Lơ là tiêm chủng, dịch sởi bùng phát

Dịch sởi bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước với hàng trăm ca bệnh và đã có trường hợp tử vong. Trong khi đó, tâm lý e ngại tiêm phòng đã khiến nhiều phụ huynh bỏ lỡ các mũi tiêm chủng cho con em mình.


Diễn biến bất thường


Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, hiện nay ở nước ta dịch bệnh sởi đang có nguy cơ lan rộng với diễn biến phức tạp. Mùa đông xuân thời tiết lạnh ẩm thuận lợi cho sự phát triển của bệnh; sự gia tăng giao lưu đi lại, tiếp xúc trong thời gian Tết Nguyên đán cũng gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan của việc lơ là tiêm chủng thời gian qua.

 

Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) hiện điều trị nội trú hơn 100 trường hợp mắc bệnh sởi. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: từ đầu năm đến ngày 5/2, cả nước đã ghi nhận khoảng 621 trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi và một số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Các ca mắc sởi phát hiện nhiều tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La. Theo kết quả giám sát sởi năm 2013 của ngành Y tế tại các tỉnh, thành phố: Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (75,9%), đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chiếm trên 60%. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, nguyên nhân chủ yếu là các trẻ chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi hoặc chưa được tiêm đầy đủ hay đúng lịch.


Tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, từ 1/1 - 6/2/2014 đã phát hiện 98 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 30 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Như vậy, sau 3 năm không có dịch, bệnh sởi đã xuất hiện lại tại Hà Nội. Theo số liệu của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, trong số bệnh nhân mắc sởi thì có đến 40% chưa được tiêm vắcxin phòng sởi và 12,5% trước đó đã được tiêm 1 mũi vắcxin phòng sởi trước 1 tuổi. Các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng.


Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ tháng 1/2014 đến nay, bệnh nhân sởi đến điều trị tại khoa tăng đột biến. Khoa đã tiếp nhận điều trị cho 67 bệnh nhân sởi và nghi sởi, có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Hiện tại khoa vẫn đang điều trị cho 43 bệnh nhân bị biến chứng. Đặc biệt có nhiều bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm chủng, bị mắc sởi. Đây là điều bất thường trong diễn biến bệnh sởi năm nay.


Tại một số tỉnh thành khác như Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định, Việt Trì, dịch bệnh sởi cũng được phát hiện. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái, đến nay đã phát hiện các ổ dịch thuộc huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn. Dịch sởi tại xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) làm 1 trường hợp tử vong là trẻ 3 tuổi.


Đừng bỏ qua vắcxin


Theo bác sỹ Nguyễn Văn Lâm (Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương), hầu hết bệnh nhân sởi được phát hiện và điều trị tại BV Nhi TƯ thời gian này đều chưa được tiêm chủng. Nếu sớm tiêm chủng thì tỷ lệ phòng bệnh cũng chỉ bao quát được 90% còn tiêm chủng nhắc lại đầy đủ theo quy định thì tỷ lệ phòng bệnh đạt 99%. Có những trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc sởi thường ảnh hưởng từ mẹ, do người mẹ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.


Trước thực trạng trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có Công văn khẩn gửi giám đốc Sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi. Cục chỉ đạo Sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắcxin sởi để tiêm vắcxin sởi bổ sung. Việc tổ chức tiêm vắcxin sởi có thể thực hiện đồng thời với lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc được tổ chức vào một ngày riêng.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi trong cộng đồng; lợi ích của việc tiêm phòng vắcxin sởi; chú ý tiêm phòng vắcxin sởi đúng lịch, đủ mũi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng để các bà mẹ hiểu và đưa con đi tiêm chủng. Sở y tế các tỉnh, thành phố bảo đảm đủ cơ số thuốc, vắcxin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch ở các tuyến; cấp kinh phí đầy đủ cho việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sởi....


Bộ Y tế khuyến cáo: các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắcxin sởi đầy đủ, đúng lịch. Trẻ cần được tiêm 2 mũi vắcxin phòng bệnh. Mũi thứ nhất khi trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ được 18 tháng tuổi.


Cục Y tế dự phòng cũng cho biết:. Đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong phòng, không gian khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vắcxin sởi.


Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc bệnh truyền nhiễm hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non.

 

PV (Tổng hợp)

Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống sởi
Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống sởi

Hiện nay đang là mùa đông - xuân, đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus sởi lưu hành và gây bệnh. Thời gian tới, bệnh sởi vẫn có thể tiếp tục xảy ra rải rác hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN