lao động”.
Xuân Minh