Lựa chọn công nghệ khả thi nhất để áp dụng xử lý ô nhiễm dioxin tại Việt Nam 

Chiều 15/6, Hội thảo Báo cáo kết quả thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa của Liên danh Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường - nay là Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường - NACCET (Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Haemers (Vương quốc Bỉ) đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của gần 70 khách mời là đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường và xử lý nhiễm độc dioxin tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ông Jan Heamers, Giám đốc điều hành của Heamers Technologies phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Khu vực sân bay Biên Hòa là một trong những điểm nóng ô nhiễm dioxin có nồng độ cao nhất tại Việt Nam. Hoạt động hợp tác giữa liên danh Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Binh chủng Hóa học), Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET)/Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tập đoàn Haemers (Vương quốc Bỉ) tiến hành thử nghiệm xử lý đất, trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa được cho phép bởi Bộ Quốc phòng, nhằm đánh giá hiệu quả công nghệ, qua đó đề xuất các giải pháp công nghệ có tính khả thi để áp dụng vào xử lý đất, trầm tích ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Đồng thời, quá trình hợp tác thử nghiệm góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển, tiến tới làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học và các chất độc công nghiệp gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người tại Việt Nam.

Căn cứ Biên bản ghi nhớ giữa hai bên, hoạt động hợp tác thử nghiệm xử lý dự kiến diễn ra từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020. Diện tích khu vực thử nghiệm khoảng 2000 m2. Mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động thử nghiệm là chứng minh hiệu quả của thiết kế và công nghệ xử lý Smart BurnersTM để xử lý đất nhiễm dioxin về ngưỡng dioxin và furan mục tiêu ở các vị trí xác định, cụ thể là giảm mức độ ô nhiễm về mức dưới 300 ppt TEQ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian triển khai thực tế diễn ra từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2022. Giai đoạn xử lý chính thức bắt đầu từ ngày 2/2/2022, kết thúc vào ngày 14/3/2022. Sau 40 ngày xử lý, nhiệt độ mục tiêu 335 độ C đã đạt được và duy trì trong mố gia nhiệt trong 5 ngày.

Các kết quả đánh giá sau xử lý cho thấy: Các chất dioxin đã bị phá hủy; khí thải hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ; không có hiện tượng rò rỉ bất thường trong quá trình xử lý; các thông số quan trắc không khí xung quanh đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, tất cả thiết bị đều vận hành hiệu quả. Giai đoạn xử lý không tạo ra chất thải (không tạo ra chất thải dạng lỏng hoặc rắn). Lớp bê tông bao phủ toàn bộ mố được chứng minh là không bị nhiễm độc và có thể tái chế hoàn toàn. Hiệu suất phá hủy trên 99% và nồng độ xử lý mục tiêu đã đạt được, đất sau xử lý có thể tái sử dụng.

Hoạt động thử nghiệm đã chứng tỏ công nghệ xử lý nhiệt đối với đất nhiễm dioxin là giải pháp tiên tiến và hiệu quả với tất cả các thành phần chất độc đã được phá hủy, đất có thể tái sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Chúc mừng những kết quả đã đạt được của Liên danh Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường và Tập đoàn Haemers (Vương quốc Bỉ), theo Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, những kết quả nói trên cùng với các hoạt động thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin khác đã tạo tiền đề để Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan tìm kiếm, lựa chọn công nghệ có tính khả thi nhất để triển khai áp dụng xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa; xây dựng nền tảng, hạ tầng công nghệ, kỹ thuật để xử lý ô nhiễm dioxin trên phạm vi toàn quốc.

Thiếu tướng Hà Văn Cử đề nghị Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường tiếp tục học hỏi, nghiên cứu công nghệ để xử lý ô nhiễm chất độc hóa học do chiến tranh để lại; bày tỏ hy vọng Tập đoàn Haemers sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ xử lý dioxin của mình để trong tương lai không xa công nghệ này sẽ được áp dụng tại các điểm nóng xử lý đất nhiễm dioxin tại Việt Nam. Tư lệnh Binh chủng Hóa học mong muốn các cơ quan, ban, ngành liên quan cùng các nhà khoa học, nhà quản lý tiếp tục sát cánh trong quá trình thực hiện công việc đầy khó khăn và nhân văn này.

Gửi lời cảm ơn Chính phủ Bỉ vì sự hỗ trợ cho dự án thử nghiệm này thông qua các hoạt động về tài chính và chuyên môn, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường và sự hợp tác của những người dân tại khu vực thử nghiệm để hoạt động thử nghiệm đạt được kết quả như hiện nay. Khẳng định tính hiệu quả của công nghệ xử lý khi được triển khai thành công ở những dự án khác trước đây, Đại sứ Paul Jansen cho biết Bỉ sẵn sàng chuyển giao công nghệ cốt lõi trên tinh thần là đối tác nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm dioxin tại Việt Nam.

Thông qua hội thảo, trên cơ sở các nội dung thảo luận, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, khách mời tham dự, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường và Tập đoàn Haemers sẽ phối hợp để hoàn thiện nội dung báo cáo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các cơ quan chức năng liên quan xem xét áp dụng công nghệ giải hấp nhiệt đã được thử nghiệm làm công nghệ chính để xử lý đất nhiễm dioxin tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Đại biểu quốc tế tham gia hội thảo. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Những năm qua, Việt Nam đã phối hợp với các đối tác quốc tế triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá và xử lý môi trường bị ô nhiễm chất độc hóa học tại nhiều địa phương trên cả nước. Hàng trăm ngàn mét khối đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát đã được chôn lấp, cô lập; khoảng 150.000 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng được tẩy độc thành công. Ngoài ra, với sự hỗ trợ từ các nguồn lực, Việt Nam đã xử lý an toàn 500 tấn chất độc và bom đạn chứa chất CS và 10.000 tấn đất nhiễm, bàn giao trên 30 ha đất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các hoạt động chăm sóc y tế, phục hồi chức năng; hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật ở một số tỉnh bị phun rải nặng chất da cam...

Hiền Hạnh  (TTXVN)
Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2021-2030
Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2021-2030

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 2215/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN