'Loay hoay' với bệnh án điện tử - Bài 1: Chuyển động cùng xu thế

Nếu như các nước trên thế giới đã triển khai bệnh án điện tử từ 20 năm trước thì với sự ra đời của Thông tư 46/2018/TT-BYT, Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên.

Đây được xem là hướng đi cần thiết và có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời nâng cao khả năng tương tác, trao đổi thông tin, phối hợp giữa các bệnh viện trong nước, hòa nhập với xu hướng chung của thế giới.   

Chú thích ảnh
Ứng dụng bệnh án điện tử tại Bệnh viện quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Những thử nghiệm đầu tiên

Ngày 28/12/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Theo đó, từ ngày 1/3/2019, các bệnh viện bắt đầu triển khai xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử, chậm nhất đến năm 2030 các bệnh viện trên toàn quốc phải hoàn thành việc chuyển đổi này.

Không chờ đợi đến khi có chỉ đạo xây dựng bệnh án điện tử của Bộ Y tế, năm 2017, Bệnh viện quận Thủ Đức là bệnh viện đầu tiên trên cả nước được thí điểm sử dụng bệnh án điện tử trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, để có được mô hình bệnh án điện tử, Bệnh viện quận Thủ Đức đã bắt đầu khởi động từ năm 2008.

Mỗi ngày, Bệnh viện quận Thủ Đức phục vụ hơn 6.000 lượt khám chữa bệnh. Nếu như trước đây, bệnh nhân phải qua 2 khâu đăng ký khám rồi lấy số vào phòng khám, thì bây giờ bệnh nhân đến bệnh viện sẽ được nhân viên y tế quét mã vạch thẻ Bảo hiểm y tế vì thông tin đã có sẵn trên máy tính của bệnh viện, hoàn toàn không cần đến sổ khám bệnh. Còn với bệnh nhân nội trú, thay cho những cuốn hồ sơ bệnh án dày cộm là chiếc máy tính bảng nhỏ nhắn nhưng chứa được vô số thông tin, dữ liệu của bệnh nhân. Thậm chí, các xét nghiệm cận lâm sàng với những kết quả chụp X-quang, chụp CT, xét nghiệm máu... cũng không cần in ra giấy rồi đi tìm bác sỹ đọc kết quả như trước đây. Việc này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.

Tương tự, một bệnh viện khác cũng bắt kịp xu thế chuyển đổi bệnh án điện tử là Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2017, đơn vị này bắt đầu triển khai song song 2 hệ thống gồm bệnh án điện tử và hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa (PACs).

Nhờ áp dụng bệnh án điện tử, các bác sỹ gần như dành hết thời gian để khám bệnh và tư vấn cho bệnh nhân, vì thế bệnh nhân rất hài lòng. Ngoài ra, bệnh án điện tử cũng giúp cảnh báo các trường hợp bệnh nhân dị ứng thuốc, tương tác thuốc, phụ nữ có thai, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, liên kết các thông tin tường trình phẫu thuật, tìm kiếm kết quả xét nghiệm dễ dàng… khiến công việc của bác sỹ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Còn tại một số bệnh viện như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã bắt đầu manh nha ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh từ 10 năm nay. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự diễn ra rầm rộ, các bệnh viện mới chỉ dừng lại ở số hóa thông tin của người bệnh, đăng ký khám bệnh trực tuyến, triển khai sơ bộ một số phần mềm quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn như: PACs (lưu trữ và truyền hình ảnh), HIS (Phần mềm quản lý bệnh viện), LIS (Phần mềm quản lý phòng xét nghiệm)…

Lợi cả đôi đường

Theo Bộ Y tế, bệnh án điện tử là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trước đây, trong hệ thống thông tin y tế, công tác lưu trữ thông tin về bệnh nhân từ thời điểm làm thủ tục nhập viện đến khi xuất viện đều phải thực hiện trên giấy tờ, sổ sách. Việc này gây ra vô vàn bất cập như lượng thông tin lưu trữ quá lớn, tìm kiếm khó khăn, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin giữa các khoa trong bệnh viện hoặc giữa các bệnh viện với nhau còn hạn chế.

Với bệnh án điện tử, những điều này hoàn toàn có thể khắc phục được. Chỉ cần một chiếc máy tính với phần mềm được cài đặt sẵn có thể lưu trữ nguồn dữ liệu khổng lồ thay cho kho lưu trữ giấy cồng kềnh trước đây. Không chỉ chứa dữ liệu, bệnh án điện tử còn giúp bác sỹ truy cập thông tin nhanh, hỗ trợ công tác chẩn đoán, thống kê và nghiên cứu khoa học của các chuyên khoa, giảm thiểu tài liệu lưu trữ hàng năm cho hệ thống bệnh viện, hỗ trợ tối đa các bác sỹ trong việc nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ở góc độ người bệnh, bệnh án điện tử giúp bệnh nhân không phải lưu trữ hay lỉnh kỉnh mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi khám bệnh, tái khám như: Kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc… Bệnh nhân không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không còn tình trạng đọc thông tin về bệnh của mình trong sổ khám bệnh, mà không hiểu gì vì chữ viết của bác sỹ.

Với bác sỹ, bệnh án điện tử giúp lưu trữ thông tin bệnh nhân một cách chi tiết và có hệ thống, từ đó bác sỹ có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình của bệnh nhân, đưa ra kết quả chẩn đoán và phương thức điều trị chính xác, cũng như hạn chế việc chỉ định các xét nghiệm không cần thiết.

Ủng hộ chủ trương chuyển đổi bệnh án điện tử, bác sỹ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, bệnh án điện tử sẽ xóa được các kho lưu trữ khổng lồ gây đau đầu cho các bệnh viện trong nhiều năm qua.

Đơn cử như tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày có đến 400 - 500 hồ sơ xuất viện, các hồ sơ này buộc phải lưu trữ từ 10 - 30 năm tùy theo loại bệnh, loại hồ sơ. Điều này đã gây ra sự quá tải cho kho lưu trữ của bệnh viện trong nhiều năm liên tục, chưa kể công tác tiêu hủy hồ sơ bệnh án cũ cũng mất khá nhiều thời gian.

Còn với bác sỹ thì bệnh án điện tử có thể trở thành công cụ đắc lực nâng cao hiệu quả chuyên môn, hiệu quả công việc. Mỗi lần bệnh nhân tái khám hoặc tái nhập viện điều trị, bác sỹ không còn mất thời gian lục hồ sơ. Toàn bộ tình hình điều trị của những lần trước đó hay tiền sử bệnh đều có thể nhìn thấy rõ ràng, từ đó giúp bác sỹ chẩn đoán, chỉ định điều trị chính xác, hợp lý, giảm thiểu sai sót chuyên môn so với trước đây.

Bác sỹ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá, bệnh án điện tử là điều mà cả các bệnh viện, bác sỹ lẫn bệnh nhân mong đợi từ lâu. Trước mắt, bệnh án điện tử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đơn giản hóa thủ tục, nhưng lại có độ chính xác cao, có sự tổng hợp giúp bác sỹ có cái nhìn tổng quan toàn bộ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, ví dụ đã đi khám mấy lần, đã xử lý những cái gì… mà bệnh án giấy không thể cập nhật hết được. Từ đó, bác sỹ theo dõi bệnh nhân được toàn diện hơn, sát sao hơn.

“Một khi toàn bộ quy trình khám chữa bệnh dễ dàng thì cả bác sỹ và bệnh nhân đều thoải mái”, bác sỹ Việt chia sẻ.

Bài 2: Cần có quy chuẩn cụ thể, thống nhất

Đinh Hằng (TTXVN)
Mong đợi bệnh án điện tử
Mong đợi bệnh án điện tử

Phần lớn người dân đều mong đợi sớm áp dụng bệnh án điện tử vì sẽ rất thuận lợi, đặc biệt là đỡ mất nhiều thời gian trong khâu khai thông tin, thủ tục giấy tờ mỗi lần đi khám, chữa bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN